18/01/2025 | 11:58 GMT+7, Hà Nội

Chuyên gia khẳng định máy lọc nước quảng cáo diệt khuẩn là “té nước theo mưa"

Cập nhật lúc: 12/04/2020, 13:30

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, các quảng cáo về tác dụng “thần thánh” khi sử dụng nước đã được lọc qua Nano bạc để tiêu diệt vi khuẩn chỉ là “té nước theo mưa” và không có cơ sở khoa học.

“Tất cả các sản phẩm của Karofi bán ra thị trường đều ghi rõ trong các quảng cáo và hướng dẫn sử dụng người dùng phải sử dụng như thế nào cho đúng cách…”, đó là những khẳng định từ phía đại diện công ty Cổ phần Karofi Việt Nam cung cấp phúc đáp thông tin đến các độc giả, khách hàng nhằm hiểu rõ hơn về các sản phẩm mà Karofi đang bày bán, quảng cáo ra thị trường.

Đối với thiết bị diệt khuẩn Nanosilvor đại diện Karofi cho biết, đây là thiết bị được lắp rời, lắp kèm với máy lọc nước nếu khách hàng có nhu cầu lắp thêm để diệt khuẩn. Khi nước qua màng RO của máy lọc nước sẽ được chia ra làm 2 hướng. Một hướng là để cho ra nước tinh khiết để uống, còn một hướng sẽ được tích hợp với máy diệt khuẩn này để tạo ra vòi nước riêng dùng để khử khuẩn.

Khi sản phẩm Nanosilvor ra đời và hoàn thiện, Karofi đã mang sản phẩm đến Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế; Trung tâm Kiểm định Chất lượng Quacert để kiểm tra khả năng diệt khuẩn.

Theo kết quả, mẫu nước ngâm rau sử dụng nước qua thiết bị diệt khuẩn Nanosilvor (NanoScop) thương hiệu Karofi (thử nghiệm ngâm với rau cải trong 10 phút) cho thấy hiệu quả diệt khuẩn của nước máy sau khi qua thiết bị lọc Nano Karofi đối với các chủng vi khuẩn E.coli, Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus, Shigella flexneri, Salmonella typhi, Vibrio choleara đạt 99,99% sau 10 phút tiếp xúc (nồng độ vi khuẩn sau xử lý giảm > 4 log10).

Kết quả phân tích về khả năng khử khuẩn của thiết bị Nanosilvor.

Còn đối với các sản phẩm máy lọc nước có lõi lọc Nano bạc mang thương hiệu của Karofi cũng có chức năng khử khuẩn nhằm chống tái nhiễm khuẩn trong quá trình nước lưu thông trong hệ thống lọc. Theo đại diện Karofi, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Hiệp hội chất lượng nước Hoa Kỳ WQA hàm lượng bạc trong nước uống cho phép lên tới 100 μg/lít. Đối với nước dùng để khử trùng có thể lớn hơn 150 μg/lít.

Kết quả thử nghiệm tại Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế cho thấy, tại thời điểm thiết bị lọc được thể tích 05 m3, hiệu quả xử lý đối với vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa sau 01 lõi lọc NanoSilver Karofi là 99,14%, qua 02 lõi lọc Nano Silver Karofi là 99,98%.

Theo Karofi thì nhiều đơn vị và tổ chức trong nước và Quốc tế sử dụng nano bạc là biện pháp phòng nhiễm khuẩn, virus được khuyến cáo sử dụng từ nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành.

Đại diện công ty Cổ phần Karofi Việt Nam cho biết: “Bất kỳ một phát minh nào trên thế giới ra đời, một ứng dụng nào đó được đưa vào thực tế, ý kiến của các chuyên gia, trường phái có sự khác nhau là điều đương nhiên. 

Quan trọng bậc nhất là các phát minh, nghiên cứu đó đã được áp dụng và cho ra kết quả cụ thể như thế nào mới là điều đáng thông tin khách quan. Ở vai trò là doanh nghiệp, Karofi không bao giờ đi phản biện lại các chuyên gia. Karofi ứng dụng vào sản phẩm bất kỳ điều gì đều có căn cứ khoa học, thử nghiệm, cấp phép đầy đủ.”

“Như vậy, dựa vào phiếu liệt kê của 2 đơn vị, chúng ta có thể nhìn kết quả là 99,99% và bên Quacert cho kết quả tương tự. Cho nên có thể hiểu 99,99% tương đương gần như khử được hoàn toàn vi khuẩn thường có trong rau củ quả, quần áo, đồ dùng dụng cụ bát chén… 

Hiện nay, tại Việt Nam có một số sản phẩm có chứa nano bạc cũng sử dụng trực tiếp lên người như nước súc miệng nano bạc, gel rửa tay khô nano bạc, nước rửa tay khô nano bạc, gel khử trùng nano bạc,… Vì thế, nhiều đơn vị và tổ chức trong nước và Quốc tế sử dụng nano bạc là biện pháp phòng nhiễm khuẩn, virus được khuyến cáo sử dụng từ nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành.” - Karofi cho biết thêm.

