26/11/2024 | 14:02 GMT+7, Hà Nội

Nghệ An: Hiểm họa khôn lường từ thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu

Cập nhật lúc: 21/10/2018, 09:20

Thực trạng tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật đang là vấn đề nóng tại địa bàn tỉnh Nghệ An, với hàng trăm điểm phân bố rải rác. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng do nhiều lý do khác nhau nên đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm...

 Người dân lo lắng tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào nước sinh hoạt nên sử dụng hệ thống lắng lọc để khử mùi. Ảnh: Gia Bình

Người dân lo lắng tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào nước sinh hoạt nên sử dụng hệ thống lắng lọc để khử mùi. Ảnh: Gia Bình

Sống trong bất an

“Làng ung thư” là cái tên mà rất nhiều người dân sử dụng khi nhắc tới xóm Thạch Sơn (xã Văn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Không phải ngẫu nhiên cái tên gọi đó gắn liền với Thạch Sơn - nơi người dân quanh năm chỉ sống dựa vào đồng ruộng. Theo thống kê thì trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã có hàng chục người dân xóm Thạch Sơn chết vì mắc bệnh ung thư. Đáng nói hơn, con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, bởi còn nhiều trường hợp khác trong xóm bị chẩn đoán mắc ung thư đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Tiếp PV trong căn nhà nhỏ lụp xụp, nằm lọt thỏm giữ xóm Thạch Sơn, với ánh mắt đầy vẻ lo lắng, bất an, bà N.T.T cho biết, gia đình bà vốn đã neo người thì cách đây không lâu, chồng và một người con của bà lần lượt ra đi vì mắc bệnh ung thư. Theo bà T thì nguyên nhân gây bệnh có thể do nguồn nước sinh hoạt (?).

Chỉ tay về khu vực cách nhà vài chục mét, bà T cho biết, đó là vị trí kho chứa thuốc bảo vệ thực vật trước đây của Hợp tác xã chăn nuôi huyện. Mặc dù hiện nay kho không còn tồn tại nữa, nhưng thuốc bảo vệ thực vật trước đây có thể ngấm sâu vào đất và qua thời gian, nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm (?).

Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Long - Chủ tịch UBND xã Văn Thành cũng thừa nhận những nguy cơ này bởi gia đình ông sống trong khu vực ô nhiễm và đã có 2 người thân ra đi vì căn bệnh ung thư. Ông Long cho biết, xã đã báo cáo lên huyện về sự việc này. Cách đây mấy năm, cơ quan chức năng có về lấy nước đi kiểm định, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Vì thế, người dân luôn sống trong tâm trạng bất an, lo lắng.

Cần sự chung tay xử lý của các cơ quan ban ngành

Theo thống kê, Nghệ An có tới 189 điểm ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật. Nổi cộm trong số đó phải kể đến các huyện như: Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu...

Được biết, hầu hết các điểm tồn lưu này là hệ lụy của rất nhiều năm trước để lại. Thời điểm đó, công nghệ bảo vệ chưa được chú trọng, vì vậy những đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật tiện chỗ nào thì đặt vị trí kho ở đó mà không tính đến những hệ lụy lâu dài.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở TN&MT, Chi cục Môi trường lập kế hoạch để xử lý các điểm tồn lưu. Tuy nhiên, theo ông Hồ Chí Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Nghệ An, việc xử lý các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn gặp một số khó khăn, đặc biệt là công nghệ và nguồn kinh phí thực hiện.

Ông Dũng cho hay, để thực hiện một dự án xử lý ô nhiễm môi trường thì phải cần số kinh phí hàng tỷ đồng, trong khi đó ngân sách của tỉnh đầu tư còn hạn hẹp nên việc triển khai đồng bộ, dứt điểm còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều dự án khi xây dựng kế hoạch xong thì việc triển khai không thể diễn ra theo đúng thời gian do kinh phí không có, hoặc không đủ để thực hiện. Mặt khác, về công nghệ xử lý hiện nay đòi hỏi kỹ thuật rất phức tạp.

“Thời gian qua, Chi cục Môi trường đã nhận được nhiều phản ánh của người dân, chính quyền cũng như sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Chúng tôi cũng trăn trở, nhưng trong điều kiện thiếu kinh phí và công nghệ nên chỉ thực hiện xử lý các điểm nóng cấp bách, còn các điểm ô nhiễm khác sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình, điều kiện cho phép Chi cục sẽ triển khai thực hiện”, ông Dũng cho biết thêm.

Có thể nói, vấn đề ô nhiễm môi trường từ việc tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang nóng hơn bao giờ hết, bởi nó trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như sức khỏe của hàng nghìn hộ dân. Thiết nghĩ, để hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, tỉnh Nghệ An cần quan tâm đầu tư, chỉ đạo tổ chức thực hiện xử lý dứt điểm vấn đề trên, giúp người dân yên tâm ổn định sinh sống và phát triển kinh tế.