29/03/2024 | 21:54 GMT+7, Hà Nội

"Né" khói bụi, tắc đường, dân Thủ đô có cơ hội đi buýt đường sông?

Cập nhật lúc: 09/10/2018, 10:37

Khi vấn nạn tắc đường, ô nhiễm từ khói bụi động cơ ô tô, xe máy ngày càng khiến các nhà chức trách Thủ đô đau đầu, việc phát triển tuyến buýt đường sông đã được nêu lên. Nhưng tuyến buýt sông tại Hà Nội liệu có khả thi như ở TP.HCM?

Đường thủy “đỡ đần” đường bộ

Nhiều năm nay, cùng với tốc độ đô thị hóa của thành phố, người dân Hà Nội hàng ngày vẫn phải sống chung với một “đặc sản”, đó là tắc đường. Nguyên nhân đã nhiều lần được mổ xẻ, kết luận lại, chung quy cũng vì tốc độ phát triển của hạ tầng giao thông không bắt kịp tốc độ đô thị hóa và càng bị bỏ xa so với tốc độ tăng trưởng của các phương tiện giao thông.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, chỉ tính đến năm 2017, toàn thành phố đã có hơn 5 triệu xe máy, gần 500 nghìn xe ô tô các loại, trên 1,2 triệu xe đạp, trên 11 nghìn xe đạp điện và xe máy điện (chưa kể thêm khoảng 10 - 15% các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2016 là 10,2% đối với ô tô và 6,7% đối với xe máy. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng bình quân chiều dài đường bộ là 30,5%.

Khi những giải pháp nhằm giải quyết vấn nạn về an toàn giao thông và ùn tắc giao thông tại Hà Nội (như cố gắng giảm thiểu phương tiện cá nhân, phát triển hệ thống giao thông công cộng đường bộ,…) dường như không thực sự phát huy hiệu quả, thì TP.HCM đã và đang thực hiện các giải pháp phát triển giao thông công cộng bằng đường thủy nội đô để giải quyết dần những vấn đề mà hạ tầng giao thông đặt ra.

Trong bối cảnh đó, một giải pháp đã được giới chuyên gia “đặt lên bàn cân”, xem xét một cách nghiêm túc là khai thác các tiềm năng hạ tầng giao thông còn “ngủ quên” của TP. Hà Nội, nhất là trong tầm nhìn quy hoạch đến năm 2030. Đó là tiềm năng giao thông công cộng đường thủy nội đô.

Tuyến buýt đường sông đầu tiên trên sông Sài Gòn

Tuyến buýt đường sông đầu tiên trên sông Sài Gòn

Nhìn lại TP.HCM, năm 2017 tuyến buýt đường sông đầu tiên của Sài Gòn đã chính thức được hạ thuỷ mở ra một bước ngoặt mới trong việc quy hoạch phát triển giao thông công cộng đường thủy nội đô, giảm được áp lực cho đường bộ, tạo điều kiện cho sự xuất hiện và phát triển các đô thị ven sông. Tại Hà Nội,nơicó lợi thế về mạng lưới sông ngòi cũng như đang tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối về giao thông công cộng, liệu mô hình buýt sông như TP.HCM có khả thi?

Ngày 25/07/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp nghe Bộ GTVT báo cáo về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.Theo đề xuất của Bộ GTVT, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa điều chỉnh sẽ được thực hiện theo các tuyến hành lang vận tải thuỷ gắn với các hành lang vận tải hàng hoá. Mỗi hành lang vận tải thuỷ gồm các tuyến đường thuỷ nội địa chính và kết nối; hệ thống cảng, bến thuỷ nội địa; hệ thống khu neo đậu và các công trình phụ trợ khác.

Cụ thể, tại Miền Bắc sẽ quy hoạch 4 hành lang vận tải thuỷ gồm Quảng Ninh – Hải phòng – Hà Nội; Hà Nội – Lào Cai; Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình; Và Hà Nội – Nam Định. Cùng với đó, tại Miền Nam, sẽ quy hoạch 4 hành lang vận tải thuỷ gồm TP. Hồ Chí Minh – Cà Mau; TP. Hồ Chí Minh – An Giang; hành lang vận tải thuỷ kết nối với Campuchia (tuyến sông Mekong); hành lang vận tải thuỷ theo tuyến ven biển từ TP. HCM – Kiên Giang.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phát triển giao thông thuỷ nội địa sẽ giúp giảm áp lực rất lớn cho đường bộ, hàng không, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Có tiềm năng nhưng khó khai thác

Hà Nội nằm trong lưu vực sông Hồng, nơi kết nối một loạt sông như: sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Công, sông Sét… Dù hệ thống sông ngòi dày đặc là vậy nhưng điều đáng nói là các con sông ở Hà Nội hầu hết đều đang bị ô nhiễm nặng và gây mất mỹ quan đô thị. Do đó, nếu các giải pháp phát triển giao thông công cộng thủy nội đô trở thành hiện thực thì sẽ đạt được nhiều tác dụng: vừa khai thác và tái tạo được vẻ đẹp của các dòng sông, vừa giảm thiểu ùn tắc cho đường bộ và tạo thêm lợi thế đểphát triển đô thị ven sông.

