22/11/2024 | 13:49 GMT+7, Hà Nội

“Ngã ngửa” trước nội dung “bẩn” nhan nhản trên bao bì đồ ăn, sách báo… cho trẻ nhỏ

Cập nhật lúc: 07/12/2018, 19:00

Nhiều bậc cha mẹ không khỏi giật mình, ngã ngửa với những nội dung “bẩn” mà con cái họ có thể dễ dàng tiếp xúc hàng ngày xuất hiện nhiều trên thị trường.

Cảm giác như chỉ cần cha mẹ lơ là, thiếu kiểm soát trong một giây lát là những hình ảnh, ngôn từ quá mức phản cảm, thiếu thẩm mỹ có thể bủa vây lấy những đứa trẻ.

Từ chuyện ăn, chuyện uống

Từ năm 2017, snack Poca đã tung ra thị trường một chiến lược quảng cáo với thông điệp hết sức khó hiểu: “Đời rất hãm”.

Sản phẩm bim bim ăn liền là món ăn được ưa thích của rất nhiều người. Khách hàng của sản phẩm rất đa dạng về độ tuổi, giới tính, công việc. Trong đó, có lẽ lượng khách hàng lớn nhất là trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Trẻ nhỏ sử dụng để ăn như một món khoái khẩu, còn thanh niên hay sử dụng trong các dịp gặp mặt bạn bè. Đây là những lứa tuổi đang có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý, trực tiếp hình thành tính cách, hành vi, lối ứng xử. Vậy những thông điệp truyền thông được nhà sản xuất đưa ra liệu có phù hợp?

Với nội dung xuyên suốt của toàn chiến dịch “Đời rất hãm, nhưng đã có Poca”, nhà sản xuất đưa ra những mẩu chuyện tranh với hình vẽ minh họa thiếu tính thẩm mỹ, lời dẫn truyện không thể coi là có tính văn học, nói về các hoàn cảnh có thể sử dụng snack Poca. 

Những mẩu chuyện thiếu thẩm mỹ của Poca

Những mẩu chuyện thiếu tính thẩm mỹ của Poca

Tuy không vi phạm pháp luật, xong những mẩu chuyện được nhà sản xuất xây dựng có thể nói là mang nội dung phản cảm. Thay vì cổ vũ, động viên tinh thần học hỏi, rèn luyện của người trẻ thì nhân vật Poca kể lại những câu chuyện như “Nhà đang yên, con đừng về”, “cố hương từ chối chứa chấp bạn”, “bạn bị tai nạn và mất não”, “bạn bế tắc vì không làm được bài thi”, “tại sao câu hỏi trắc nghiệm lại có tới 4 đáp án”, “bạn không có bạn bè trên Facebook”, “bạn gái muốn chặn kết bạn với bạn”…

Khó có thể hình dung nổi nhà sản xuất đang cố gắng truyền đi thông điệp tốt đẹp nào đến với khách hàng nhỏ tuổi – đối tượng vốn đang ở trong giai đoạn nhạy cảm định hình nhân cách.

Tới sách vở, băng đĩa nhạc

Một cuốn sách dành cho mọi lứa tuổi, trong đó có lứa tuổi thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng chứa rất nhiều những hình ảnh và lời thoại mang tính gợi dục. Điều đáng chú ý là cuốn sách đã ra mắt thị trường từ rất lâu, liên tục vấp phải sự phản ánh của các bậc phụ huynh nhưng vẫn liên tục được tái bản. Những lần tái bản sau, nội dung vẫn dung tục y như lần tái bản trước.

Nói về sự tồn tại này, đại diện nhà xuất bản cho biết, qua các lần tái bản, nội dung bộ truyện không có gì thay đổi là do nhà xuất bản đã mua bản quyền từ bộ truyện của Hàn Quốc, chỉ dịch lại sang tiếng Việt, còn nội dung không được thay đổi do quy định về bản quyền.

