19/01/2025 | 01:30 GMT+7, Hà Nội

Nắng nóng đỉnh điểm gây nhiều tổn hại cho làn da

Cập nhật lúc: 02/06/2016, 15:28

Trong ánh nắng mặt trời có chứa hai loại tia cực độc UVA và UVB, có thể gây nên những tổn hại cho làn da và nguy hiểm hơn là ung thư da.

Đợt nắng nóng đỉnh điểm đầu tiên ở Hà Nội

Cứ 1 giờ nhiệt độ lại tăng thêm khoảng 1 độ C. Tại Hà Nội, mức nhiệt cao nhất trong ngày hôm nay được dự báo ở mức 38-39 độ C, có nơi trên 39 độ.

Các tỉnh miền Bắc, miền Trung đang trải qua nắng nóng gay gắt 37-39 độ C, đặc biệt tại miền Trung có nơi lên tới hơn 40 độ.

Người đi đường trong những ngày nắng nóng

Người đi đường trong những ngày nắng nóng

Nắng gay gắt khiến chỉ số tia cực tím (tia UV) tăng cao. Ghi nhận tại TP.HCM trong đợt nắng nóng gần đây cho thấy, chỉ số tia cực tím (tia UV) từ 10h-15h luôn ở mức 8-10. 

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chỉ số UV ở mức 3-5 khi ra ngoài đã phải che chắn bảo vệ, còn mức 6-7 có thể gây cháy nắng trong 30 phút.

Ở mức 8-10 là mức cực kỳ nguy hiểm, có thể gây cháy nắng trong khoảng 20 phút. Còn cực độ (từ 11 trở lên) có thể làm da cháy nắng trong vòng 10 phút.

Theo các chuyên gia, tia UV gồm 3 loại UVA, UVB, UVC sắp xếp từ bước sóng dài đến ngắn. Trong đó UVC nguy hiểm nhất, có bước sóng 100-280nm nhưng bị tầng ozone chặn lại, 2 loại còn lại xuyên qua được mây mù, không khí.

Tia UVB (chiếm 10%), có bước sóng 280-315 nm là thủ phạm gây cháy nắng, bỏng nắng và cũng là tác nhân chính gây ung thư da. Cường độ UVB thay đổi theo thời điểm trong ngày, theo mùa, theo khu vực.

Còn UVA (chiếm khoảng 90%) có bước sóng dài 315-380nm, không mạnh như UVB nhưng lại có khả năng tấn công sâu vào da, gây lão hoá và gây hại cho mắt.

Tuy nhiên nhiều người vẫn chủ quan, không che chắn khi ra nắng. Theo PGS.TS Bùi Công Toàn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương, đây là quan niệm hết sức sai lầm.

Chủ quan khi đi trời nắng sẽ gây hậu quả gì?

Theo PGS Toàn, trước hết khi đi đầu trần dưới nắng to, trung tâm điều hòa hô hấp hay còn gọi là hành tủy nằm sau gáy sẽ bị nắng chiếu vào, gây ngộ độc nắng, cảm nắng.

Đáng lưu ý, tia cực tím cũng là một trong những tác nhân hàng đầu gây ung thư da. Ông dẫn chứng, nếu ở Việt Nam ung thư phổi, gan, ung thư vú, trực tràng phổ biến thì ở Australia có tới 80% bệnh nhân ung thư là ung thư da - thuộc top thế giới.

Nguyên nhân do Australia gần xích đạo, khí hậu khô hanh, bị tác động nhiều bởi tia cực tím.

Trẻ em, người trẻ thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng trên da và có thể dẫn đến ung thư da nhiều năm sau đó.

Những vị trí như mí mắt, mông, vành tai, cánh tay sẽ có nguy cơ dễ mắc ung thư da nhất.

“Tia cực tím gây nên nhiều tác hại cho mắt, nếu tiếp xúc trực tiếp lâu sẽ ảnh hưởng đến võng mạc mắt. Tuy nhiên, tác hại của mắt sẽ ít hơn da vì mắt thường nhìn theo hướng ngang hoặc xuôi”, PGS Toàn nói.

Số liệu thống kê từ WHO cho thấy, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,5-3 triệu người bị đục thuỷ tinh thể do tiếp xúc với UVA.

Bảo vệ làn da khi trời nắng nóng

Các chuyên gia khuyến cáo, hạn chế ra ngoài nắng trong thời gian cao điểm từ 10-15h.

Để tránh sự "tấn công" của hai loại tia trên, bạn nên ngụy trang mỗi khi ra nắng bằng cách đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng, thoa kem chống nắng và đeo kính râm. Việc thoa kem chống nắng chỉ có tác dụng nếu bạn biết chọn lựa và sử dụng nó đúng cách.

Loại kem chống nắng được coi là có hiệu quả, nếu có độ SPF từ mức 15 trở lên và trước mỗi khi ra nắng bạn cần thoa kem chống nắng trước khoảng 30 phút thì mới có tác dụng.

Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nươc, bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, tránh dùng các loại kem có dầu, hạn chế trang điểm…/.