19/01/2025 | 07:27 GMT+7, Hà Nội

Ám ảnh còn lâu chuyện... tắc đường

Cập nhật lúc: 07/09/2017, 12:01

Câu chuyện mở đầu mâm cơm Ngày Vu lan với Tết Độc lập là câu chuyện tắc đường về quê, bao nhiêu bực dọc. Về để xả stress, để thư thái, mà cứ nổ máy xe ì ì trên đường chờ một chỗ thì chả xả, mà là nạp thêm bao nhiêu stress ấy chứ...

LTS: Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh kể, có lần xuống sân bay Los Angeles (Mỹ) liền hỏi thăm người bạn đi đón: “Từ đây về Westminster City bao xa?” và được trả lời: “Dạ, chừng 45 phút”. Thế là mọi người ngầm hiểu rằng tức khoảng 40-50km. Nhưng qua câu chuyện của nhà văn Nguyễn Thành Phong dưới đây, tất cả khái niệm ấy đều bị đảo lộn.

Câu chuyện đầu tuần mới đi làm sau kỳ nghỉ lễ mừng Quốc khánh 2/9, là chuyện tắc đường. Muôn màu vẻ bi kịch chuyện xảy ra khi tắc đường. Sếp trẻ của tôi, ngày thứ sáu 1/9 phải trực báo, nên lên kế hoạch 9 giờ tối đánh xe đưa vợ con về Nam Định. Đã tính là, lúc ấy xe cộ đã thưa rồi, chắc một tiếng hoặc tiếng rưỡi là cùng, chạy 90 cây số về nhà, vẫn sớm. Ai ngờ tận 12h30, sang ngày mới rồi, vẫn đang chen chúc ở Phủ Lý, sợ chạy tiếp về nhà thì đến sáng mất, đành phải ngủ lại ở Phủ Lý, sáng hôm sau mới về Nam Định… Nghe như chuyện bịa hay hồi cố ngày xưa, toàn cao tốc rồi mà đi từ Hà Nội về Nam Định, phải dừng lại ngủ giữa đường.

Cửa ngõ Thủ đô

Cửa ngõ Thủ đô "nghẹt thở" vì người dân về quê nghỉ lễ 2/9. Nguồn ảnh: Dân Việt

Tôi về quê từ đầu giờ chiều hôm trước ở Thái Bình. Ông anh họ mổ thỏ, mổ vịt làm cơm chiều. Ông anh dặn vợ chồng thằng con cả về ăn cơm với cô chú. Nó đã cẩn thận, ba giờ chiều lên xe, thế mà 8h tối vẫn bò ngoài đường. Quãng đường gần trăm cây số mà đi cao tốc mất hơn 5 tiếng.

Hôm sau mổ lợn làm cỗ đại gia đình. Vợ chồng chú em tôi cũng nói về sớm, thế mà không chen lên được xe khách, gọi và chờ thuê taxi, cũng phải 6 tiếng, quá ngọ mới về được làng.

Câu chuyện mở đầu mâm cơm Ngày Vu lan với Tết Độc lập là câu chuyện tắc đường về quê, bao nhiêu bực dọc. Về để xả stress, để thư thái, mà cứ nổ máy xe ì ì trên đường chờ một chỗ thì chả xả, mà là nạp thêm bao nhiêu stress ấy chứ.

Về thì đã thế. Khi lên trở lại để làm việc, cũng gian nan. Thành ra, câu chuyện đầu tuần mới, là chuyện… tắc đường. Rồi thêm thông tin, nước ta lại mới có tập đoàn của anh tỉ phú đô la, vừa khánh thành dự án quyết sản xuất ô tô nội địa… Càng ồn ào lo xa nghĩ gần…

Có ý kiến nói rằng, vì dịp nghỉ lễ Độc lập trùng rằm tháng Bảy Mùa Vu lan, mọi người tập trung về quê, nên mới tắc. Người thì nói, chuyện này đã có lâu rồi, đợt nào nghỉ lễ dài vài ba ngày mà chả thế. Đấy là chưa kể chuyện ùn tắc ở nội đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đã thành chuyện thường ngày.

