19/01/2025 | 01:53 GMT+7, Hà Nội

Thực phẩm nhiễm kháng sinh – mối nguy hiểm chết người

Cập nhật lúc: 29/12/2017, 00:14

Các trang trại gia cầm ở Ấn Độ đang không chỉ nuôi gà - họ còn đang nuôi những loại siêu vi khuẩn có khả năng kháng hầu hết các loại thuốc kháng sinh hiện có. Theo một nghiên cứu mới đây, các nông trại Ấn Độ đã sử dụng nhiều kháng sinh trong chăn nuôi tới mức có tới 94% mẫu thịt gà và 60% mẫu gà đẻ trứng được phát hiện có vi khuẩn kháng đa thuốc có khả năng gây ra dịch bệnh nghiêm trọng ở người.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Environmental Health Perspectives, theo đó các nhà nghiên cứu từ các học viện hàng đầu của Hoa Kỳ và Ấn Độ đã phỏng vấn nông dân và thu thập mẫu từ 18 trang trại ở bang Punjab miền Bắc Ấn Độ. Đây là các trang trại với đủ hình thức, từ trại chăn nuôi lấy trứng cho tới lấy thịt, từ mô hình sản xuất trong gia đình cho tới các nông trang sản xuất theo mô hình công nghiệp của phương Tây.


Kết quả cho thấy, trong số 500 con gia cầm được xét nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hơn 1500 mẫu khuẩn E.coli kháng các loại thuốc quan trọng trong điều trị cho người. Thông dụng nhất là các mẫu có khả năng sản sinh ra ESBL - loại enzyme đặc biệt có khả năng phá hủy mọi loại thuốc kháng sinh gốc penicillin và gốc cephalosporin. Có tới 87% mẫu gia cầm nuôi lấy thịt và 42% mẫu gia cầm nuôi lấy trứng được phát hiện có chứa loại siêu vi khuẩn này.

Mục đích sử dụng

Trong số 16 trang trại gia cầm ở bang Punjab đã trả lời câu hỏi khảo sát về mục đích sử dụng thuốc kháng sinh, tất cả các trang trại này đều sử dụng kháng sinh để điều trị cho vật nuôi bị bệnh và để ngăn chặn bệnh dịch, tuy nhiên có đến hai phần ba trong số đó cho biết, họ cũng sử dụng kháng sinh để kích thích tăng trưởng ở gia cầm. Tại các trang trại sử dụng thuốc kháng sinh với mục đích kích thich tăng trưởng, gia cầm có khả năng mang vi khuẩn kháng thuốc cao gấp ba lần những trang trại khác.

Gà là loại thực phẩm vô cùng phổ biến tại Ấn Độ do giá rẻ, chi phí sản xuất thấp và phù hợp với mọi tôn giáo. Nhưng khác với những nước phát triển, người tiêu dùng Ấn Độ còn khá dễ dãi chấp nhận việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là không có gì đảm bảo rằng vi khuẩn kháng thuốc trong gia cầm tại Ấn Độ không lây lan sang những quốc gia và khu vực khác. Một minh chứng điển hình về việc vi khuẩn có thể xuyên biên giới ra sao chính là trường hợp của gene kháng thuốc MCR được phát hiện trong các nông trại Trung Quốc hồi năm 2013, giờ đây đã lan sang hơn 30 quốc gia, trong đó có Mỹ.

Nghiên cứu nói trên đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi ở Ấn Độ. Và đây cũng là tình trạng khá phổ biến tại nhiều nơi khác trên thế giới. Ước tính sơ bộ, lượng kháng sinh sử dụng trong nông nghiệp đang ở mức hơn 32.000 tấn, nhiều gấp đôi lượng kháng sinh sử dụng trong điều trị cho con người.

Virus đột biến khó lường

Một phần lớn lượng kháng sinh sử dụng trong nông nghiệp được dùng vào mục đích kích thích tăng trưởng cho vật nuôi. Đây là một phương thức nguy hiểm đã bị cấm ở châu Âu do với phương thức này, liều lượng kháng sinh sử dụng ở mức độ nhỏ không đủ để tiêu diệt vi khuẩn. Chính bởi vậy, một số loại vi khuẩn đã đột biến và không chỉ kháng thuốc mà còn sinh trưởng và lây lan mạnh mẽ.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh vào mục đích kích thích tăng trưởng đã dẫn tới việc hình thành những "ổ dự trữ" các loại vi khuẩn siêu kháng thuốc ngay tại các trang trại, với những nguy cơ nghiêm trọng đe dọa sức khỏe con người. Người lao động tại các trang trại cũng thường không mặc trang phục bảo hộ hoặc chỉ mặc sơ sài, dễ làm lây lan vi khuẩn kháng thuốc ra ngoài cộng đồng. Từ đó, việc siêu vi khuẩn lây từ người sang người không chỉ còn là nguy cơ mà là điều có thể xảy ra trong ngày một ngày hai.

Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế và chuyên gia thú y, hành vi sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi như vậy sẽ khơi mào cho các loại dịch bệnh mà không loại thuốc nào hiện có có thể điều trị được. Các dịch bệnh kháng thuốc có nguy cơ gây ra thiệt hại kinh tế tương đương - thậm trí còn tồi tệ hơn - cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới WB hồi tháng 9 vừa qua. WB cũng ước tính, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể làm phát sinh chi phí chăm sóc y tế lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm trên khắp toàn cầu.

Xu hướng gia tăng

Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu, xu hướng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi không dễ cho thể ngăn chặn. Cho tới năm 2030, lượng thịt gia súc gia cầm được tiêu thụ trên toàn cầu sẽ lên tới hơn 105 nghìn tấn. Riêng ở Ấn Độ, lượng thịt sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện này. Tại nhiều khu vực, lượng sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi có thể tăng gấp 4 lần trong hơn 10 năm tới.

Không chỉ Ấn Độ, mà tại phần lớn quốc gia đang diễn ra tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh làm chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi. Mức độ sử dụng cũng khác biệt giữa các quốc gia: trong khi hành vi này bị cấm tại châu Âu thì tại Đông Nam Á, đây đã trở thành chuyện thường ngày.

Tuy nhiên, nhìn chung xu hướng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi không có dấu hiệu giảm. Theo ước tính, lượng khánh sinh sử dụng cho mục đích nông nghiệp sẽ tăng tới 67% trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2030. Trước đó, trong giai đoạn từ 2000 đến 2014, lượng kháng sinh sử dụng đã tăng tới 50%.

Không chỉ sử dụng kháng sinh tràn lan, ngành nông nghiệp còn lạm dụng cả những loại kháng sinh đặc biệt quan trong cần bảo vệ.

Theo một cuộc điều tra do hãng tin Bloomberg tiến hành năm ngoái, các trang trại gia cầm cung ứng cho các công ty chế biến sản phẩm thịt hàng đầu của Ấn Độ thường xuyên sử dụng các loại thuốc có trong danh mục “tối quan trọng” của Tổ chức Y tế Thế giới WTO để chống bệnh cho vật nuôi. Điều này dẫn đến nguy cơ các loại kháng sinh này mất hiệu lực, không thể bảo vệ tính mạng cho con người.

Khuyến nghị của WHO

Để đối phó với nguy cơ kháng thuốc, Tổ chức Y tế Thế giới - WHO hồi tháng trước đưa ra bộ hướng dẫn mới, trong đó khuyến cáo các nông dân ngừng thói quen sử dụng kháng sinh để kích thích tăng trưởng và phòng bệnh ở vật nuôi khỏe mạnh.

Đặc biệt, trong trường hợp vật nuôi bị bệnh, WHO khuyến nghị các chính phủ có biện pháp ngăn ngừa ngành nông nghiệp sử dụng các thuốc kháng sinh trong danh mục quan trọng để điều trị. Thay vào đó là các biện pháp cách ly và tịch thu tiêu hủy để chống dịch.

Khuyến nghị của WHO không được lòng ngành sản xuất nông nghiệp do nguy cơ thiệt hại kinh tế mà biện pháp này mang lại. Tuy nhiên, đây là điều tối quan trọng để bảo vệ sức khỏe con người, bởi tình trạng lạm dụng kháng sinh ở động vật đang dẫn tới tình trạng kháng thuốc gần như tuyệt đối ở rất nhiều bệnh nhân, trong sự bất lực của bác sĩ.

Khuyến nghị của WHO được đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Lancet cho thấy, việc hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể làm giảm tình trạng kháng thuốc ở vật nuôi tới 39%.

Theo WHO, việc loại bỏ kháng sinh ra khỏi chuỗi thực phẩm của con người là rất quan trọng, bởi việc nghiên cứu tìm ra các loại kháng sinh mới trong những năm qua đã không đạt nhiều tiến triển.

“Việc thiếu loại kháng sinh hiệu quả cũng là một nguy cơ an ninh nghiêm trọng như các đợt bùng phát dịch bệnh chết người. Mọi ngành liên quan đều cùng phải vào cuộc thì chúng ta mới có thể đảo ngược làm sóng kháng thuốc và bảo vệ cho thế giới,” Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Tuy nhiên, WHO chỉ có vai trò hướng dẫn chứ không có quyền lực áp đặt các khuyến nghị của mình. Việc thực hiện hay không vẫn phải phụ thuộc vào chính phủ các quốc gia. Họ là những người sẽ lựa chọn cách ứng xử thế nào trước một thực tế đang ngày càng trở nên hiện hữu của một thế giới hậu kháng sinh.