19/01/2025 | 18:35 GMT+7, Hà Nội

Năm 2022, bất động sản công nghiệp tiếp tục “tăng tốc”

Cập nhật lúc: 05/02/2022, 12:07

Trải qua năm 2021 nhiều sóng gió, bất động sản công nghiệp vẫn đạt được những chỉ số đầy ấn tượng. Vì vậy, theo các chuyên gia, loại hình bất động sản này sẽ tiếp tục “tăng tốc” trong năm 2022.

Năm 2021, biến thể Covid-19 mới bùng nổ đã gây ra một số gián đoạn cho thị trường. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế và hoạt động công nghiệp Việt Nam vẫn đạt được không ít thành tựu. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục là "điểm sáng" của nền kinh tế với tổng giá trị đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ, nhờ các hiệp định thương mại tự do đã được thông qua trước đó.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước. Trong số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2021, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 6,11 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đăng ký, theo sau là Nhật Bản với 2,79 tỷ USD, chiếm 18,3%.

Sự tăng trưởng về dòng vốn FDI đang thể hiện rõ cam kết và niềm tin tích cực của các nhà đầu tư vào triển vọng thị trường công nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý, dòng vốn FDI giờ đây không chỉ tập trung vào các khu kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, mà còn lan rộng ra các khu vực tiềm năng khác như Quảng Trị, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Chính vì vậy theo một số chuyên gia, năm 2021, bất động sản công nghiệp vẫn là loại hình được nhiều nhà đầu tư quan tâm, ghi nhận được những chỉ số tăng trưởng đầy ấn tượng.

Cụ thể, bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam, Tập đoàn Quản lý và Tư vấn bất động sản Jones Lang Lasalle (JLL) cho biết, bất chấp tác động của đại dịch, bất động sản công nghiệp tiếp tục là phân khúc hấp dẫn nhờ sở hữu nhiều lợi thế. Vị trí địa lý có thể đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong việc dịch chuyển nhà máy, chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài. Việt Nam cũng rất thành công trong thu hút vốn FDI và đang có chi phí cho thuê kho bãi, nhân công rẻ. Đặc biệt, thuế xuất hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ thấp hơn so với một số nước trong khu vực. 

Tỷ lệ lấp đầy và giá thuê đất tại các khu công nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp tục tăng mạnh. Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ lấp đầy bình quân tại các khu công nghiệp của 8 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt khoảng 80%. Mức giá chào thuê đất tăng từ 10% đến 30% so với cùng kỳ năm 2020. Những chỉ số tích cực trên là căn cứ khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng, bất động sản công nghiệp tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng”, kênh đầu tư an toàn và lợi nhuận cao.

Năm 2022, bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng tốc
Năm 2022, bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng tốc

Tiếp tục “tăng tốc” trong năm 2022

Cùng với việc mở cửa trở lại theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, giá thuê đất có hiệu lực, nhu cầu đối với đất công nghiệp, kho xưởng xây sẵn là những lực đẩy giúp thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa cho rằng, năm 2021, bất động sản công nghiệp Việt Nam còn vượt qua được những khó khăn thì không có lý do gì năm 2022 lại không hồi phục mạnh mẽ và tăng tốc hơn nữa. Kể cả trong bối cảnh dịch có diễn biến phức tạp thì với chính sách tiêm chủng vắc-xin Covid-19 toàn dân và tâm lý thích nghi ngày càng tốt với dịch, thị trường bất động sản công nghiệp hứa hẹn sẽ có nhiều cơ hội để khởi động.