Tất nhiên, chuyện tắc đường, từ kinh nghiệm và bài học, trên bình diện quốc tế, thì không có gì là mới mẻ. Chuyên gia giao thông Nick Cohn của TomTom - Công ty chuyên về giao thông và dịch vụ dẫn đường của Hà Lan - đã thu thập số liệu tại 390 thành phố thuộc 48 nước trên khắp thế giới cho biết, tình trạng ùn tắc ở các thành phố trên là hậu quả của quá trình kinh tế tăng trưởng và dân số gia tăng đồng nghĩa với lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng vọt ngoài tính toán. Người ta đưa ra một danh sách 15 thành phố quán quân về ùn tắc, đứng đầu là Thủ đô Bangkok của Thái Lan, đứng thứ hai là Mexico City (Mexico). Trung Quốc có tới 6 thành phố lọt vào danh sách này.

Việt Nam, may mắn, chưa vào danh sách kinh sợ trên, nhưng tình trạng kẹt xe và tắc đường cũng đã được đề cập trên báo chí quốc tế. Nếu không có những biện pháp xử lý kịp thời trong một thời gian ngắn nữa, thì sẽ nhanh chóng lọt vào “bảng phong thần” ùn tắc giao thông. Ngoài một chút lợi cỏn con mà những người lạc quan mơ mộng, lấy làm “phép thắng lợi tinh thần” khi lâm vào cảnh tắc đường là tranh thủ học tiếng Anh, nạp thêm tin tức, ngủ bù… thì chưa ai tính được hết những tác hại, lãng phí, tốn kém do ùn tắc giao thông gây ra. Lãng phí thời gian, nhiên liệu có thể tạm tính được, nhưng đánh mất cơ hội, lỡ dở công việc thì chả bao giờ tính hết.

Giữa bao nhiêu vấn đề quốc kế dân sinh lớn lao, đầu năm nay, đích thân Thủ tướng và Chính phủ đã họp trực tuyến với các bộ ngành và địa phương để bàn phương cách tháo gỡ tình trạng ùn tắc giao thông tại TP. Hồ Chí Minh. Nhưng cho đến bây giờ, vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Đầu năm nay, TP. Hà Nội mở một cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, giải thưởng lên tới mấy tỉ đồng (1 giải nhất 200.000 USD, 1 giải nhì 100.000 USD). Rồi lại treo thưởng tới 300.000 USD cho cuộc thi giải pháp chống ùn tắc giao thông. Cuộc thi nói đến hết tháng 4/2017 là kết thúc. Anh bạn tôi, là Nhà thơ, Thầy thuốc nhân dân Trần Sỹ Tuấn, Tổng biên tập báo “Sức khỏe và Đời sống”, đã lao tâm khổ tứ, đưa ra một phương án có vẻ khá thuyết phục để tham dự cuộc thi. Đợi mãi mà đến giờ, chả thấy có tổng kết, sơ kết gì về cuộc thi cả.

Ta là nước phát triển sau, xuất phát muộn, thế giới đã có bao nhiêu bài học và kinh nghiệm. Vậy mà việc nghiên cứu, học tập, tìm lấy cho mình một vài phương án khả dĩ, có thể giải quyết tức thời, rồi đi tắt đón đầu mà tránh những hệ lụy thiên hạ đã gặp phải, sao lại khó khăn đến thế? Sao vẫn xem ra còn chùng chình, chủ quan đến thế?

Vẫn biết là có nhiều những cây cầu vượt thi công nhanh đã làm, rồi còn làm nữa. Vẫn biết có những con đường cao tốc sắp đưa vào khai thác… Nhưng cũng thấy nhiều khu dân cư mới đang sắp khánh thành, đang hình thành, người vẫn ùn ùn đổ về… Bên trong các khu ấy, phong cảnh, cây cối, vườn hoa, hồ nước… thanh cảnh, lịch thiệp lắm, nhưng bước ra vài bước là con đường vẫn như ngày xưa, giờ nồng nặc mùi khói xăng, mùi mồ hôi và điệp trùng những khuôn mặt căng thẳng lo âu vì… đường tắc.

Đấy chỉ là một ví dụ. Hầu như nhìn chỗ nào, ngay cạnh ta thôi, cũng thấy đầy những ví dụ tương tự.

Câu chuyện ùn tắc giao thông, giờ đã đến hồi sốt ruột cao độ lắm rồi…