18/01/2025 | 12:08 GMT+7, Hà Nội

Nano bạc có diệt 100% vi khuẩn, virus như quảng cáo của máy lọc nước?

Cập nhật lúc: 14/04/2020, 13:30

Khi nhân loại đang vật lộn với đại dịch Covid-19, các quảng cáo về những thiết bị diệt khuẩn, máy lọc nước có khả năng tiêu lọc 100% vi khuẩn, virus cũng xuất hiện rầm rộ, nhưng giá trị thực tế thì vẫn là điều "bí ẩn".

Từ câu chuyện quảng cáo "nhập nhèm" của Karofi

Thời gian qua, người tiêu dùng bất ngờ trước việc Công ty cổ phần Karofi Việt Nam (Địa chỉ: Tầng 8, Toà nhà HUDLAND lô A-CC7, khu dịch vụ tổng hợp Linh Đàm, đường Lê Hữu Thọ, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đang quảng cáo thiết bị diệt khuẩn NanoSilvor tạo ra dòng nước chứa Nano bạc tươi nguyên chất lọc sạch virus, vi khuẩn có trong thực phẩm, là thiên sứ an lành, an toàn tuyệt đối với sức khỏe con người.

Trên chính website: https://thietbidietkhuan.karofi.com của Karofi ghi rõ nội dung quảng cáo như sau: “NanoSilvor được tích hợp với máy lọc nước nên bản thân nước trước khi đến với thiết bị diệt khuẩn NanoSilvor đã là nước đảm bảo uống trực tiếp, không còn virus, vi khuẩn… Trong trường hợp do sơ suất và uống nhầm, thì theo nghiên cứu của tổ chức EPA và WHO, với hàm lượng 100 µg /l (mỗi ngày uống 2 lít nước) thì có thể duy trì đến suốt cuộc đời mà không gây nguy hiểm, chưa kể đến các phơi nhiễm khác. 

Hàm lượng Nano bạc từ thiết bị NanoSilvor giao động từ 100 µg /l đến 300 µg /l. Như vậy, với nồng độ bạc lớn nhất là 300µg /l, một cốc nước trung bình 200ml, hàm lượng bạc sẽ khoảng 50µg /l. Theo nghiên cứu của EPA, trong 10 ngày liên tục, trẻ trên 10kg, một ngày có thể sử dụng 200µg/ngày mà không cho thấy sự ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Website của Karofi khẳng định Nano Silvor - thiết bị diệt khuẩn công nghệ Nano bạc tươi - Giải pháp loại bỏ hơn 99,99% vi khuẩn trên thực phẩm, bát đũa, quần áo của trẻ sơ sinh.

Trao đổi với PV, đại diện Công ty cổ phần Karofi Việt Nam chỉ cho biết: “Mẫu xét nghiệm này ngoài của Viện Sức khỏe nghề nghiệp môi trường, còn có của bên Quacert ghi nhận kết quả, đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học công bố trên thế giới về khả năng diệt khuẩn của Nano bạc. Trên thế giới các nghiên cứu về Nano bạc rất nhiều, tại Việt Nam báo chí cũng đưa thông tin hàng loạt về Nano Bạc”.

Thế nhưng, trong mẫu xét nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lượng chất lượng 1 - Tổng Cục đo lường chất lượng, sử dụng mẫu nước ngâm rau qua thiết bị NanoSilvor chỉ xét nghiệm trên 4 loại vi khuẩn là vi khuẩn hiếu khí, E.coli, Coliforms, Salmonella. Trong phiếu kết quả thử nghiệm của Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường, số 461/XN-SKNN&MT ngày 01/09/2016, nước qua thiết bị lọc NanoSilvor chỉ được xét nghiệm với 06 chủng vi sinh vật thử nghiệm và cho kết quả 99,99% chứ không phải hơn 99,99% vi khuẩn như trong quảng cáo?

Nội dung trên website chính thức của Karofi Việt Nam giới thiệu về tính năng của máy lọc nước Karofi với khẳng định máy lọc nước Karofi lọc sạch 100% chất độc hại, vi khuẩn, virus.

