19/01/2025 | 10:18 GMT+7, Hà Nội

Mừng hay lo khi “mâm cơm người Việt” lại có cá tra

Cập nhật lúc: 11/06/2020, 19:00

Người đứng đầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp khẳng định: "Không phải vì xuất khẩu cá tra khó khăn mà quay trở về thị trường nội địa”. Vậy, người tiêu dùng trong nước nên mừng khi “mâm cơm người Việt” lại có cá tra?

Cá tra “quay đầu” về thị trường nội địa

Dịch Covid-19 không chỉ gây tác động đến nền kinh tế toàn cầu mà còn chi phối cả nhu cầu tiêu dùng của cả thị trường. Suốt cả thập kỷ qua, xuất khẩu cá tra vốn được xem là ngành kinh tế "tỷ đô" của Việt Nam, vì thế bữa cơm có cá tra chỉ là giấc mơ của đại đa số người dân.

Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trước đây vốn “cưỡi sóng vượt gió” để chinh chiến những nấc thang của ngành kinh tế “tỷ đô”, giờ đây lại phải chật vật, xoay xở để để duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, mới đây những cơ quan đầu ngành sản xuất cá tra đang phải bàn với nhau làm thế nào để đưa cá tra “quay đầu” về thị trường nội địa.

Cụ thể ngày 9/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sự kiện “Kết nối sản xuất, tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra”. Sự kiện mở đầu cho Phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020 nhằm giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa.

Theo Bộ trưởng Cường nhận định, đây chỉ là bước đầu, tiếp tới còn phải kiên trì vận động tuyên truyền người tiêu dùng biết đến được sản phẩm cá tra đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp qua đó hình thành thói quen tiêu dùng cá tra đối với người dân.

Trước đó, Bộ trưởng Cường, cũng đã đưa ra giải pháp, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan mời những tập đoàn bán lẻ lớn ở Việt Nam ngồi lại, cùng nhau bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa; chỉ cần nội địa tiêu thụ được 10%-20% sản lượng cá tra thì sẽ giảm áp lực cho xuất khẩu. 

Theo Tổng cục Thủy sản, nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 48%; EU giảm 47,3%; Mỹ giảm 19,8%...

Sự sụt giảm quá nhanh khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phụ thuộc vào những thị trường này gặp khó khăn; từ đó tác động tới giá cá tra nguyên liệu bị “lao dốc”.

Không khỏi lo lắng, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, giá cá tra nguyên liệu đã sụt giảm từ giữa năm 2019 kéo dài đến hôm nay, khiến người nuôi lỗ 3.000 - 5.000 đồng/kg; vì vậy có rất nhiều hộ đã “treo ao” bởi không còn khả năng cầm cự.

Bên cạnh đó là tình hình dịch Covid-19 ở nhiều nước còn phức tạp nên sản lượng xuất khẩu không thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp chế biến đang “ôm” lượng lớn cá tra tồn kho mà chưa thể xuất được. Có doanh nghiệp đã đầy kho và không còn nơi chứa cá tra buộc phải cấp tốc xây kho mới, nhưng nguồn vốn thiếu hụt…”.

Như vậy, mục tiêu của sự kiện “Kết nối sản xuất, tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra”, nhằm giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa dường như đang gửi đến người tiêu dùng trong nước thông điệp đã đến lúc người Việt phải “giải cứu cá tra”?

Chứ không phải như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường khẳng định, "Không phải vì xuất khẩu cá tra khó khăn mà quay trở về thị trường nội địa. Ngoài xuất khẩu, chúng ta phải coi trọng phát triển thị trường trong nước. Nếu khai thác được thị trường 100 triệu dân thì tiêu thụ tăng và kích thích sản xuất".

Các chuyên gia đầu ngành cũng dự báo, từ quý III/2020 ngành hàng cá tra mới có khả năng phục hồi hoàn toàn. Chính vì vậy, để có thể khắc phục những khó khăn trước mắt hiện nay bằng cách hướng cá tra “quay đầu” về thị trường nội địa.

Ngành kinh tế tỷ đô bị "treo ao"

Cách đây một tháng, Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản từng nhận định, ngành hàng cá tra Việt Nam tự hào trở thành ngành kinh tế tỷ đô khi đã xuất khẩu đi 119 nước trên thế giới.

Cùng với đó, cuối năm 2019, việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công nhận chính thức hệ thống kiếm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá và cá da trơn của Việt Nam. Đồng nghĩa việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn không chỉ với Hoa Kỳ mà còn các thị trường khác.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó mặt hàng cá tra bị đình trệ.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước đạt 462 nghìn tấn (giảm 6,3% so với cùng kỳ 2019); xuất khẩu chỉ đạt 456 triệu USD (giảm 39,1% so với cùng kỳ năm 2019).

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020, ngành hàng cá tra phấn đấu sản lượng nuôi dự kiến đạt 1,42 triệu tấn; diện tích nuôi lũy kế dự kiến đạt 6.600 ha; giá trị xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên toàn cầu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 đạt 2,4% thay vì như dự kiến ban đầu là 2,9%.

Đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009. OECD cũng cảnh báo nếu như dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp hơn, nhiều nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái.

Ở phía doanh nghiệp, ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Việt tiết lộ: “Ngành cá tra đang trong giai đoạn khó từ trong nước lẫn xuất khẩu, nhưng công ty vẫn nỗ lực duy trì sản xuất nhằm giải quyết việc làm cho hàng ngàn công nhân, không để ai nghỉ việc. Tuy nhiên, nếu thị trường xuất khẩu còn ảm đạm kéo dài thì nhiều doanh nghiệp sẽ đuối sức”.

Thực tế, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm sâu và kéo dài từ hơn một năm nay còn những tháng đầu năm 2020 ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Hiện cá tra vẫn ở mức 17.000-18.800 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 3.500 đồng/kg trở lên. Còn cá tra giống (loại 30 con/kg) vẫn ở mức 21.000-22.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất khoảng 30.000 đồng/kg...

Như vậy, những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trước đây vốn “cưỡi sóng vượt gió” để chinh chiến những nấc thang của ngành kinh tế “tỷ đô”, giờ đây lại phải chật vật, xoay xở để để duy trì hoạt động với sợ dây thòng lọng "treo ao".