24/11/2024 | 10:52 GMT+7, Hà Nội

Mục sở thị "gia tài khổng lồ" của người đàn ông lập 4 kỷ lục Guinness Việt Nam

Cập nhật lúc: 31/10/2019, 10:30

Trải qua quá dài tự học hỏi, liên tiếp gặp thất bại, với đôi bàn tay tài hoa cùng với sự đam mê, ý chí kiên cường, nghệ nhân đúc đồng đã thổi hồn, làm sống lại nghề cổ truyền.

Ông đã xác lập thành công 4 kỷ lục Guinness Việt Nam về đúc đồng truyền thống.

Sinh ra, lớn lên trong gia đình có nghề gia truyền đúc đồ dân dụng bằng đồng nhưng nghệ nhân Nguyễn Bá Châu (SN 1962) tại Làng Chè – Trà Đông, Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa cũng đã nếm rất nhiều mùi thất bại trước khi ghi tên mình vào sách kỷ lục.

Danh tiếng và những sản phẩm thủ công do chính tay ông chế tác nay như một sự tri ân đối với tổ tiên đã khai sinh và truyền nghề cho mình.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu tự học, tìm hiểu các kỹ thuật đúc trống

Ngay từ những ngày nhỏ, ông Châu đã theo cha phụ giúp những việc lặt vặt. Tình yêu nghề nhen nhóm ngay từ những ngày ông còn ấu thơ. Kỷ niệm không thể nào quên khiến ông gắn bó với nghề đến tận bây giờ là thời điểm những năm 1970, sau 1 năm Bác Hồ qua đời, cha ông là cụ Nguyễn Bá Xuân – lúc đó là chủ nhiệm HTX đúc đồng của xã được mệnh lệnh đúc pho tượng đồng Bác Hồ theo mẫu do nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ tạc bằng đất. 

Ông Châu tự hào vì đó là pho tượng đồng về Bác đầu tiên, nặng tới 470kg do bố ông vừa chỉ đạo, vừa làm cùng nhóm thợ.

Ông luôn luôn tỉ mẩn trong từng đường nét nhỏ

Gặp ông khi lò đúc đang đỏ lửa, trước mắt chúng tôi, ông Châu mặt mũi lem luốc, tay chỉ vào những công nhân hướng dẫn kỹ thuật. Ông Châu bảo đang có một đơn đặt hàng mới phải gấp rút hoàn thành. 

Tranh thủ phút rảnh tay, ông bảo: "Cái nghề gia truyền tuy vất nhưng mà mỗi sản phẩm ra đời là một thành quả, một niềm vui đối với những người thợ, người nghệ nhân như tôi".

Mỗi sản phẩm ra lò chứa đựng bao tâm huyết

Nói về nghề đúc đồng, ông Châu cho biết: "Đây là nghề truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, sản phẩm truyền thống của làng lại không phải trống đồng mà là những vật dụng trong sinh hoạt thường ngày. Sau này, theo thị hiếu, thị trường mà đúc trống và các sản phẩm theo yêu cầu".

Bản thân ông được tiếp truyền từ đời cha ông. Một thời gian dài, nghề đúc bị mai một do nhu cầu cũng như thị trường, số hộ trong làng theo nghề rất ít, ông cũng phải từng bỏ nghề để theo nghề mộc mưu sinh. Thời điểm những năm 1998 – 2000, ông Châu quyết định trở lại với nghề. Sự trở lại đầy khó khăn khi kinh tế hạn hẹp, những vật dụng, lò đúc không còn. Sản phẩm mới, kỹ năng chưa có, thị trường cũng không…

Giấy chứng nhận kỷ lục Guinness, giấy khen... là thành quả của hơn nửa thế kỷ phấn đấu lao động không ngừng nghỉ

Sau 2 năm nghiên cứu tìm tòi, thử nghiệm với nhiều lần thất bại. Trời cũng không phụ lòng người, cuối cùng thành quả đầu tiên là chiếc trống đồng Ngọc Lũ đã đến với ông. Cũng kể từ đó, những sản phẩm đồng đúc ngày càng nhiều, kỹ thuật ngày càng điêu luyện, tiếng thơm vang xa. Để phát triển nghề tổ truyền, ông đã trực tiếp mở thêm những lớp dạy nghề đúc đồng bằng phương pháp truyền thống cho người dân trong làng. Mỗi khóa học thu hút hàng trăm học viên trong làng ngoài xã.

Nói về 4 kỷ lục Guinness và 1 kỷ lục đang đề nghị xác lập. Ông Châu tự hào kể: "Tác phẩm đầu tiên là chiếc trống đồng Ngọc Lũ lớn nhất Việt Nam được đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống. Trống đồng kỷ lục này cao 1,6m, rộng 2,4m hiện đang trưng bày tại khu dã ngoại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai".

Những sản phẩm tinh xảo thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân Châu

Sau kỷ lục chiếc trống đồng Ngọc Lũ lớn nhất Việt Nam là Đôi tượng thần đèn ngồi quỳ và chiếc trống đồng hai mặt đánh kêu như trống da đã được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam. Hai hiện vật này đang được lưu giữ tại chùa Đông Sơn và Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng. Cũng chính ông là người đã đúc thành công trống đồng đánh kêu như trống da hiện đang đặt tại đền mẹ Âu Cơ, đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Kỷ lục thứ 4 là đúc 1.000 pho tượng mẹ Âu Cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách của 21 nền kinh tế đến dự Hội nghị Cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng hồi tháng 11/2017. Ông chính thức xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam khi là người thực hiện đúc tượng Mẹ làm quà tặng Hội nghị cấp cao APEC với số lượng nhiều nhất.

Để sản phẩm đến được với đông đảo khách hàng trong ngoài nước, ghi danh thương hiệu, năm 2008, ông bắt đầu thành lập công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm đúc đồng. Hiện tại, ngoài trống đồng, ông còn sản xuất những sản phẩm tinh xảo như tượng phật, tượng chân dung, lư hương… xuất đi thị trường trong và ngoài nước.

Trống đồng, sản phẩm ông tâm huyết, ông luôn đau đáu nỗi miền thổi hồn để kỹ thuật ngày càng tinh xảo

Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn nhất ông Châu chia sẻ: "Khi quyết quay lại phục dựng nghề đúc đồng lúc đó gia đình tôi rất khó khăn. Cái khó nhất là không có nơi nào để học hỏi. Tôi tự mày mò mua sách, tìm hiểu các kiểu trống đặt tại những bảo tàng trong nước. Về nhà 1 mình bắt tay vào làm, để có những hoa văn tinh xảo, tiếng kêu của trống đồng như trống da…lúc đầu thất bại rất nhiều. Tuy nhiên, tất cả mọi người trong gia đình đều ủng hộ, tôi phải bán xe đạp, bán của hồi môn lúc cưới vợ để đầu tư mua sắm trang thiết bị".

Giữa khói bụi, than lửa, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu vẫn nhẫn nại, tỉ mẩn khắc từng nét hoa văn lên khuôn đúc. Ông khiến người quan sát liên tưởng đến hình ảnh người nghệ sĩ tài hoa, đang thu lại để chạm lên từng món đồ đồng mọi vẻ đẹp của đất, của người.