23/11/2024 | 12:47 GMT+7, Hà Nội

Mưa nhiều, thận trọng với loại côn trùng có nọc độc gấp 15 lần rắn

Cập nhật lúc: 04/10/2019, 17:30

Theo các bác sĩ, từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch là thời điểm kiến ba khoang phát triển mạnh và có nguy cơ “tấn công” con người.

Gặp họa vì kiến ba khoang

Vài ngày trước, bé An (3 tuổi, sống tại Hà Đông, Hà Nội) được bố mẹ đưa đến phòng khám da liễu trong tình trạng mặt, cổ, cánh tay, đùi có nhiều vết đỏ. Theo lời chị Hoài – mẹ bé, trong lúc ngồi nghịch đồ chơi ở khu vực sân trước nhà, chị bỗng thấy con gái kêu đau rát rồi liên tục lấy tay gãi lên mặt, cổ và chân tay.

Chị đã dùng khăn sạch để lau cho con nhưng đến tối, các vết gãi bị mẩn đỏ, bề mặt da có bọng nước, bé kêu khóc vì đau. Đưa con đi khám, các bác sĩ cho biết, con chị bị viêm da tiếp xúc do nọc độc của kiến ba khoang.

Tương tự, cách đây một tuần, Quỳnh Trang (21 tuổi, thuê trọ tại Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thấy vùng cổ xuất hiện một vệt đỏ đau rát. Nghĩ bị giời leo, Trang vội dùng kem đánh răng thoa vào với hy vọng chúng nhanh dịu lại. Nào ngờ, đến ngày hôm sau, vết mẩn lan rộng và có mủ trắng.

Kiến ba khoang chứa độc tố gấp nhiều lần rắn hổ. Ảnh TL

Ra hiệu thuốc gần nơi trọ, cô sinh viên trẻ cũng được bán cho thuốc bôi và uống để điều trị giời leo (hay còn gọi là zona). Tuy nhiên, càng bôi vết loét càng lan rộng, uống thuốc cũng không khỏi.

Cuối cùng, Trang đành đi khám thì được chẩn đoán viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đốt. Các loại thuốc uống và bôi trước đó đều không có tác dụng điều trị bệnh này mà còn khiến vết thương trầm trọng thêm.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kiến ba khoang là loại côn trùng có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển.

Theo đó, từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch là thời điểm kiến ba khoang phát triển mạnh và có nguy cơ "tấn công" con người. Hàng năm, tại các bệnh viện, thời điểm này, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang cũng tăng lên.

Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận vài chục bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây ra. Trong đó, bệnh nhân rải rác ở mọi lứa tuổi. 

Nhiều người dễ nhầm với bệnh zona

BS Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, thông thường, khi tiếp xúc với dịch độc của kiến ba khoang, nếu tổn thương nhẹ, người bệnh có thể ổn định sau 5-7 ngày.

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường gây bỏng rát theo vệt. Ảnh: TL

Tuy nhiên, nếu người bệnh điều trị không đúng (dùng sai thuốc, đắp các loại lá cây vào vết thương) sẽ khiến vùng da bị tổn thương có nguy cơ bị nhiễm trùng, loét, lan rộng sang các vị trí khác, đặc biệt nguy hiểm khi vết thương ở những vùng như mắt, bộ phận sinh dục... 

Theo BS Giang, rất nhiều trường hợp bị viêm da do kiến ba khoang nhưng lại nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh zona, dẫn đến điều trị sai cách và gây nguy hại đến sức khỏe.

Về dấu hiệu phân biệt giữa hai bệnh, BS Giang cho biết, đối với bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, tổn thương đầu tiên người bệnh dễ thấy là cảm giác nóng rát, sau đó hình thành các vệt đỏ (bên trên bề mặt có thể có mụn nước). Nếu bệnh nhân gãi, chà xát, tổn thương sẽ lan sang các vùng khác.

Còn với bệnh zona, điển hình là các mụn nước sẽ mọc theo từng chùm, khu trú ở nhiều vị trí trên cơ thể. Trước đó, bệnh nhân có thể bị sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể. Bệnh hay gặp ở những người có sức khỏe yếu, bị suy nhược cơ thể, sức đề khác kém…

"Người bệnh bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang sẽ thấy nóng rát tại vị trí tổn thương hơn là cảm giác đau nhức của bệnh zona", BS Giang thông tin.

Làm gì khi bị kiến ba khoang đốt?

Theo BS Giang, nếu chẳng may dính nọc độc của kiến ba khoang, người dân nên dùng nước muối sinh lý để rửa vết thương hoặc đưa vị trí tổn thương dưới vòi nước đang chảy để loại bỏ bớt nồng độ của độc tố. Bên cạnh đó, cũng có thể dùng xà phòng, cồn để rửa vết thương. Sau đó, đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

Để tránh độc tố của kiến ba khoang gây tổn thương cơ thể, theo các chuyên gia, nếu phát hiện có kiến ba khoang đang bò trên da hay ở dưới mặt đất, tuyệt đối không dùng tay, chân đập kiến vì sẽ khiến dịch độc của kiến dính vào da gây tổn thương.

Trường hợp này nên đuổi kiến khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò vào và lấy ra khỏi người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang nên đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm để lót.

Đề phòng ngừa kiến ba khoang, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân nên:

- Hạn chế mở cửa buổi tối khi thắp đèn. Làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng...

- Ngủ trong màn.

- Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng.

- Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ.

- Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

- Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng.

- Có thể xử lý diệt kiến bằng phun thuốc ở những vị trí mà kiến hay tập trung gần người.