Trên thế giới, nhiều thành phố lớn đã phát triển các tuyến đường thủy nội địa thành một phương thức vận tải hành khách công cộng hiệu quả, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khu vực, đồng thời đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của du khách. Các bến đón trả khách của các tuyến phà/ tàu thủy (Ferry) này được kết nối tốt với mạng lướixe buýt, đường sắt thông qua thẻ vé điện tử dùng chung cho toàn bộ hệ thống, do đó rất thuận tiện cho hành khách.

Đối với các thành phố có hệ thống sông ngòi bao phủ rộng và nhu cầu đi lại lớn, việc phát triển mạng lưới tuyến buýt đường sông là rất hợp lý bên cạnh việc phát triển các tuyếnvận tải hành khách công cộng đường bộ.

Nhận định về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam - cho rằng, giao thông công cộng đường thủy nội địa sẽ rất khó có cơ hội phát triển tại Hà Nội. “Sự khác biệt bắt nguồn từ thủy văn của hai con sông là sông Sài Gòn và sông Hồng. Sông Sài Gòn có mực nước ổn định và hiền hòa hơn, tạo điều kiện để phát triển giao thông công cộng đường thủy, nhà ở và đô thị ven sông. Còn ở sông Hồng mực nước không ổn định, có thể lên cao xuống thấp, mực nước sông khi cạn có thể lội qua được. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng vẫn còn bất tiện, chưa đồng bộ nên rất khó để Hà Nội phát triển hệ thống giao thông công cộng đường thủy” – ông Liêm cho hay.

TS. Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, việc phát triển hành lang vận tải thủy sẽ khả thi hơn bởi vì vận tải hàng hóa có thể theo mùa, nước sông lên cao thì sẽ dễ vận chuyển, khi nước sông cạn thì sẽ vận tải bằng đường bộ, việc thay đổi này không gây ảnh hưởng nhiều đến quá trình vận tải. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng vận tải người bắt buộc phải có tính ổn định.

Trái ngược với ý kiến của TS. Phạm Sỹ Liêm, TS. Đinh Thị Thanh Bình - Trưởng bộ môn Quy hoạch Quản lý giao thông vận tải (Trường Đại học GTVT Hà Nội) - cho biết: “Tương lai nếu quy mô đô thị hóa cao cả 2 bên bờ sông dẫn đến nhu cầu đi lại của dân cư xung quanh 2 bờ sông sẽ lớn, do đó việc phát triển các tuyến buýt đường sông là khả thi. TP.HCM đã có tuyến buýt đường sông, Hà Nội có thể tham khảo mô hình này để triển khai 1-2 tuyến buýt đường sông tương tự chạy zích zắc dọc sông Hồng, sông Đuống với mục tiêu phục vụ khách du lịch, vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ, góp phần giảm áp lực giao thông đường bộ cho Hà Nội”.

Ở một khía cạnh khác, TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng, hiện nay Hà Nội đang phát triển rất mạnh hệ thống giao thông công cộng, nhất là tàu điện nhanh, BRT, đường sắt trên cao… Nếu giải pháp giao thông công cộng thủy nội đô trở thành hiện thực thì sẽ kéo theo sự bùng nổ của nhà ở và các đô thị ven sông như một lẽ tất yếu, bởi vì giao thông công cộng cũng như mọi loại hạ tầng sẽ nâng cao giá trị của đất đai, do đó bất động sản tất yếu sẽ phát triển theo.

Đối với sự phát triển này, TS. Đinh Thị Thanh Bình lưu ý, việc mở một tuyến buýt đường sông đòi hỏi chi phí cao và phức tạp hơn tuyến buýt đường bộ do hạ tầng đặc thù. Cần đảm bảo cả về mặt an toàn lẫn mỹ quan đô thị và kết nối hạ tầng, tích hợp dịch vụ với toàn bộ hệ thốngvận tải hành khách công cộng thành phố. Cần chọn vị trí các bến đón trả khách hợp lý, thiết kế an toàn và đảm bảo mỹ quan; đảm bảo kết nối với các tuyến buýt thuận lợi; lưu ý bố trí quỹ đất tại các bến để bố trí bãi đỗ Park & Ride (bãi trông xe). Biểu đồ tuyến buýt đường sông phải phù hợp với biểu đồ hoạt động của toàn mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng, tương lai nên chú ý vấn đề tích hợp dịch vụ tuyến buýt đường sông với mạng lướivận tải hành khách công cộng chung toàn thành phố.

Vì vậy, nếu đầu tư hiệu quả, hệ thống vận tải hành khách công cộng đường thủy rất có thể sẽ đem đến tiềm năng phát triển đô thị ven sông và ngược lại, đô thị ven sông có thể quy hoạch định hướng được sự phát triển của giao thông đường thủy nội địa.