19/01/2025 | 10:22 GMT+7, Hà Nội

Ngắm 12 cây cầu lộng lẫy trong Carnaval đường phố DIFF 2018

Cập nhật lúc: 06/05/2018, 21:27

Say mê ngắm 12 xe hoa tái hiện sinh động hình ảnh những cây cầu huyền thoại của 8 cường quốc pháo hoa tham dự DIFF 2018, chìm đắm trong những điệu vũ sôi động từ 48 nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam và quốc tế, men say âm nhạc và ánh sáng…, Carnaval đường phố DIFF 2018 đã diễn ra hấp dẫn hơn cả những mong chờ.

Đúng 7h giờ tối 5/5, 12 xe hoa bắt đầu diễu hành qua các tuyến phố trung tâm tại TP Đà Nẵng. Mỗi xe hoa tái hiện sinh động hình ảnh của một cây cầu nổi tiếng tại các quốc gia tham dự DIFF 2018. Trong đó, riêng Việt Nam có 5 cây cầu được thể hiện là cầu Long Biên (Hà Nội) cùng 4 cây cầu ở Đà Nẵng gồm: cầu Rồng, cầu Thuận Phước và cầu Trần Thị Lý và cầu Sông Hàn.

Vừa hòa mình xuống phố, đoàn xe diễu hành đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo người dân và du khách.

Anh Lê Việt Hùng (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ, từ Lễ hội pháo hoa 2017 tới nay, hễ đến mùa pháo hoa là gia đình anh lại mong chờ được xem xe hoa diễu hành.

Năm nay, anh Hùng nhận ra xe hoa có thêm điểm mới lạ là hình ảnh những cột pháo hoa rực rỡ biểu tượng của DIFF. Bên cạnh đó, các cây cầu nổi tiếng được tái hiện rất sinh động, tinh tế. “Carnaval năm nay rõ ràng không chỉ là một hoạt động du lịch giải trí, mà còn là một hoạt động văn hóa giàu chiều sâu, đề cao tình hữu nghị và lòng tự hào dân tộc. Tôi rất ấn tượng với điều đó!”, anh chia sẻ.

Mỗi xe hoa đồng thời là một sân khấu được thiết kế cầu kỳ, đặc sắc, tập trung làm nổi bật chủ đề “Huyền thoại những cây cầu”.

Trong ảnh là cây cầu nổi tiếng Brooklyn, một trong những cây cầu treo lâu đời nhất tại New York (Mỹ). Bên cạnh cây cầu này, nhiều du khách tỏ rõ niềm hứng thú khi nhận ra hình ảnh quen thuộc của tòa Bạch Ốc (Nhà Trắng) và tượng Nữ thần tự do trên đảo Liberty thuộc cảng New York.

Cầu Long Biên, một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội được tôn vinh tại Carnaval đường phố DIFF 2018.

Với người Đà Nẵng, cầu Rồng là biểu tượng của sự vươn lên, sức sống mãnh liệt, trường tồn; biểu tượng của văn hóa, du lịch thủ phủ miền Trung. Chứng kiến cây cầu lên phố mang theo hình ảnh đô thị Đà Nẵng hiện đại, trong không gian rực rỡ lễ hội, khán giả không khỏi tự hào.

Cây cầu Thanh Mã mang niềm tự hào của người dân Hong Kong (Trung Quốc) tới tham dự lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Cầu khánh thành ngày 17/4/1997. Đây là cây cầu có nhịp lớn thứ 7 thế giới.

Cầu 25 de Abril, bắc qua sông Tejo, nối thủ đô Lisbon và Almada, Bồ Đào Nha. Cầu gồm 6 làn xe chạy và 2 đường tàu hỏa. Công trình được xây dựng từ năm 1962-1966, ban đầu cầu có tên Salazar, được đặt theo tên nhà độc tài Antonio de Oliveira Salazar.

Sau khi khuấy động các tuyến phố trung tâm Đà Nẵng bằng màn diễu hành xe hoa độc đáo, gần 50 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế tiếp tục cống hiến cho du khách và khán giả những tiết mục trình diễn đặc sắc ngay trên phố Bạch Đằng và công viên Biển Đông.

Những vũ điệu ngập tràn cảm xúc trong âm nhạc non-stop và ánh sáng kì ảo, các tiết mục flashmob sôi động kéo dài tới nửa tiếng đồng hồ đã khiến du khách “đã tai, no mắt”.

Anh Alessandro Benzema, du khách người Ý, hào hứng: “Thật may mắn khi tôi đến Đà Nẵng đúng dịp Lễ hội pháo hoa quốc tế. Và đêm carnaval này thật sự đáng nhớ. Dàn xe hoa độc đáo, các cô gái thì rất đẹp. Chúng tôi sẽ làm thêm vài chầu bia tươi bên bờ sông Hàn để vui hết đêm nay!”.