Chúng ta vẫn hay đề cao văn hóa đọc, khuyến khích con trẻ đọc sách nhưng khi mà ngay cả một nhà xuất bản chuyên cho thiếu nhi cũng đưa ra những sản phẩm như thế này, thì thật sự không hiểu, khuyến khích trẻ em đọc sách có phải là chuyện lợi bất cập hại hay không?

Phải chăng đây là những hình ảnh phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi?

Phải chăng đây là những hình ảnh phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi?

Không chỉ có sách báo, các khách hàng nhỏ tuổi ngày nay còn dễ dàng tiếp cận với các loại băng đĩa được sao lậu, bày bán tràn lan từ người bán dạo cho tới các cửa hàng sách báo, băng đĩa. Sẽ không có gì đáng nói, nếu như trên bìa đĩa không chi chít những hình ảnh quảng cáo 18+, bất chấp nội dung đĩa là dành cho trẻ em lứa tuổi nào.

Nhiều gia đình có thói quen bật đĩa ca nhạc thiếu nhi, đĩa quảng cáo cho con xem giải trí. Tuy nhiên, khi mua băng đĩa về, với những hình ảnh đến người lớn cũng phải đỏ mặt, thật chẳng biết sẽ phải làm gì nếu bọn trẻ tò mò xem rồi mang ra thắc mắc với người lớn.

Quảng cáo phản cảm trên bìa đĩa nhạc thiếu nhi.

Quảng cáo phản cảm trên bìa đĩa nhạc thiếu nhi.

Cả đến những nhu yếu phẩm hàng ngày khác cũng không buông tha

Một bà mẹ gần đây đã tá hỏa khi nhìn kỹ hình in trên chiếc áo nỉ trần bông của con. Do chị mua hàng giá rẻ tại chợ gần nhà nên đã không chú ý kỹ đến các chi tiết in trên áo. Nhìn lướt qua màu sắc bắt mắt, giá thành lại khá rẻ nên chị mua luôn không hề suy nghĩ nhiều.

Tuy nhiên, khi mang về nhà cho con mặc, có thời gian ngắm nghía kỹ, chị mới tá hỏa phát hiện chi tiết bất thường. Hình vẽ trang trí gấu trúc dường như đang ở trong những tư thế vô cùng nhạy cảm.

Người mẹ tá hỏa khi nhìn kỹ hình in trên chiếc áo nỉ trần bông của con.

Người mẹ tá hỏa khi nhìn kỹ hình in trên chiếc áo nỉ trần bông của con.

Chất lượng cuộc sống được cải thiện đã cho phép nhiều bậc cha mẹ dồn nhiều tâm huyết, sức lực, tiền bạc để cho con cái những điều tốt đẹp nhất: Ăn uống thực phẩm nhập ngoại, học trường quốc tế… Tuy nhiên, làm sao để giữ gìn cho con một tâm hồn trong sáng, phát triển đúng lứa tuổi mới là điều các bậc cha mẹ trong xã hội hiện đại quan tâm hàng đầu.

Điều này có lẽ sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu như tất cả các thành viên trong xã hội cùng có trách nhiệm với những sản phẩm mình làm ra. Nếu nhà sản xuất nào cũng chỉ nhăm nhe làm “chiêu giật gân” thu hút sự chú ý của khách hàng theo những cách trên thì quả thật không hiểu thế hệ trẻ sẽ phát triển nhân cách như thế nào.

Vậy mới nói, nghề nào cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, trước khi chờ được người khác làm đúng đạo đức của họ, có lẽ việc đầu tiên cha mẹ cần làm chính là chủ động bảo vệ con em mình, kiểm soát tất cả những thứ con em mình tiếp xúc và không quên trò chuyện để kịp thời giúp con có những định hướng đúng đắn trong phát triển tâm sinh lý, tính cách.

Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng nên góp những tiếng nói thông qua những diễn đàn xã hội để các cơ quan Nhà nước kịp thời nắm bắt được tình hình và có cách thức quản lý phù hợp. Hãy là những người tiêu dùng biết phản ánh.