10/01/2025 | 21:46 GMT+7, Hà Nội

Mùa nhót

Cập nhật lúc: 25/03/2019, 12:26

Mỗi năm, cứ vào dịp cuối xuân, đầu hè, khi tiết trời bắt đầu chuyển sang ấm nóng là khi ấy trên phố xuất hiện những gánh hàng nhót đỏ au, căng mọng, đó là món quà vặt của biết bao cô cậu học trò, như lời tạm biệt mùa xuân để chào mùa hè sôi động, thứ trái cây dân dã, quen thuộc ấy cũng gợi nhớ trong tôi biết bao kỷ niệm ấu thơ…

Thuở ấy, xa xưa lắm, khi tôi chưa phải đèn sách nhiều, chỉ tối ngày mải mê chơi với lũ con nít nhà hàng xóm, nhà tôi có hàng nhót sai, đến mùa lại trĩu quả. Hai nhà liền kề, không xây tường bao bằng gạch đá, xi măng mà lấy luôn giàn nhót làm rào chắn. Vén lùm cây, tán lá là có thể trông sang nhà nhau.

Nhót là loài cây dẻo dai, thân cây mảnh dẻ, mọc thành giàn. Người dân quê tôi hay trồng nhót ở vườn cây, hay trước sân nhà. Nghĩ cũng lạ, chịu bao lạnh giá của mùa đông, cây nhót vẫn dẻo dai chờ đợi mùa xuân đến để đâm trồi, nảy lộc. Hoa nhót nhỏ, cánh trắng mịn như hoa giấy, được gió xuân mơn trớn, nắng xuân sưởi ấm, đung đưa trong tiết trời dịu nhẹ. Khi hoa héo, những cánh hoa nhỏ bắt đầu rụng xuống, từ những đài hoa, những quả nhót xanh non, nhỏ xinh bắt đầu nhú, được nuôi dưỡng ngày một to dần. Đến thì, quả to, ngả chín, những chùm quả xanh nhạt màu mgọc bích chuyển sang vàng tươi màu nắng xuân, rồi chín mọng, đỏ thắm màu hồng tiết. Chỉ khoảng 2 tuần, trái nhót đã khoác màu áo mới trong sự háo hức, ngỡ ngàng của lũ trẻ.

mua nhot
 

Vườn nhót của nhà sai lúc lỉu những quả là quả. Nhất là khi chúng rủ nhau đồng loạt thay áo mới thì màu đỏ của cả giàn nhót lấn át cả màu xanh của lá cây. Trái nhót không giống như những trái cây khác, gọt vỏ là có thể ăn mà mất công hơn một chút. Cầm quả nhót chín, xoe tròn trong lòng bàn tay, chùi lớp phấn trắng li ti bên ngoài vào quần, hoặc vào áo mới có thể ăn được. Mà phải chọn quần, áo hay miếng vải có độ thô, ráp càng nhiều thì phấn nhót càng nhanh sạch. Lũ trẻ chúng tôi, ngày ấy háu ăn, rõ là có cả một giàn sai trĩu quả, nhưng đầu mùa để thỏa cơn thèm là lau chùi qua loa rồi bỏ tọt vào miệng. Cái vị chua chua, ngòn ngọt lại chan chán làm tê dại nơi đầu lưỡi, lan xuống cuống họng, nhất là khi được chấm với chút muối gia vị cay cay thì đúng là không thể quên được.

Mùa nhót của chúng tôi ngày ấy là những buổi chiều đi học về, ngồi quây tròn lại với nhau, chấm mút thứ gia vị chua cay, mặn ngọt với đủ thứ chuyện con nít. Trong xóm chỉ có nhà tôi là có giàn nhót to và ngon nhất. Mỗi mùa sai quả, mẹ sai tôi canh chừng những trái chín nhất, trảy xuống, biếu mỗi nhà một đĩa con con. Một phần mẹ mang ra chợ bán kiếm đồng quà, tấm bánh. Thích nhất vẫn là cảm giác được rủ lũ bạn thân về nhà oanh tạc vườn nhót của mẹ. Màu đỏ cảm tươi rói, căng mọng của những trái chín nhất được tụi trẻ con chúng tôi khám phá trong những tán lá xanh xum xuê như trò chơi trốn tìm.

Cây nhót năm nào, đã phải chặt đi để lấy chỗ sửa sang lại cái nhà cho anh trai tôi lấy vợ. Tiếc lắm, nhớ lắm một bầu trời tuổi thơ. Vô tình nghe lại câu thơ của nhà thơ Tế Hanh lại càng thêm nhớ:

“Vườn nhỏ nhà em có của chua
Một hôm anh đến hỏi bông đùa
Mùa xuân đã đến rồi em đó
Cây nhót nhà em có quả chưa”

Giữa lòng phố xá náo nhiệt hôm nay, trên những xe thồ, các thúng, các mẹt, trên đôi quang gánh đủng đẳng của các bà các mẹ lên lỏi khắp các ngõ nhỏ, phố nhỏ thân quen, tôi vẫn bắt gặp màu đỏ căng mong và lớp bụi phấn li ti vượt thời gian ấy gợi nhớ những kỷ niệm ấu thơ.

Mai Linh