19/01/2025 | 10:22 GMT+7, Hà Nội

Ngành du lịch golf Việt Nam có thể thu hút 60 triệu khách quốc tế

Cập nhật lúc: 24/11/2021, 06:30

Du lịch golf sẽ là lợi thế mới để Việt Nam thu hút du khách quốc tế, đón đầu làn sóng hồi phục hiệu quả du lịch toàn cầu hậu dịch bệnh covid 19.

Điểm nhấn tiềm năng!

Chia sẻ tại Tọa đàm “Du lịch golf – Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế” được tổ chức tại FLC Hạ Long, chiều nay 23/11, Lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các Hiệp hội du lịch, Hiệp hội golf và đại diện doanh nghiệp lữ hành, hàng không, quản lý vận hành sân golf uy tín... cùng chia sẻ niềm vui khi Việt Nam vừa tiếp tục được vinh danh là "Điểm đến golf tốt nhất thế giới" do tổ chức World Golf Awards (WGA) trao tặng.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam đạt danh hiệu này, sau lần đầu tiên vào năm 2019.

Vượt qua các điểm đến như Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia, điểm đến golf tại Việt Nam với hạ tầng dịch vụ sang trọng, đẳng cấp, tiêu chuẩn quốc tế đã thu hút và nhận được sự đánh giá cao của du khách khi đến chơi golf kết hợp nghỉ dưỡng.

Tọa đàm “Du lịch golf – Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế” do Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn FLC tổ chức.
Tọa đàm “Du lịch golf – Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế” do Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn FLC tổ chức.

“Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang khởi động lại việc đón khách quốc tế, những giải thưởng, danh hiệu danh giá dành cho golf Việt Nam được xem là nguồn động lực góp phần đưa du lịch Việt Nam nói chung và những điểm đến golf nổi tiếng như Quảng Ninh, Bình Định… phục hồi tích cực sau giãn cách”, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định.

Ông Siêu cũng cho rằng, cùng với cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp sở hữu sân golf, cần chung tay khai phá thị trường du lịch golf tiềm năng và nắm bắt thị hiếu của du khách để định hướng các chương trình kích cầu cho du lịch golf trong thời gian tới.

 Ngành du lịch golf Việt Nam có thể thu hút 60 triệu khách quốc tế ảnh 2 Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: Sẽ có chiến lược kích cầu du lịch golf.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: Sẽ có chiến lược kích cầu du lịch golf.

Trước đó, trong chuyến trải nghiệm sân FLC Golf Club Ha Long, huyền thoại golf thế giới Greg Norman từng chia sẻ: “Ngành Du lịch golf Việt Nam và kể cả golf Việt Nam đều vẫn rất non trẻ nhưng đầy tiềm năng”.

Theo nhận định của Greg Norman, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển golf với nhiều sự đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch sang trọng. Với tiềm năng phát triển và tốc độ tăng trưởng nhanh, du lịch golf tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và thu hút dòng khách golf cao cấp, với khả năng chi trả cao gấp 6 lần so với khách quốc tế thông thường.

Bản đồ golf của Việt Nam đang ngày càng mở rộng với những điểm đến nổi tiếng như Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Định, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Ninh. Tại Quảng Ninh, trung tâm du lịch này đang được xem là một trong những điểm du lịch golf hấp dẫn hàng đầu tại Việt Nam nhờ hệ thống sân golf tiêu chuẩn quốc tế có thể kể đến: FLC Golf Club Halong (thuộc quần thể FLC Hạ Long) – sân golf hướng vịnh từng lọt Top 3 Sân golf mới đẹp nhất thế giới; Sân golf Tuần Châu…

Cùng với đó, Quảng Ninh quy tụ nhiều tổ hợp, quần thể nghỉ dưỡng 5 sao quy mô lớn và đa dạng sản phẩm du lịch cao cấp như: du lịch du thuyền vịnh Hạ Long, du lịch MICE… Các sản phẩm này khi kết hợp cùng tour golf được kỳ vọng sẽ tạo thành lợi thế cạnh tranh vượt trội cho Quảng Ninh, đặc biệt trong bối cảnh địa phương là một trong 5 tỉnh, thành được lựa chọn để thí điểm mở cửa đón khách quốc tế trong giai đoạn 1.

Các tour golf sẽ là tâm điểm thị trường du lịch trong thời gian tới.
Các tour golf sẽ là tâm điểm thị trường du lịch trong thời gian tới.

Lộ trình đón khách chơi golf an toàn, phù hợp nhu cầu quốc tế

Các tour du lịch golf được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn mới, là thị trường trọng yếu đón khách quốc tế hậu Covid 19, nhất là khách Hàn, khách Nhật Bản, thương gia các nước có kỳ nghỉ đông dài.

