22/01/2025 | 14:51 GMT+7, Hà Nội

Mũi Né phấn đấu trở thành điểm đến hàng đầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Cập nhật lúc: 31/12/2018, 14:00

Mũi Né sẽ tập trung ưu tiên thu hút phân khúc có mức chi tiêu cao đến từ các đô thị lớn và ưa thích các sản phẩm du lịch biển như nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển, thể thao biển.

Mũi Né phấn đấu trở thành điểm đến hàng đầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Mũi Né phấn đấu trở thành điểm đến hàng đầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Mới đây, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1772/QĐ-TTg.

Mục tiêu chung của Quy hoạch là tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Khu du lịch Mũi Né trở thành một điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, Khu DLQG Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Mũi Né phấn đấu năm 2025 đón khoảng 9,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 1,5 triệu lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 14 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 2,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành): Năm 2025 đạt khoảng 24 nghìn tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Tạo việc làm cho khoảng 24.000 lao động trực tiếp vào năm 2025 và trên 45.000 người vào năm 2030.

Quy hoạch xác định rõ các định hướng phát triển chủ yếu. Về phát triển thị trường khách du lịch, từ nay đến 2025 tiếp tục duy trì và mở rộng thị phần tại các thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống như Nga và các nước Đông Âu, Châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Âu và khu vực Đông Nam Á. Từng bước tiếp cận và chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp đến từ Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đối với thị trường khách du lịch trong nước, tập trung ưu tiên thu hút phân khúc có mức chi tiêu cao đến từ các đô thị lớn và ưa thích các sản phẩm du lịch biển như nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển, thể thao biển.

Về phát triển sản phẩm du lịch, Quy hoạch xác định các sản phẩm chủ đạo của Khu DLQG Mũi Né gồm các sản phẩm du lịch biển (tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển và thể thao biển); các sản phẩm du lịch sinh thái chuyên đề khai thác đặc trưng cảnh quan và địa hình "cát" (du lịch tham quan, khám phá cảnh quan và hệ sinh thái đồi cát, thể thao trên địa hình cát).

Ngoài ra, Mũi Né cũng sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch quan trọng như: Các sản phẩm du lịch khai thác đặc trưng văn hóa địa phương (tham quan các di tích lịch sử văn hóa, trải nghiệm, nghiên cứu văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa Chăm và lễ hội cổ truyền của cư dân bản địa); các sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng (du lịch nghỉ dưỡng tại nhà dân, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch làng chài); các sản phẩm du lịch gắn với đô thị (các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch; các hoạt động nghệ thuật đường phố)./.