"Mỹ nói không, Việt Nam nói có" chuyện thịt gà phá giá, người chăn nuôi điêu đứng
Cập nhật lúc: 05/08/2015, 06:27
Cập nhật lúc: 05/08/2015, 06:27
Theo Hà Nội mới, với giá bán đùi gà chỉ 40.000 đồng/kg, lườn gà giá chỉ 30.000 đồng/kg mua lẻ, thịt gà không rõ nguồn gốc đã len lỏi vào các khu chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội và được không ít người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp.
Trên thị trường, thịt gà bán ở chợ chỉ bằng 1/3 giá thịt lợn, nên dù có lúc cũng băn khoăn về nguồn gốc, chất lượng nhưng cả phòng vẫn thường mua về chế biến thức ăn hằng ngày.
Không chỉ được bán tại chợ dân sinh, thịt gà nhập khẩu cũng có mặt tại nhiều siêu thị ở thành phố với mức giá "phải chăng".
Tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), thịt gà trong nước chiếm tỷ lệ lớn trên các kệ hàng nhưng giá cao gần gấp đôi gà nhập ngoại. Cụ thể, chân gà loại 1 bán với giá 72.900 đồng/kg, đùi gà tháo khớp 68.400 đồng/kg, cánh gà 83.500 đồng/kg (khuyến mãi còn 74.800 đồng/kg), đùi gà C.P có giá 87.900 đồng/kg (khuyến mãi còn 77.900 đồng/kg).
Còn giá gà Mỹ nhập khẩu lại rẻ hơn hẳn. Cụ thể, đùi gà đông lạnh xuất xứ từ Mỹ có giá 48.500 đồng/kg, đùi gà dai có giá 60.900 đồng/kg (khuyến mãi còn 54.500 đồng/kg), riêng đùi gà trống xuất xứ từ Mỹ cũng chỉ gần bằng giá bán của gà trong nước là 69.900 đồng/kg.
Trao đổi PV về những nghi ngại của người tiêu dùng xung quanh giá bán và chất lượng của mặt hàng gà nhập khẩu, đại diện hệ thống siêu thị Big C cho biết, sản phẩm gà nhập khẩu bày bán tại siêu thị có đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, hạn sử dụng và do những đơn vị có uy tín nhập khẩu. Đơn vị này cũng đủ hồ sơ nhập khẩu của cơ quan hải quan và hồ sơ kiểm soát do cơ quan thú y cấp.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, thịt gà xuất xứ từ Mỹ được siêu thị Co.opmart nhập từ Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Lê, một nhà nhập khẩu lớn, có uy tín. Gà nhập khẩu bán tại siêu thị có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, nhãn mác phụ ghi rõ hạn sử dụng, nhà nhập khẩu… hợp lệ.
Tại siêu thị Co.opmart, giá đùi gà xuất xứ từ Mỹ đã quay có giá gần 80.000 đồng/kg (giá khuyến mãi là 60.900 đồng/kg). Theo giải thích của nhà phân phối, sở dĩ có tình trạng giá gà Mỹ nhập khẩu và gà trong nước chênh lệch đáng kể là do một con gà ta đang phải "cõng" nhiều loại phí, làm tăng chi phí sản xuất, đẩy giá tăng cao.
Theo Tiền Phong, là vùng chăn nuôi gà lớn nhất của cả nước với hơn 4 triệu con, nhưng từ đầu năm đến nay, người nuôi gà ở các tỉnh Đông Nam bộ đang điêu đứng vì chăn nuôi lỗ khi không cạnh tranh nổi với giá thịt gà ngoại nhập.
Cũng là chủ trang trại nuôi gà lớn, ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho biết giá gà thịt trong nước xuống quá thấp trong thời gian qua đã làm người nuôi gà lỗ nặng. Nếu như bình thường, một năm nuôi 5 lứa gà thì hiện nay các trại chỉ nuôi cầm chừng 3 lứa/năm.
“Bây giờ chỉ nuôi để chờ thôi, chứ càng nuôi càng lỗ”- ông Quyết nói. Vì sao lỗ vẫn nuôi? Theo ông Quyết thì hiện 3.000 trang trại nuôi gà ở vùng Đông Nam bộ, người chăn nuôi đang nợ ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng nên phải duy trì. Nhưng tình hình này kéo dài thì ngành chăn nuôi gà sẽ chết.
Nguyên nhân về tình trạng này, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ là giá gà ngoại nhập với 70% từ Mỹ về Việt Nam được bán quá rẻ 20 nghìn đồng/kg. Một con số được hiệp hội này đưa ra cho thấy năm 2014, Việt Nam nhập khẩu hơn 80 ngàn tấn gà thịt, giá dao động từ 1,2-2,2 USD/kg, thì chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay, lượng gà nhập đã là 50 ngàn tấn với giá chỉ còn 0,65-1 USD/kg.
Giá gà nhập càng rẻ thì sản lượng nhập khẩu càng tăng. Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ đặt nghi vấn thịt gà ngoại đang được bán phá giá tại Việt Nam.
Cơ sở này đã được Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ thực hiện khảo sát tại thị trường Mỹ cho thấy giá gà thịt được bán với khoảng 200 ngàn đồng, đùi gà khoảng 70 - 80 ngàn đồng. Trong khi nhập về Việt Nam, giá gà nguyên con chỉ khoảng 90 ngàn đồng/kg, đùi gà 20 ngàn đồng/kg.
