19/01/2025 | 19:34 GMT+7, Hà Nội

Nghịch lý giá nhà tăng giữa Covid-19: Xu thế khó đảo chiều

Cập nhật lúc: 27/10/2020, 09:04

Trái với nhiều dự báo thông thường, giá nhà tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, bất chấp tác động của Covid-19. Giới kinh tế cho rằng, đây là xu thế khó đảo chiều.

Nghịch lý tăng giá nhà giữa mùa Covid-19

Cuộc càn quét của Covid-19 đã dấy lên niềm tin về cơ hội xuống tiền mua nhà giá rẻ. Thế nhưng, trái với tâm lý kỳ vọng đó, các báo cáo từ tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản đều chỉ ra, giá nhà tiếp tục gia tăng. 

Báo cáo quý II của Bộ Xây dựng mang đến thông tin khá bất ngờ cho người mua nhà. Theo đó, dù dịch bệnh, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM tăng lần lượt là 0,16% và 0,25% so với quý trước. Giá bán nhà không giảm mà vẫn tăng so với cuối năm ngoái.

Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý trước. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 0,01%. Trong khi đó, tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư có mức tăng khoảng 0,25% còn nhà riêng lẻ có mức tăng khoảng 0,15%.

Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, mức giá nhà có dấu hiệu nhích tăng. Tại Hà Nội giá căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục gần như đi ngang nhưng phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3 - 5%, so với quý trước vì mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chưa có doanh nghiệp nào giảm giá bán. Có một số dự án thuộc phân khúc bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp. Giá đất nền ở Hà Nội do khan hiếm hàng và thuộc dòng sản phẩm được ưa chuộng nên cũng tăng mạnh.

Nguồn cung và lượng giao dịch BĐS nhà ở trên cả nước 9 tháng đầu năm. (Nguồn: VARs)

Tại TP.HCM, giá bán căn hộ trong quý III/2020 còn tăng mạnh hơn, từ 15 - 20% so với quý II/2020 nên đã tạo nên cơn sốt nhỏ trên thị trường do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao. Cũng do khan hiếm nguồn hàng, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền nên tại các huyện ven đô có sự tăng giá mạnh như Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi..., với mức dao động từ 30 - 50 triệu đồng/m2, tăng từ 10 - 15% so với quý trước.

Nghịch lý khó đảo chiều

Xét trong bối cảnh tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, mức tăng giá nhà là xu hướng tất yếu khi phân tích cơ sở của vấn đề này. 

"Tác động của dịch Covid-19 khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm. Trong khi, nhu cầu về nhà ở vẫn không ngừng gia tăng. Sự lệch pha cung cầu dẫn tới, mức giá nhà ở tăng là điều tất yếu" - Một chuyên gia bất động sản lý giải. 

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần PropertyGuru Việt Nam cho rằng, có thể giải thích mặt bằng giá cao là kỳ vọng của nhà đầu tư vào kênh đầu tư sinh lời này rất lớn. Nguồn tiền kinh doanh trong dân còn khá nhiều, thay vì gửi ngân hàng ở mức lãi suất 5 - 6% thì việc mua một sản phẩm nhà ở để đầu tư lâu dài cũng là một cơ hội đối với những người có nguồn tài chính tốt.

Ông Quốc Anh phân tích, yếu tố dịch Covid 19 mang tính chất ngắn hạn, đầu tư bất động sản mang tính chất dài hạn, nên dù có Covid thì giá nhà cũng không hạ được, trừ khi dịch ảnh hưởng từ 3-5 năm thì tác động lên giá nhà sẽ khác.

"Giá nhà cao còn do xuất phát từ nhu cầu mua để ở thực của người dân chứ không phải câu chuyện bong bóng như giai đoạn 2009 - 2010" - ông Quốc Anh nhấn mạnh. 

Giá nhà tăng là tất yếu. 

Xu hướng tăng giá chung của thế giới

Thực tế, xu hướng tăng giá nhà trong bối cảnh Covid-19 không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà trở thành hiện tượng trên nhiều quốc gia khác. 

Dù cách đây 1 thập kỷ, cuộc đại suy thoái nền kinh tế đã đẩy giá nhà giảm trung bình tới 10%. Sự đi xuống của thị trường bất động sản đã kéo theo làn sóng đổ vỡ domino tạo ra tâm lý lo ngại, e dè trong đầu tư. Nhưng trái ngược với tâm lý đó, kịch bản của hơn 10 năm trước đã không tái diễn trong đại dịch năm 2020. Giá nhà đất trong quý II/2020 đang theo trên chiều hướng tăng ở hầu hết các quốc gia có thu nhập trung bình và cao. Ở những quốc gia giàu có thuộc khối G7, giá bất động sản tại đây đã tăng với tốc độ hàng năm là 5%. 

The Economist cũng đưa ra nhận định, kinh tế thế giới đang rơi vào thời kỳ suy thoái sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng những năm 1930. Nhưng giá nhà bất động sản vẫn tiếp tục gia tăng. Cụ thể, tại Mỹ, Canada, Đức, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc... mức giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng. 

Nghịch lý đảo chiều trong tăng giá bất động sản với bối cảnh khó khăn của nền kinh tế lại được đánh giá là tín hiệu tích cực cho bức tranh chung. Nhiều chuyên gia nhận định, các công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ các nước đã tạo ra sự cân bằng của nền kinh tế. 

Mặt khác, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế dẫn tới đầu tư bị chậm, tạo ra tình trạng khan hiếm nguồn cung. Tờ The Economist cho rằng, điều đó đồng nghĩa, nguồn cung bất động sản ở nhiều nước sẽ trở nên khan hiếm, kéo theo giá nhà đất sẽ có xu hướng đi lên thêm nữa.

Mức giá nhà tăng cao sẽ một lần nữa khẳng định bất động sản đang trở thành một kênh đầu tư an toàn. Và đầu tư sớm là lời khuyên mà nhiều chuyên gia đưa ra đối với các nhà đầu tư.