Mặt khác, với lõi lọc Nano bạc (hay còn gọi Nano Silver) của máy lọc nước Karofi cũng có phiếu kết quả thử nghiệm số 1636/XN-SKNN&MT tại thời điểm thiết bị lọc được thể tích 05 m3, hiệu quả xử lý đối với vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa sau 01 lõi lọc NanoSilver Karofi là 99,14%, qua 02 lõi lọc Nano Silver Karofi là 99,98%. Nhưng lời quảng cáo của Karofi lại thể hiện thông tin lại khẳng định: “Lọc sạch 100% chất độc hại, vi khuẩn, virus… trong nước”. Phải chăng sự “nhập nhèm” này là để đánh lừa người tiêu dùng Việt?

Vậy những lời quảng cáo từ thiết bị diệt khuẩn NanoSilvor hay lõi lọc Nano Silver trong máy lọc nước của Karofi có thể diệt được 99,99% vi khuẩn độc hại; lọc sạch 100% chất độc hại, vi khuẩn, virus… trong nước có đúng sự thật với những gì mà kết luận của các đơn vị đã thẩm định cho tính năng, hiệu quả của sản phẩm này?

Đến việc đi tìm sự thật về ưu và nhược điểm của Nano bạc

Nhiều năm trở lại đây, Nano bạc (hay còn gọi là AgNPs) trở thành một trong những nghiên cứu được giới chuyên gia quan tâm, khám phá nhiều nhất trong công nghệ nano.

Theo Alexandra-Cristina Burdușel và cộng sự, trong số các ứng dụng của Nano bạc, điều đặc biệt được hướng tới đó là nâng cao về liệu pháp điều trị trong việc chăm sóc sức khỏe. Nano bạc cũng được chứng minh là có tiềm năng cho ngăn chặn sự phát triển của các tác nhân kháng khuẩn mới, công thức phân phối thuốc, các hỗ trợ trong phát hiện và chẩn đoán bệnh. Đồng thời, kết hợp chiến lược phức hợp trong điều trị và giải pháp lựa chọn thay thế điều trị hiệu quả.

Những nghiên cứu ấn tượng liên quan đến y học cũng cho thấy, Nano bạc cũng hiệu quả trong việc băng bó vết thương, chữa lành viết thương, ứng dụng nha khoa… Do đó, Nano bạc là một trong những hạt nano kim loại được sử dụng nhiều nhất trong các ứng dụng kháng khuẩn hiện đại. Các nghiên cứu khác nhau báo cáo rằng Nano bạc tương tác với màng vi khuẩn và xâm nhập vào tế bào, do đó tạo ra sự xáo trộn mạnh mẽ về chức năng tế bào thích hợp, tổn thương cấu trúc và chết tế bào.

Tác dụng là thế, nhưng độc tính của các hạt Nano bạc trong một số thí nghiệm đã xảy ra. Cụ thể, một số nghiên cứu cho thấy được sự liên quan đến các tác động độc tính được thể hiện bởi Nano bạc trong các hệ thống sinh học, chẳng hạn như vi khuẩn và virus hoặc tế bào người.

Một nghiên cứu độc tính trên mô hình tai chuột đã chứng minh rằng phơi nhiễm Nano bạc dẫn đến rối loạn chức năng hoạt động đáng kể và mất thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn sau đó, tùy thuộc vào liều tiêm chủng. Ngay cả nồng độ Nano bạc thấp cũng được hấp thụ bởi các tế bào võng mạc và dẫn đến sự phá vỡ cấu trúc quan trọng, do số lượng tế bào tăng lên trải qua quá trình oxy hóa.

Nghiên cứu Nano bạc dạng hít có thể hình thành cặn lắng ở vùng phế nang, dẫn đến tổn thương phổi và cũng có thể tạo ra những sửa đổi đáng kể trong hệ thống thần kinh và các mô gan và thận...

Cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Nano bạc có thể gây ra sự suy giảm khả năng sống của tế bào thông qua các cơ chế tế bào khác nhau. Một trong những cơ chế này được thể hiện bằng việc tạo ra các gen liên quan đến apoptosis và kích hoạt cơ chế apoptosis. Ngoài ra, người ta đã chứng minh rằng nanosilver có thể gây ra sự hình thành và tích lũy nội bào của ROS, điều chỉnh tính thấm của màng ty thể và làm hỏng DNA.

Theo PGS. TS. Trần Hồng Côn (Giảng viên khoa Hoá học, Trường đại học Tự nhiên) khẳng định: “Về lý thuyết, nếu dùng dung dịch Nano bạc cho vào nước thì nó có khả năng diệt khuẩn lên đến 99,99%, nhưng phải ở nồng độ cho phép. Việc sử dụng nano bạc mới chỉ được thực hiện ở nước tắm, giặt hay bể bơi hoặc các mục đích khác, còn nếu cho trực tiếp Nano bạc vào nước để uống, nước ăn hoặc sử dụng cho thực phẩm thì Chính phủ Việt Nam chưa có quy định nào cụ thể.

Nếu tới đây Chính phủ phê duyệt cho phép sử dụng nano bạc vào nước ăn, uống thì chuyện diệt khuẩn này mới hợp pháp. Nhưng hiện nay, người ta đang e ngại rằng ăn, uống thực phẩm có chứa Nano bạc trực tiếp vào cơ thể thì sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ. Bởi hạt nano có kích thước vô cùng nhỏ, có thể đi vào máu. Bên cạnh đó, vì không thể nghiên cứu trên cơ thể người nên chưa có khuyến cáo nào cho việc sử dụng nước có chứa Nano bạc đối với sức khoẻ con người. Chính vì vậy, các nhà khoa học cho rằng người dân cần thận trọng và nếu chưa có công bố, chưa được phép thì không nên dùng"

Bên cạnh đó, PGS.TS. Trần Hồng Côn cũng đặt ra câu hỏi: “Nếu dùng Nano bạc để diệt vi khuẩn trong nước thì có thể diệt đến 99,99% chứ không có minh chứng diệt được 99,99% virus. Thực nghiệm chúng tôi cũng đã chứng minh được điều này. Chỉ có điều, với sự diệt khuẩn rất mạnh như vậy thì ăn uống hoặc sử dụng cho thực phẩm liệu có hại cho cơ thể con người hay không?".

Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Văn Khải cho biết bất kỳ loại máy lọc nước nào cũng đều có thông số kỹ thuật, người tiêu dùng nên xem và tìm hiểu về những thông số đó chứ không nên chỉ nghe những lời quảng cáo dễ "lọt tai". Tiến sĩ cũng cho rằng, các thương hiệu quảng cáo máy lọc nước của mình lọc được 99,99% vi khuẩn là hoàn toàn sai. Bởi tùy vào môi trường nguồn nước mà máy có thể lọc được, vì dụ như nước mưa, nước giếng, nước ao hồ…

Đồng quan điểm đó, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằng, việc quảng cáo thiết bị diệt khuẩn Nano bạc có thể tiêu diệt hơn 99,99% virus, vi khuẩn là hoàn toàn không đúng sự thật và không có bất cứ bằng chứng khoa học nào về vấn đề này.

Hơn nữa, Việt Nam chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào về việc uống nước có Nano bạc không ảnh hưởng tới sức khoẻ, bởi thực tế, Nano bạc là phân tử kim loại. Tất cả các nghiên cứu và thử nghiệm về công dụng của Nano bạc đối với y tế, thực phẩm… đều nghiên cứu trên thực động vật, chưa có bất cứ thử nghiệm nào trên người.