“Té nước theo mưa” về Nano bạc tiêu diệt vi khuẩn

Để bạn đọc có cái nhìn bao quát hơn trong khai niệm các sản phẩm có chứa Nano bạc đang được bày bán hiện nay, chúng tôi đã tìm đến PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Giảng viên Khoa Công nghệ Thực Phẩm – Mổ, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội).

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, các quảng cáo về tác dụng “thần thánh” khi sử dụng nước đã được lọc qua Nano bạc để tiêu diệt vi khuẩn chỉ là “té nước theo mưa” và không có cơ sở khoa học.

Theo đó, máy lọc nước chỉ khả năng loại bỏ vi sinh vật để tạo ra nước sạch, nước vô sinh vật. Một cách đơn giản tương tự hơn là đun sôi nước lên cũng sẽ diệt được vi sinh vật. “Còn việc mang nước này đi giặt quần áo trẻ em để diệt khuẩn thì hoàn toàn không có tác dụng”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Giảng viên Khoa Công nghệ Thực Phẩm – Mổ, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội)

Phân tích về cấu trúc, tác dụng của nano bạc, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho hay, nếu là bạc bình thường, thì sẽ không có tác dụng gì, còn nano bạc có kích thước rất nhỏ được đo bằng micron, nano met là đơn vị cực nhỏ được so bằng 1 phần trăm của 1 tỷ. Kích thước phân tử bạc chỉ dài khoảng: 5nm, 25nm và 30nm… 

Hạt nhỏ đó có khả năng khuếch tán vào cơ thể, len lỏi vào vi sinh vật, nó có tác dụng phá hoạt cấu trúc của vi sinh vật, và phá hủy vi sinh vật. Vì vậy, muốn sát trùng quần áo trẻ em thì cần phải dùng dung dịch có chứa nano bạc, chứ không phải dùng dung dịch được diệt khuẩn bởi thiết bị có chứa nano bạc.

“Nên chúng ta phải phân biệt rõ được như thế nào là nước sát trùng và như thế nào là nước đã sát trùng bằng vật thể khác”, ông Thịnh đưa ra lời khuyên.

Cũng theo ông Thịnh, việc phân tử nano bạc khi đi vào cơ thể con người có tác hại hay không thì vẫn chưa có nghiên cứu nào có thể chứng minh được, phải chăng nó chỉ phá hủy một số cấu trúc trong cơ thể người sau đó sẽ đi ra ngay mà thôi. 

Nano bạc rất bé, chính vì thế việc khuếch tán và vào cơ thể người là điều rất dễ dàng, nhưng tác dụng chính của nano bạc chỉ là tiêu diệt vi khuẩn, vi sinh vật…

Trong khi đó theo Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia thông tin, bạc được biết đến với tác dụng kháng khuẩn mạnh, do đó, vật liệu nano thường được ứng dụng rộng rãi trong các ngành nông nghiệp - thực phẩm, y tế, sản phẩm hàng hóa tiêu dùng... Các sản phẩm này được bọc hoặc tráng phủ bằng vật liệu nano, có thể kể đến: chai rượu, mỹ phẩm, gạc y tế, bàn chải đánh răng, bao bì thực phẩm... Tính năng khử khuẩn bằng phân tử bạc còn được ứng dụng vào nhiều loại thiết bị gia dụng như: tủ lạnh, máy giặt, điều hòa…

"Bạc là một kim loại không gây nguy hiểm, tuy nhiên, các phân tử có kích cỡ nano rất dễ bị phá vỡ cấu trúc, từ đó, có thể xâm nhập vào màng tế bào, gây ra những biến đổi sinh lý khó lường”, PGS. Frank Kjeldsen và TS. Thiago Verano - Braga, Cục Sinh hóa và Sinh học phân tử tại Đại học miền Nam Đan Mạch cho biết.

Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu tiến hành xét nghiệm các tế bào ruột trong cơ thể con người vì họ tin rằng những tế bào này có nhiều khả năng tiếp xúc với nano bạc thông qua quá trình tiêu hóa thực phẩm nhiễm nano bạc.

"Chúng tôi nhận ra rằng các hạt nano bạc là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng các gốc tự do trong tế bào, gây tổn thương màng tế bào. Quá trình này diễn ra theo phản ứng dây chuyền khiến cấu trúc và nồng độ protein cũng bị thay đổi", Frank Kjeldsen và Thiago Verano - Braga cho biết.

Chính vì nguy hại như vậy, gốc tự do được xem là “sát thủ giấu mặt” gây ra quá trình lão hóa và phần lớn các bệnh tật. Y học hiện đại đã thống kê, sự tấn công của gốc tự do gây nhiều bệnh khác nhau, trong đó đặc biệt nguy hiểm là các bệnh ung thư và các bệnh rối loạn thần kinh như Alzheimer và Parkinson.

Cùng quan điểm với các chuyên gia thuộc Đại học miền Nam Đan Mạch, các nhà nghiên cứu thuộc Cục Quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch cũng lên tiếng cảnh báo và chống lại hành động áp dụng vật liệu nano trong ngành công nghiệp cung cấp thực phẩm do mức độ nguy hiểm của nó.