Giá thịt gà thấp kỷ lục, người chăn nuôi thua lỗ nặng
Cập nhật lúc: 19/09/2019, 06:00
Cập nhật lúc: 19/09/2019, 06:00
Giá gà các loại tại khu vực Đông Nam Bộ có dấu hiệu sụt giảm. Hiện tại, giá gà lông trắng chỉ còn 12.000 đồng/kg, rẻ hơn cả giá rau ngoài chợ. Trong khi, giá gà lương phượng dịp này giá cũng chỉ còn 30.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu năm 2019, cũng là mức giá thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây với người nuôi gà lông trắng.
Người nuôi gà công nghiệp tại Đồng Nai đang lỗ nặng khi giá gà hơi bán ra chỉ khoảng 11.000-13.000 đồng một kg, thậm chí còn thấp hơn giá một số loại rau. Đây cũng là tình cảnh chung của ngành nuôi gà công nghiệp khu vực phía Nam kể từ đầu năm đến nay.
Với mức giá nguyên liệu thức ăn như trong thời gian qua, giá thành nuôi gà công nghiệp hiện ở mức 23.000 đồng/kg nên mỗi con gà bán ra người nuôi đang phải chịu lỗ khoảng 10.000 đồng mỗi kg.
Giá thịt gà đang ở mức thấp kỷ lục |
Lãnh đạo một doanh nghiệp chăn nuôi ở Đồng Nai cho biết, cứ 15.000 con gà xuất chuồng là doanh nghiệp lỗ 600 triệu đồng. Do đó, thời điểm này họ buộc phải giảm đàn và tìm các kênh phân phối hợp lý để tăng giá bán, bù lỗ khi giá gà thấp.
Vị này cũng cho biết thêm, cùng với gà công nghiệp, gà tam hoàng, gà ta, gà lai Đông Tảo đang rớt giá mạnh khiến người chăn nuôi lao đao. Nguyên nhân là nguồn cung trong nước dồi dào, cộng thêm nguồn hàng nhập khẩu gia tăng khiến giá lao dốc mạnh.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), giai đoạn từ 2016-2018, mỗi năm bình quân nước ta chỉ nhập khẩu khoảng 85-128 ngàn tấn thịt gia cầm với kim ngạch nhập khẩu từ 80-116 triệu USD/năm. Song, riêng 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập 87,8 ngàn tấn với kim ngạch nhập khẩu là 78,6 triệu USD. Trong khi giá gà nhập khẩu về Việt Nam chỉ 18.000 đồng/kg, cạnh tranh với thịt gà nội địa.
Bên cạnh đó, giá trứng và thịt gà trong thời gian qua ở mức thấp do dịch tả lợn châu Phi khiến người chăn nuôi lợn chuyển sang nuôi gà, vịt thay thế dẫn đến nguồn cung ngày một tăng. Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, tổng đàn gia cầm của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Ở những vùng chăn nuôi lớn, số lượng đàn gà tăng đột biến.
Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn bị tiêu hủy lên tới con số vài triệu con dẫn tới lo ngại thiếu nguồn cung vào cuối năm, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường từng cảnh báo nếu biện pháp tổ chức chỉ đạo sản xuất không tốt, cuối năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn.
Vì vậy, ông Cường yêu cầu phải tập trung phát triển những nhóm thực phẩm khác để bù đắp lại như nuôi gia cầm, đại gia súc, thủy sản trên nguyên tắc phát triển theo chuỗi, đảm bảo an toàn sinh học.
Song, ông cũng cảnh báo, việc phát triển các nhóm thực phẩm khác thay thế, bù đắp cho việc thiếu thịt lợn là cần thiết, nhưng khi làm cần chú ý đến cả thị trường, tránh tình trạng hạng sản xuất ra không bán được, giá lại rẻ.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, tổng đàn gia cầm tại khu vực Đồng Nai tăng đột biến do người nuôi lợn bỏ sang nuôi gia cầm. Riêng đàn gà đã đạt tới 28 triệu con, tăng gần 6 triệu con so với thời điểm cuối năm ngoái.
11:43, 18/09/2019
07:20, 18/09/2019
06:40, 18/09/2019