Mới đây nhất, phát ngôn trước báo giới, TS.DS Phạm Đức Hùng (từng thực tập ở Đại học Harvard, Mỹ, tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ, hiện làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, Mỹ) về tác dụng thực sự của Nano bạc trong việc tiêu diệt vi khuẩn, virus, đặc biệt là virus Corona chia sẻ: Một số nghiên cứu cho thấy Nano bạc gây độc tính trên tế bào và mô động vật. Chuột cống trong thí nghiệm cho hít Nano bạc 18 nm sau 90 ngày bị viêm phổi. Nano bạc 20 nm gây độc gene trên dòng tế bào gan HepG2. Các thông tin như Nano bạc có độc hay không độc, có tác dụng diệt khuẩn, virus... đều là "vơ đũa cả nắm". Chúng ta cần đi vào cụ thể như Nano bạc loại nào, kích thước bao nhiêu, nồng độ, độ tinh khiết... Lĩnh vực độc tính nano còn rất mới.

Không thể “đánh đồng” giữa vi khuẩn và virus

Sự khác biệt giữa virus và vi khuẩn

Ngoài câu chuyện về Karofi ở trên, hàng loạt các sản phẩm, công nghệ được áp dụng Nano bạc hàng ngày vẫn quảng cáo có khả năng diệt 100% vi khuẩn, virus… được bán tràn lan tràn lan trên thị trường hiện nay đang thực sự gây hoang mang cho người tiêu dùng. Thậm chí, nhiều người không phân biệt được sản phẩm gì giúp tiêu diệt vi khuẩn, sản phẩm nào diệt virus và giữa virus và vi khuẩn thì có gì khác nhau.

Như chúng ta đã biết, vi khuẩn đôi khi còn được gọi là vi trùng, là một nhóm vi sinh vật nhân sơ đơn bào có kích thước rất nhỏ và một số thuộc loại ký sinh trùng. Vi khuẩn thường có cấu trúc tế bào đơn giản và không có nhân, bộ khung tế bào. Vi khuẩn là nhóm hiện diện đông đảo nhất trong sinh giới. Chúng hiện diện khắp nơi trong đất, nước… ở dạng cộng sinh và ký sinh với các sinh vật khác. Hầu hết vi khuẩn có kích thước nhỏ, thường chỉ khoảng 0.5 - 5.0 μm, mặc dù có loài có đường kính đến 0,3mm. Có khoảng 40 triệu tế bào vi khuẩn trong một gram đất và hàng triệu tế bào trong một mm nước ngọt. 

Còn virus (vi-rút) cũng còn được gọi là siêu vi, siêu vi khuẩn hay siêu vi trùng, là một tác nhân truyền nhiễm chỉ nhân lên được khi ở bên trong tế bào sống của một sinh vật khác. Virus có thể xâm nhiễm vào tất cả các dạng sinh vật, từ động vật, thực vật cho tới vi khuẩn và vi khuẩn cổ. Cho đến nay có khoảng 5.000 loại virus đã được miêu tả chi tiết, mặc dù vẫn còn có tới hàng triệu dạng virus khác nhau.

Như vậy, giữa vi khuẩn và virus có những khác biệt cơ bản về kích thước, nguồn gốc và tác động đối với cơ thể. Về mặt cấu trúc, vi khuẩn phức tạp hơn. Virus là dạng sống nhỏ nhất và đơn giản nhất và có cấu tạo protein gọi là vỏ protein; chúng có kích thước chỉ bằng 1/100 đến 1/10 vi khuẩn. Vi khuẩn thuộc loại đơn bào có thể sống ở trong hoặc ngoài các tế bào khác (điều đó có nghĩa mỗi vi khuẩn là một tế bào. Trong khi đó, cơ thể con người chứa hàng nghìn tỷ tế bào). Chúng có thể tồn tại không cần tế bào túc chủ. Trong khi đó, virus là sinh vật sống trong tế bào, có nghĩa là chúng xâm nhiễm tế bào túc chủ và sống trong tế bào đó. Virus làm thay đổi vật liệu di truyền của tế bào túc chủ từ hoạt động bình thường để tự sản sinh ra virus.

Như vậy, với những lời quảng cáo "nổ trời" về công dụng có khả năng "lọc sạch 100% chất độc hại, vi khuẩn, virus... trong nước" phải chăng có những thương hiệu đang lợi dụng tinh thần phòng chống dịch của người dân Việt Nam để thu lời bất chính?