Năng lượng, nông sản và nguyên liệu công nghiệp đón nhận lực mua tích cực
Cập nhật lúc: 24/07/2023, 09:13
Cập nhật lúc: 24/07/2023, 09:13
Trên thị trường năng lượng, dầu thô kết thúc tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp và đạt mức cao nhất trong vòng 3 tháng trong bối cảnh rủi ro thâm hụt nguồn cung gia tăng. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 2,32% lên trên mức 77 USD/thùng và giá dầu Brent đóng cửa tuần với mức giá 81,07 USD/thùng sau khi tăng 1,5%.
Nguồn cung dầu thô từ Nga đang có một số dấu hiệu suy yếu khi xuất khẩu dầu thô trung bình bằng đường biển đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1 đầu năm nay, ở mức 3,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/07. Điều này càng làm gia tăng lo ngại thâm hụt trong nửa cuối năm nay, nhất là khi Nga thông báo giảm xuất khẩu dầu thô trong tháng 8 thêm 500.000 thùng/ngày.
Tại Mỹ, thị trường dầu cũng cạnh tranh hơn trong bối cảnh giá dầu tăng cao tại khu vực Trung Đông. Theo ước tính từ Reuters, nhập khẩu dầu WTI của châu Á trong tháng sau sẽ đạt từ 1,6 đến 1,9 triệu thùng/ngày, gần mức cao kỷ lục vào tháng 4.
Trong khi đó, những nhà sản xuất dầu tại Mỹ tiếp tục hạn chế việc đẩy mạnh các giàn khoan mới. Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 6 xuống 670 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 21/7, với số lượng giàn khoan dầu tính riêng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 9 và tháng 4, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ giảm lần đầu tiên trong năm nay vào tháng 8, xuống còn 9,4 triệu thùng/ngày.
Tồn kho xăng dầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 16/7 cũng đồng loạt giảm. Tổng sản phẩm được cung cấp, thước đo về nhu cầu cũng phục hồi trở lại khi tăng hơn 2 triệu thùng lên mức 20,76 triệu thùng, phản ánh mức tiêu thụ ổn định trong mùa di chuyển cao điểm.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng vọt 7% trong tuần qua trong bối cảnh nhu cầu gia tăng do nhiệt độ nắng nóng tại Mỹ được dự báo sẽ kéo dài cho tới đầu tháng 8. Ngoài ra, một đám cháy rừng ở Newell Road, bang Washington cũng đe dọa tới các trang trại năng lượng mặt trời, gió cũng như đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, giúp thúc đẩy đà tăng của giá.
Đối với nhóm nguyên liệu công nghiệp, kết thúc tuần giao dịch 17/7-23/7, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá. Trong đó, giá bông gây chú ý với tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, mặt hàng này đóng cửa tuần giao dịch vừa qua với 5/5 phiên tăng giá, tương đương mức tăng 4,01% so với tham chiếu và là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm. Nhu cầu về bông dần hồi phục là nguyên nhân chính hỗ trợ giá. Chỉ số Dollar Index giảm về dưới mức 100 điểm trong 2 phiên đầu tuần, giúp giá bông Mỹ trở nên rẻ hơn với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó kích thích lực mua trên thị trường.
Sau đó, dữ liệu bán hàng bông trong tuần kết thúc ngày 13/7 tại Mỹ diễn biến tích cực hơn so với tuần trước, cũng góp phần thúc đẩy giá tăng. Cụ thể, quốc gia này đã bán ra 67.100 kiện bông, tăng gần 3 lần so với mức 23.100 kiện trong tuần trước đó.
Vào cuối tuần, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết, quốc gia này sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu bông theo thuế suất trượt lên tới 750.000 tấn bông cho các công ty quốc doanh. Điều này càng góp phần thúc đẩy nhu cầu về bông sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Giá cà phê Robusta cũng tăng hơn 2% trong tuần vừa qua, chủ yếu là do số liệu xuất khẩu chậm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tồn kho Robusta ở mức thấp cũng đang là lo ngại của thị trường. Tổng cục Hải quan Việt Nam (CUSTOMS) cho biết, nước ta đã vận chuyển 31.607 tấn cà phê trong nửa đầu tháng 7, chỉ bằng 46% lượng cà phê xuất khẩu trong cùng kỳ tháng trước và thấp hơn 46% so với lượng hàng vận chuyển trong cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, lũy kế xuất khẩu cà phê từ đầu năm tính đến hết ngày 15/7 ở mức 1,04 triệu tấn, giảm 3,78% so với mức 1,08 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2022.
Đồng thời, tồn kho Robusta trên Sở ICE chỉ dao động dưới 55.000 tấn, mức thấp nhất trong vòng 7 năm cũng dấy lên lo ngại về việc đảm bảo nguồn cung trên thị trường trong hiện tại và thời gian tới.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica diễn biến đầy giằng co do những thông tin cơ bản trái chiều về nguồn cung tại Brazil. Đóng cửa tuần, giá tăng nhẹ 0,65% so với tham chiếu. Một mặt, triển vọng nguồn cung Arabica tích cực trong niên vụ 2023/24 tại Brazil kết hợp cùng tiến độ thu hoạch tại vùng sản xuất đang nhỉnh hơn so với niên vụ trước, đưa đến kỳ vọng nguồn cung mới sẽ nhanh chóng được đẩy ra thị trường trong thời gian tới. Mặt khác, tiến độ bán hàng cà phê vụ mới tại Brazil vẫn còn khá ảm đạm, khiến nguồn cung vẫn duy trì trong mức thấp ở hiện tại. Theo Hãng tư vấn Safras & Mercado, nông dân mới bán được 30% sản lượng cà phê niên vụ 2023/24, thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm trước và mức trung bình 5 năm.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào cuối tuần tước (ngày 22/07), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng mạnh 1.200 đồng/kg lên mức 66.200 – 66.900 đồng/kg, cao hơn khoảng 1.300 – 1.500 đồng/kg so với tuần trước đó.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/thi-truong-hang-hoa-247-nang-luong-nong-san-va-nguyen-lieu-cong-nghiep-don-nhan-luc-mua-tich-cuc-106586.html
13:45, 20/07/2023
13:26, 20/07/2023
18:45, 17/07/2023