29/03/2024 | 15:52 GMT+7, Hà Nội

Ngành Nông nghiệp Hà Nội: Tạo bước chuyển, xứng vai "trụ đỡ"

Cập nhật lúc: 24/04/2020, 15:00

Năm 2020, ngành Nông nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu tăng trưởng 4,04% và có thể cao hơn nữa để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố, đồng thời bảo đảm nguồn cung nông sản...

Năm 2020, ngành Nông nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu tăng trưởng 4,04% và có thể cao hơn nữa để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố, đồng thời bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường Hà Nội trong mọi tình huống, kể cả khi dịch Covid-19 có thể kéo dài. Những khó khăn, thách thức phía trước đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải có quyết tâm cao với những giải pháp mới, tạo chuyển động tích cực hoàn thành mục tiêu đề ra.

Giải quyết tốt nguồn giống sẽ thúc đẩy tái đàn lợn, góp phần phát triển nền nông nghiệp Thủ đô. Trong ảnh: Một trang trại nuôi lợn giống tại xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai). Ảnh: Nhật Nam

Thực hiện song hành hai nhiệm vụ

Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế và có vai trò quan trọng trong ổn định xã hội, đặc biệt với thành phố có hơn 8 triệu dân như Hà Nội, trong đó có gần 60% dân số sống ở nông thôn. Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong những năm qua chỉ đạt hơn 2,5%. Đáng chú ý vì nhiều lý do, quý I-2020 tăng trưởng của ngành đã sụt giảm tới 1,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, hiện sản xuất nông nghiệp Hà Nội mới đáp ứng được 65,6% nhu cầu gạo, 65,1% rau củ tươi, 19,3% thịt bò, trâu, 94,2% trứng gia cầm… số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Đặc biệt, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019, Hà Nội đã phải tiêu hủy 543.878 con, hiện chỉ còn 1,2 triệu con, gây thiếu hụt nguồn cung thịt lợn cho thị trường.

Hiện tại, tình trạng biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 đã và đang đặt ra hai vấn đề trọng tâm cho ngành Nông nghiệp Hà Nội. Đó là vừa bảo đảm duy trì tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế Thủ đô, vừa chủ động nguồn cung cho Hà Nội trên tinh thần không để thiếu lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp cũng như đời sống của người dân các vùng nông thôn Hà Nội. Trước hết là nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do những hạn chế từ việc phân phối, lưu thông...

Thực hiện nhiệm vụ này với khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi quyết tâm rất cao, nhưng Giám đốc Chu Phú Mỹ khẳng định: Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ nỗ lực cao nhất, triển khai thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ để nông nghiệp trở thành một “trụ đỡ” của nền kinh tế Thủ đô và bảo đảm nhu cầu nông sản thực phẩm cho người tiêu dùng Hà Nội.

Chăn nuôi gà theo mô hình trang trại tại Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nhật Nam

Chủ động triển khai nhiều giải pháp

Để đạt được mục tiêu trên, cùng với việc chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất từng vụ, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm, tận dụng những dư địa của ngành để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng.

Trước mắt để ổn định sản xuất, với lĩnh vực trồng trọt, vấn đề quan trọng nhất là tập trung nguồn lực thực hiện thắng lợi vụ xuân để khôi phục tăng trưởng cũng như bảo đảm nguồn cung hàng hóa. Cụ thể là tập trung phòng bệnh cho lúa, phát triển đa dạng nhóm rau màu; nâng diện tích rau an toàn vụ xuân lên 5.000ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.000ha, hằng ngày cung ứng ra thị trường 450 tấn rau các loại.

Về chăn nuôi, năm 2020 phải đạt tăng trưởng 6-7%. Theo đó, ngành chăn nuôi đã và sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm tăng 30% tổng đàn lợn. Đồng thời, tăng 1,2% đàn trâu, 2% đàn bò, 1,13% đàn gia cầm và thủy sản tăng khoảng 6,29%... so với năm 2019. Nhằm đạt được mục tiêu trên, việc quan trọng của ngành Nông nghiệp là chủ động cung ứng đủ lượng thức ăn cho gia súc, gia cầm; phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ cao…

Việc thúc đẩy chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã được người dân và chính quyền địa phương quán triệt. Ông Nguyên Đình Minh, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) cho hay: “Để đáp ứng nhu cầu tái đàn lợn trên cả nước cũng như Hà Nội, những ngày qua trang trại đã đẩy mạnh chăn nuôi, phấn đấu mỗi tháng xuất bán hơn 1.000 con lợn giống đạt chất lượng cao”.

Về phía các địa phương, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho hay: UBND huyện đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh chăn nuôi. Hiện tại trên địa bàn có hơn 400 trang trại chăn nuôi và huyện sẽ cố gắng nâng số lượng trang trại trong thời gian tới…

Với vụ mùa, quan trọng nhất là công tác phòng, chống thiên tai, không để ngập úng. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Hà Nội sẽ duy trì 90.000ha lúa vụ mùa với cơ cấu giống ngắn ngày chiếm hơn 60% diện tích để sớm giải phóng đất cho vụ đông. Nhằm giúp nông dân bám đồng ruộng, Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng…

Với vụ đông, Giám đốc Chu Phú Mỹ cho biết: “Vụ đông năm nay, Hà Nội sẽ mở rộng diện tích lên 4.500ha, tăng 55% so với vụ đông năm trước. Để đẩy mạnh tăng trưởng, ngành Nông nghiệp kiến nghị thành phố hỗ trợ về nguồn giống, công làm đất… để khuyến khích nông dân mở rộng cây vụ đông...”. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Nguyễn Hải Hồng, huyện đã hoàn thành kế hoạch xây dựng vụ mùa, vụ đông để chủ động thực hiện.

Ngoài ra, để bảo đảm cung ứng nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, bên cạnh việc duy trì, phát triển 138 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, ngành Nông nghiệp sẽ mở rộng các điểm kinh doanh theo chuỗi; đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm với các tỉnh, thành phố trên cả nước… Mặt khác, Hà Nội sẽ phát huy tối đa nguồn lực kinh tế từ các sản phẩm OCOP…

Quyết liệt mở rộng diện tích vụ đông, bảo đảm diện tích vụ mùa cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm, chắc chắn ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tạo được bước chuyển mới và thực hiện thành công những mục tiêu đề ra.