19/01/2025 | 19:33 GMT+7, Hà Nội

Năm 2021, mặt bằng lãi suất liệu có tăng trở lại?

Cập nhật lúc: 19/12/2020, 14:20

Chưa có áp lực nào đủ lớn khiến lãi suất có thể tăng trở lại.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 công bố mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong năm sau.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất điều hành 0,25 - 0,5 điểm% từ ngày 1/10/2020. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Năm 2021, mặt bằng lãi suất liệu có tăng trở lại?

"Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2021, trong bối cảnh áp lực lạm phát năm tới ở mức thấp. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành thêm nữa, chúng tôi không cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất lên trong năm 2021, một động thái nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng", chuyên gia của VNDirect nêu quan điểm.

Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ thị trường tiền tệ thông qua thị trường mở, gia tăng dự trữ ngoại hối, nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại hoặc lùi thời hạn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tài chính cao hơn đối với các ngân hàng thương mại.

"Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện lên mức 13% trong năm 2021. Chúng tôi đồng thời cho rằng lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm 0,20 - 0,5 điểm% trong năm 2021 trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát hạ nhiệt", phía VNDirect cho biết.

Lạm phát năm 2021 được công ty chứng khoán này dự báo ở mức 2,9%, thấp hơn dự báo khoảng 3,2% cho năm 2020 và mục tiêu 4% mà Chính phủ đặt ra.

Có phần đồng quan điểm với VNDirect, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng chưa có áp lực nào đủ lớn khiến lãi suất có thể tăng trở lại.

Nhiều lý do được công ty chứng khoán này đưa ra. Thứ nhất, chưa xuất hiện rủi ro thanh khoản đến từ nợ xấu.

Thứ hai, các chỉ số an toàn hoạt động không chịu áp lực. Cụ thể, việc tăng trưởng tín dụng dựa một phần vào trái phiếu doanh nghiệp giúp giảm áp lực lên tỷ lệ LDR khi tử số chỉ tính tới các khoản cho vay khách hàng; việc không trả cổ tức tiền mặt theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước giúp hệ số an toàn vốn CAR tăng lên; áp lực lên tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giảm nhẹ khi Ngân hàng Nhà nước lùi thời hạn giảm mức trần của tỷ lệ này.

Thứ ba, áp lực thanh khoản từ tăng trưởng tín dụng được VCBS dự báo chưa xuất hiện trong 2020 và có thể phải tới cuối 2021 mới xuất hiện trở lại.

VCBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ vào khoảng 11 - 12%/năm.