22/11/2024 | 20:11 GMT+7, Hà Nội

Năm 2017, số ca thủy đậu vượt gần 50% so với năm 2016

Cập nhật lúc: 05/01/2018, 13:36

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, năm 2017 cả nước ghi nhận gần 39.000 ca mắc (tăng 45,9% so với 2016), quy mô gần như khắp cả nước. Đây là bệnh có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân nên cần hết sức cảnh giác.

Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Vi rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí.

 

Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Tuy thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra.

Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.

Theo PGS. Phu, bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân, bắt đầu tăng vào tháng 1, tăng mạnh, đỉnh điểm vào tháng 3 với khoảng 8.000 ca mắc, rồi giảm dần. Các tháng còn lại thường dưới 3.000 ca mắc.

Theo PGS. Phu, các biểu hiện của bệnh thủy đậu phần lớn là nhẹ nên vắc xin chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, hiện nay mới chỉ có vắc xin dịch vụ, độ phủ vắc xin không cao nên miễn dịch cộng đồng không nhiều, số người mắc bệnh rất lớn với gần 39.000 ca mắc. Bệnh có tốc độ lây lan cao, nên khuyến cáo người dân đi tiêm phòng bệnh tại các điểm tiêm có vắc xin này.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.