Theo ông Lê Hùng Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam, đối tượng chơi golf ngày càng mở rộng, do đó các tour du lịch golf không chỉ hướng tới khách du lịch mà còn hướng tới đối tượng chơi golf chuyên nghiệp và bán chuyên. Đây là những khách chơi gold sẵn sàng nghỉ dài ngày, tập luyện chuyên nghiệp. Những người này có xu hướng thích thị trường mới, nhiều thử thách, sân càng khó họ càng hào hứng và lượng khách này sẽ tăng nhanh, mạnh trong những năm tới. "Trên thế giới có khoảng 60 triệu người chơi golf, và đây là lượng khách vô cùng lớn cho ngành du lịch golf Việt Nam. Hạ tầng du lịch golf của Việt Nam hiện đã hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu này", ông Lê Hùng Nam nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Thuỷ, Chủ tịch Hội Golf Quảng Ninh chia sẻ, tiềm năng du lịch golf là rất lớn song vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao để đa dạng hoá các sản phẩm du lịch golf, để các golf thủ đến nhiều lần. "Hạ tầng du lịch golf của chúng ta có nhiều lợi thế nhưng cần phải điều chỉnh nhiều hơn. Khách chơi golf phần lớn có điều kiện về kinh tế, thời gian và có xu hướng đi cùng gia đình nếu đi dài ngày. Khi họ chơi golf người nhà của họ cần có các điểm du lịch mới mẻ để khám phá. Những vùng như Quảng Ninh, sẽ có lợi thế vì có du lịch Vịnh Hạ Long, suối khoáng nóng Quang Hanh, nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Chi phí cho những tour du lịch golf cũng cần tính toán để cạnh tranh hơn với các thị trường nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc...", ông Thuỷ nói.

Ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc FLC cũng cho biết, những người làm trong ngành du lịch đã nhìn thấy xu hướng du lịch golf, đã có bước chuẩn bị, đầu tư vào sân golf rất mạnh mẽ. Đơn cử như, hệ thống FLC đã chuẩn bị sẵn sàng và đủ điều kiện về nhân lực, hạ tầng và quy trình an toàn cũng như hệ thống sản phẩm đa dạng, hấp dẫn để đón khách quốc tế, bao gồm khách chơi golf. Golf tour là một trong những sản phẩm cốt lõi, một trong những key chính trong bài toán mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam.

"Để xúc tiến và kích cầu được phân khúc này thì cần có sự hỗ trợ, xem xét từ phía cơ quan quản lý cho một số vấn đề, ví dụ sớm ban hành quy chuẩn thống nhất về việc đón khách quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách golf như: vấn đề nhập cảnh; nghiên cứu cấp phép cho các tour golf trọn gói có thời gian ngắn hơn (ví dụ như 4N3Đ), thay vì yêu cầu thời gian 7 ngày như hiện nay…Ngoài ra cũng cần xem xét điều chỉnh mức giá của tour golf phải phù hợp nhất, so với mặt bằng chung của Đông Nam Á bằng hoặc thấp hơn", ông Hùng kiến nghị.

Các chuyên gia tại toạ đàm trăn trở, làm sao để truyền thông, quảng bá thông tin về du lịch golf của Việt Nam tới du khách quốc tế và các giải pháp đón khách quốc tế hiệu quả, an toàn nhất. Trong đó, nhấn mạnh kiến nghị cần có chiến lược kích cầu du lịch golf, thiết kế tour đa dạng, kết hợp giữa golf và du thuyền (như ở Hạ Long, Quy Nhơn), thí điểm đón du khách quốc tế tới chơi golf mà không phải cách ly y tế quá dài ngày.

"Vai trò quyết định đẩy mạnh du lịch golf thời điểm này là khâu trung gian, chính là các công ty lữ hành. Chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ và sẽ chọn công ty lữ hành tham gia chương trình kích cầu du lịch golf. Bên cạnh đó, các giải thưởng golf cũng cần chuyên nghiệp hơn, được quảng bá mạnh mẽ hơn để thu hút khách. Chúng ta cũng cần quan tâm tới lượng khách nội địa, có những chính sách ưu đãi cho khách nội địa trải nghiệm các sân golf", ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Golf Việt Nam đề nghị.

Về thời điểm "kích hoạt" chiến dịch đón khách quốc tế tới chơi golf, các doanh nghiệp lữ hành và hàng không cho rằng quý 1/2022 là phù hợp. Hiện ngoài 5 địa phương được đón khách quốc tế: Kiên Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, các doanh nghiệp cho rằng cần mở rộng thêm các điểm đón khách quốc tế chơi golf tới các tỉnh có sân golf và du lịch golf tiềm năng như Hải Phòng, Quảng Bình, Hoà Bình, Bình Định...

Nguồn: https://ngaynay.vn/nganh-du-lich-golf-viet-nam-co-the-thu-hut-60-trieu-khach-quoc-te-post115309.html