20/01/2025 | 19:01 GMT+7, Hà Nội

Ngân hàng Nhà nước muốn rút ngắn thời gian cho vay quá hạn

Cập nhật lúc: 22/05/2021, 15:00

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 quy định về xác định, trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro.

Giải thích cho lần sửa đổi này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi ban hành được 5 năm, Thông tư số 39/2013/TT-NHNN đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 37/2018/TT-NHNN cho phù hợp với thực tế vận hành.

"Về cơ bản, Thông tư số 39/2013/TT-NHNN và Thông tư số 37/2018/TT-NHNN đã tạo lập được một cơ chế đầy đủ, cụ thể trong việc trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước; là cơ sở để xử lý các khoản tổn thất phát sinh trong quá trình hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (rủi ro phát sinh từ hoạt động tín dụng, rủi ro phát sinh từ nghiệp vụ thanh toán, ngân quỹ và các khoản tổn thất từ hoạt động khác…) tuân thủ theo cơ chế tài chính của Ngân hàng Nhà nước được quy định tại Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg", Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Ngân hàng Nhà nước muốn rút ngắn thời gian cho vay quá hạn.
Ngân hàng Nhà nước muốn rút ngắn thời gian cho vay quá hạn. Ảnh: TL

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thông tư 39 cũng còn một số hạn chế, bất cập như chưa quy định cụ thể nội dung: Các khoản phải thu khác; chưa có quy định về trình tự xử lý các khoản tổn thất đang theo dõi ngoại bảng... Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 là cần thiết.

Nổi bật nhất, Ngân hàng Nhà nước dự định rút ngắn thời gian cho vay quá hạn và tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro để phản ánh đúng nghiệp vụ cho vay tái cấp vốn và mức độ rủi ro của nghiệp vụ này theo ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 16956/BTC-TCNH ngày 6/12/2013.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư quy định bổ sung đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các đơn vị có liên quan theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước làm thành viên Hội đồng xử lý tổn thất để đảm bảo tính khách quan, minh bạch khi sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý tổn thất. 

Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ, sau thời gian tối thiểu 5 năm, kể từ ngày sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý tổn thất và sau khi đã thực hiện các biện pháp để thu hồi các khoản tổn thất nhưng không thể thu hồi được, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định cho xuất toán khoản tổn thất đã xử lý bằng khoản dự phòng rủi ro ra khỏi tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán.

Nguồn: https://congluan.vn/ngan-hang-nha-nuoc-muon-rut-ngan-thoi-gian-cho-vay-qua-han-post134800.html