Ông Quyết khẳng định, không thể có giá rẻ đến mức vô lý như vậy được và đặt nghi vấn gà nhập đang bán phá giá vào Việt Nam hoặc là nguồn gà cận date, gà nhập về từ vùng dịch bệnh. “Nếu điều này xảy ra thì hết sức nguy hiểm cho ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người tiêu dùng”- ông Quyết cho hay.
Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, dù lợi thế hơn Việt Nam một chút về thức ăn, nhưng nếu giá thịt gà Mỹ chỉ bán 20 nghìn đồng/kg là chuyện không thể.
“Chẳng hạn Cty CP Chăn nuôi CP. Việt Nam là doanh nghiệp chăn nuôi rất lớn nhưng giá thành gà hơi công ty này cũng tới 29-30 nghìn đồng/kg. Nếu giá thịt gà Mỹ chỉ 20 nghìn đồng/kg thì sẽ biết chúng ta cạnh tranh thế nào”- ông Chinh nói.
Về ý kiến nói người Mỹ chỉ lấy ức gà, còn phần dùi, cánh, chân họ bán “rẻ như cho”. ông Chính cho rằng: “Nếu đúng rẻ thì người dân được hưởng, nhưng quan trọng là cơ quan chức năng Việt Nam phải khẳng định được nó chất lượng thế nào. Ở châu Âu, họ bán lườn gà giá cao gấp 9 -10 lần cánh gà, họ thu đủ từ lườn gà thì cánh bán rẻ đi”.
Thực tế, từ đầu tháng 5/2015, Bộ NN&PTNT đã tạm dừng nhập thịt gà từ Mỹ do có dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, gà Mỹ giá rẻ hiện vẫn bán tràn lan nhiều nơi. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết: “Nếu có hợp đồng ký trước tháng 5 họ vẫn tiếp tục thực hiện. Mặt khác, ở Việt Nam không phải lúc nào cũng kiểm soát chặt được tạm nhập tái xuất”.
Theo ông Chinh, vài năm trước, khi gà loại thải được nhập nhiều về từ Hàn Quốc, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với các loại thịt nhập khẩu nằm trong thông tư 25. Hàng rào dựng lên chủ yếu liên quan đến an toàn thực phẩm, về vi sinh vật, chất cấm…
Thực tế, các lô hàng nguồn gốc chăn nuôi nhập khẩu về, đều có đáp ứng kiểm dịch, lấy mẫu phân tích trước khi cho nhập khẩu. Nghĩa là nếu hàng vào siêu thị, thì đều đáp ứng được các tiêu chuẩn.
Từ việc khảo sát giá tại thị trường Mỹ, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho biết, sẽ khởi kiện chống bán phá giá với thịt gà Mỹ, vì gây thiệt hại lớn ngành chăn nuôi gia cầm trong nước, đặc biệt là vùng Đông Nam bộ.
Theo ông Lê Sỹ Giảng, nguyên Phó Trưởng phòng Điều tra Phòng vệ thương mại (Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương), nếu so sánh giá, phải so sánh giá bán thịt gà tại Việt Nam và giá bán ở Mỹ và cùng cấp độ, chẳng hạn như giá khi xuất xưởng, hay giá bán buôn cấp 1.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ nêu được hiện tượng trên là điều kiện rất tốt, còn cụ thể, phải điều tra mới rõ và đây là trách nhiệm của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, theo ông Giảng, khi chuẩn bị hồ sơ, theo quy định, người đứng đơn kiện đó (và người ủng hộ kiện), phải có tỷ lệ đại diện nhất định (chiếm thị phần ít nhất 25% trong ngành).
Khi phân tích thiệt hại, phải nói trên góc độ cả ngành, để tính toán, chứ không đơn lẻ. “Bản thân đơn kiện không bao giờ chuẩn xác 100%, nhưng phải có tính đại diện để chứng minh người ta đang bán phá giá”- ông Giảng nói.
Là người tham gia nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, ông Giảng khuyên các doanh nghiệp, hiệp hội, ngoài các dữ liệu chứng cứ từ các thành viên hiệp hội, cần kèm theo các báo cáo, đánh giá chính thức khác. Đồng thời sử dụng các thông tin đáng tin cậy, sẵn có như các thông tin trên tạp chí, hoặc trang web chuyên ngành từ Mỹ để tham khảo thêm./.
Trước đó, vào ngày 27/9/2009, Bộ Thương mại Trung Quốc đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp thịt gà nhập từ Mỹ. Sau đó, Trung Quốc quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 50,3-53,4% đối với một số sản phẩm gà nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 26/9/2010 đối với những doanh nghiệp Mỹ tham gia trả lời các câu hỏi điều tra, và mức 105,4% cho tất cả doanh nghiệp còn lại. Trung Quốc cũng áp thuế chống trợ cấp từ 4-12,5% cho những doanh nghiệp Mỹ tham gia điều tra, và mức 30,3% cho những doanh nghiệp còn lại, từ ngày 30-8-2010. Việc này đã làm giảm 80% lượng gà nhập khẩu (loại gà bị áp thuế phạt) từ Mỹ vào Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó, vào tháng 9/2011, Mỹ đã gửi khiếu nại lên WTO. Sau phán quyết của WTO đưa ra vào năm 2013, Trung Quốc vào tháng 8-2014 cho biết hạ mức thuế chống bán phá giá đối với gà nhập khẩu từ Mỹ xuống còn 46,6% - 73,8% và thuế chống trợ cấp xuống còn 4% - 4,2%. |