19/01/2025 | 02:40 GMT+7, Hà Nội

Ngành Công Thương Hà Nội bảo đảm đủ hàng hóa phòng, chống dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 30/07/2020, 16:08

Chiều 29/7, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với UBND các quận, huyện về công tác phối hợp quản lý nhà nước trong 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phát biểu tại cuộc họp.

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay nhằm đảm bảo hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịch Covid-19, Sở đã xây dựng và triển khai 3 phương án đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, tổng trị giá hàng hóa là 194.000 tỷ đồng với 17 mặt hàng; xây dựng phương án dự trữ thêm một lượng hàng hóa phục vụ các tỉnh, TP vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đồng thời, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng phương án, kịch bản đảm bảo hàng hóa và thành lập tổ điều phối hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19; rà soát, chủ động ký kết với các đơn vị phân phối, thành lập 2.156 địa điểm chưa sử dụng (nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao…) để giúp các doanh nghiệp có thể mở thêm kho hàng dự trữ hàng hóa và bán lưu động khi cần thiết…

Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng phục vụ Nhân dân trên địa bàn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ kết nối với các nhà cung cấp thực phẩm, hàng hóa, đơn vị vận chuyển hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch.

Đặc biệt, chấp thuận cho 925 xe ô tô của các doanh nghiệp được hoạt động 24/7 cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, vật tư y tế… phục vụ nhu cầu Nhân dân và công tác phòng, chống dịch Covid-19; 155 xe chở hàng hoá thiết yếu được hoạt động 24/24h tại khu vực nội thành.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để kích cầu tiêu dùng hàng hóa hậu Covid-19, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội và UBND các quận, huyện phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại tại địa phương (mỗi địa phương từ 3 - 5 chương trình); phối hợp tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại của TP trên địa bàn (các hội chợ, Tuần hàng Việt, Tuần hàng trái cây và nông sản thực phẩm…): Giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mỗi xã một sản phẩm tham gia chương trình xúc tiến thương mại, chương trình “Bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”…

Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và thiết bị y tế phòng, chống dịch.