Theo ông Quang, lực đẩy tác động đến thị trường bất động sản công nghiệp trong thời gian tới sẽ đến từ việc các đơn hàng xuất nhập khẩu đang còn tồn đọng chưa giải quyết được trong năm 2021 thì năm 2022 sẽ được tăng tốc trở lại. Đây chính là lý do khiến các doanh nghiệp phải nhanh chóng quay trở lại thị trường để trả đơn, trả nợ. Từ đó đẩy mạnh các hoạt động giao dịch trong lĩnh vực đất công nghiệp, xây dựng nhà xưởng… Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam là một điểm đến rất tốt trong thời gian tới, bởi Việt Nam có rất nhiều dư địa để đón làn sóng FDI cho việc phát triển công nghiệp. Việt Nam sở hữu một trong những thị trường sản xuất và hậu cần mạnh nhất trên thế giới.

Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do có thể được xem là giải pháp lâu dài cho Việt Nam, hỗ trợ quá trình chuyển giao kiến thức và công nghệ, qua đó thúc đẩy sự chuyển đổi từ sản xuất các ngành công nghiệp giá trị thấp và mang tính địa phương sang các ngành có giá trị cao hơn. Ngay cả trong ngắn hạn đến trung hạn, thị trường vẫn được chứng kiến rất nhiều hoạt động đầu tư lớn về công nghiệp. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ qua lại lẫn nhau giữa hai thị trường phía Bắc và phía Nam. Trong năm 2021, bất động sản công nghiệp phía Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn phía Bắc nên trong thời gian tới khi có sự hỗ trợ từ thị trường phía Bắc sẽ giúp phía Nam nhanh chóng hồi phục, kéo theo bất động sản công nghiệp cả nước phát triển.

Nhìn nhận về triển vọng thị trường bất động sản công nghiệp 2022, ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam cũng đánh giá, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do FTA... Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, một số xu hướng được kỳ vọng sẽ tiếp tục xuất hiện như: Ngành công nghiệp 4.0; sản xuất chế tạo thông minh hơn; hiện đại hóa chuỗi cung ứng; hình thức bán - thuê lại tài sản; các mô hình khu công nghiệp mới và quy hoạch tổng thể hiện đại; trung tâm dữ liệu và kho lạnh… Có thể thấy, việc mở cửa những chuyến bay quốc tế sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết cho năm 2022 thành công.

Đánh giá về sức hút từ thị trường này, ông Đoàn Duy Hưng, Tổng Giám đốc IIP Vietnam cho rằng, đứng trước vận hội mới, bất động sản công nghiệp Việt Nam được đánh giá là ngôi sao đang lên, là "con gà đẻ trứng vàng", có nhiều cửa sáng trong việc thu hút đầu tư FDI, đón đầu làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc. Ông Hưng nhận định: "Thời cơ đang đến gần, chúng ta có quyền đặt ra nhiều kỳ vọng về bức tranh tươi sáng của phân khúc bất động sản công nghiệp trong thời gian tới. Tuy nhiên, cơ hội không chỉ dành riêng cho Việt Nam và cũng không ai dám chắc “đại bàng” sẽ chọn Việt Nam hay “bay đi” nơi khác".

Theo ông Hưng, câu chuyện đầu tư, phát triển bất động sản công nghiệp là câu chuyện đường dài, do đó Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực tế để có sự chuẩn bị tốt nhất, không chỉ đón đầu được làn sóng dịch chuyển FDI mà còn hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Trong cuộc đua thu hút đầu tư bất động sản khu công nghiệp, cần phải nhanh để chớp lấy thời cơ nhưng cũng phải phát triển có định hướng. Theo đó, bất động sản công nghiệp Việt Nam cần có sự biến đổi mạnh về chất, hướng tới sự phát triển bền vững, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh... Các địa phương, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tư duy và có những sự chuẩn bị tốt hơn mới có thể sẵn sàng "đón đại bàng về làm tổ".

Để phát triển bền vững bất động sản công nghiệp Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, triển khai đồng bộ hàng loạt các giải pháp và thống nhất cách làm từ Trung ương tới địa phương./.

Nguồn: https://reatimes.vn/nam-2022-bat-dong-san-cong-nghiep-tiep-tuc-tang-toc-20201224000009886.html