19/04/2024 | 21:10 GMT+7, Hà Nội

Nắn dòng vốn vào đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cập nhật lúc: 22/11/2020, 14:25

Tính đến cuối tháng 10/2020, dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 27.000 tỷ đồng, tuy nhiên, đây chưa phải là con số mong đợi.

TS. Cấn Văn Lực -Chuyên gia - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia phát biểu tại hội thảo.

Nhiều chính sách dành cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) bắt đầu được thực thi từ 1/8/2020. Hiệp định này đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường phát triển sản phẩm nông nghiệp sang Liên minh châu Âu (EU).

Theo Hiệp định EVFTA, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, trong đó sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thuộc ngành hàng nông, thủy sản chiếm 62% (cụ thể: hàng rau quả chiếm 49%, thủy sản và chế biến từ thủy sản chiếm 13%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp - chế biến và các sản phẩm khác chiếm 38%.

Tại Hội thảo “Hiệp định EVFTA: Vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ nông nghiệp, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường EU”, do báo Lao động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 20/11, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong những năm qua, NHNN đã tham gia biên soạn và ban hành nhiều nghị định, văn bản tạo điều kiện cho tín dụng tập trung cho nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 14, Nghị định 55, Nghị định 116 dành toàn bộ ưu tiên, ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đầu tư vốn, cơ chế thuận lợi về thủ tục, điều kiện, lãi suất…

Theo đó, dư nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn khoảng 2,16 triệu tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ cả nước. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp bình quân trong 5 năm qua (2016-2019) là 19,83%.

Đây là tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm vì mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, NHNN có nhiều chính sách riêng biệt cho nông nghiệp như chính sách tín dụng hướng vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm; chính sách tín dụng cho nuôi trồng đánh bắt thủy, hải sản, trồng lúa; nhiều chính sách riêng biệt cho đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu, chế biến.

Cho biết về đầu tư tín dụng của ngành ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, bà Hà Thu Giang - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhấn mạnh, cho đến nay đã có trên 80 tổ chức tín dụng (TCTD) và 1.181 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp nông thôn với địa bàn rộng khắp cả nước. 

Riêng trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, dịch tả lợn Châu Phi…, song tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn có tăng trưởng khá.

Tính đến cuối tháng 10/2020 ước đạt trên 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2019, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong đó: Dư nợ cho vay sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết đạt khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng với hơn 25 nghìn khách hàng còn dư nợ, cho vay ngắn hạn chiếm trên 77% tổng dư nợ cho vay liên kết.

Dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 27.000 tỷ đồng với hơn 13.400 khách hàng còn dư nợ, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trên 90%), chủ yếu là cho vay trung, dài hạn.

Tại Hội thảo “Hiệp định EVFTA: Vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ nông nghiệp, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường EU”, do báo Lao động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

 27.000 tỷ đồng chưa phải là con số mong đợi

Đó là nhận định của Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú về dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Trên thực tế, việc triển khai cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các TCTD trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, thách thức.Theo bà Hà Thu Giang, đầu tư tín dụng đối với các mô hình liên kết còn nhiều hạn chế do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến do ý thức chưa cao và chế tài chưa nghiêm, gây khó khăn cho các TCTD trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, tuy nhiên hiện nay số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chưa nhiều; chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bài bản, hiệu quả, một số doanh nghiệp chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa chứng minh phương án sản xuất hiệu quả, khả thi, chưa đáp ứng tiêu chí nông nghiệp công nghệ caotheo quy định; thị trường tiêu thụ không ổn định.

Bên cạnh đó, việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các tài sản từ dự án nông nghiệp công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới...) tại các địa phương theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT còn chậm. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, ngành nông nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng kép: vừa bị ảnh hưởng xấu do dịch Covid-19 vừa chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch tả lợn Châu Phi…

Bà Hà Thu Giang cũng chỉ ra những thách thức từ việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực như: hàng hóa thị trường nội địa chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nhập khẩu; các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải không ngừng nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh để đáp ứng yêu cầu nhà nhập khẩu; những rủi ro về thị trường, giá cả thế giới cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ hơn tới thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp chưa thích ứng kịp với xu thế hội nhập, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả nên TCTD chưa có cơ sở để xem xét quyết định cho vay.

Theo Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 5/2020, cả nước đã có 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho rằng , con số 46 DN NNCNC được công nhận trong cả nước chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 0,6% số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và 0,01% tổng số DN cả nước. Tỷ trọng vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam cũng luôn ở mức thấp, hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng vốn đầu tư. Điều này cho thấy mức độ đầu tư, phát triển NNCNC tại Việt Nam còn tương đối hạn chế. Ngoài ra, ứng dụng CNC trong nông nghiệp chủ yếu tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm có thế mạnh, một số DN lớn.

Về nguồn vốn tín dụng cho phát triển NNNT cũng tồn tại một số bất cập xuất phát cả từ phía cho vay (các TCTD) và đi vay (nông dân, doanh nghiệp NNNT).

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, tuy nhiên hiện nay số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chưa nhiều. Ảnh:TL

Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng phân khúc

Tiềm năng từ EVFTA còn rất lớn đối với phát triển nông nghiệp Việt Nam không chỉ về thương mại, mà còn kỳ vọng lớn mạnh với các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cao về môi trường, phát triển bền vững, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải thiện lao động…

Các Hiệp định thương mại quốc tế đặt ra nhiều thách thức song cũng tạo cơ hội để nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nắm bắt xu hướng thị trường, tiếp cận với các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, giúp hoàn thiện năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị liên kết mới với những ý tưởng sáng tạo, hiệu quả.

Bà Hà Thu Giang nhấn mạnh, đây là cơ sở quan trọng để ngành ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, trong thời gian tới NHNN sẽ thực hiện: Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất góp phần ổn định nền tảng vĩ mô để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trong đó mạnh dạn đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng liên kết chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu; Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng: Đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55, 116 của Chính phủ, trong đó khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và chuỗi liên kết trong nông nghiệp;Bên cạnh đó, sẽ đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng tham gia chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao;

Tiếp tục chỉ đạo các TCTD nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng;Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay;Tiếp tục thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ (tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) khuyến khích các TCTD đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Cũng đưa ra khá nhiều giải pháp cho tháo gỡ vướng mắc về vốn và công nghệ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, TS Cấn Văn Lực cho rằng, về phía Đảng, Chính Phủ, các Bộ, Ngành, NHNN, cần tăng cường vốn đầu tư công và phân bổ hợp lý hơn cộng với việc thu hút đầu tư tư nhân cho ngành nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đã quy hoạch; chú ý đa dạng hóa, phát triển thị trường tài chính cho hộ KD, DN đầu tư trong nông nghiệp (có cả Fintech, tài chính tiêu dùng…..). NHNN tăng cường cung ứng vốn ưu đãi bằng các công cụ như cho vay tái cấp vốn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc…v.v.