19/01/2025 | 16:15 GMT+7, Hà Nội

Mùa lạnh, những thời điểm nên hạn chế bổ sung nước

Cập nhật lúc: 07/01/2019, 07:45

Vào mùa đông cơ thể chỉ cần mất đi 5% nước mà không được bổ sung kịp thời thì da sẽ bị nhăn nheo, trao đổi chất bị ngưng trệ, thậm chí còn phát sinh nhiều bệnh tật nghiêm trọng…

Trong những ngày trời lạnh, thật khó xác định ai đó đang thực sự đổ mồ hôi hay không vì không khí lạnh hơn và khô khiến mồ hôi bốc hơi với tốc độ nhanh hơn.

Những người vận động ngoài trời trong thời tiết lạnh cần đặc biệt nắm rõ cần uống hay không uống bao nhiêu nước vì vận động khi thời tiết lạnh dễ dẫn đến một phản ứng nội tiết tố là thận hoạt động mạnh hơn, đi tiểu nhiều hơn để kéo chất lỏng dư thừa nhằm cân bằng huyết áp. Bạn có thể không khát, nhưng điều quan trọng là vẫn phải chú ý đến lượng nước tiêu thụ trong thời tiết lạnh hơn.

Nước lã đun sôi là loại nước giải khát tốt nhất. Ảnh minh họa

Nước lã đun sôi là loại nước giải khát tốt nhất. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, vào mùa đông cơ thể chỉ cần mất đi 5% nước mà không được bổ sung kịp thời thì da sẽ bị nhăn nheo, cơ bắp cũng mềm yếu, trao đổi chất bị ngưng trệ, con người có cảm giác mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, váng đầu, thậm chí còn phát sinh rất nhiều bệnh tật nghiêm trọng khác.

Chính vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, để duy trì cân bằng nước trong cơ thể, mùa đông vẫn cần phải uống nhiều nước. Với người lớn mỗi ngày cần uống ít nhất 1200 ml nước. Trong điều kiện thời tiết khô hanh, sưởi ấm hoặc dùng đệm nhiệt đều làm mất nước, việc tăng thêm lượng nước uống vào cơ thể là hết sức cần thiết. Mùa đông cần chủ động uống nước dù không có cảm giác khát, không nên để thấy khát mới uống.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng lưu ý, nước lã đun sôi là loại nước giải khát tốt nhất, bởi nó có thể điều tiết một cách hữu hiệu sự cân bằng axit và kiềm trong cơ thể, đẩy nhanh hoạt động trao đổi chất, có lợi cho sức khoẻ con người. Vì vậy, chúng ta nên uống nước sôi thay các loại nước giải khát mang tính chất công nghiệp khác. Cần chú ý không nên uống quá nhiều trong một lần, nên chủ động phân chia vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và trước lúc đi ngủ.

Những thời điểm không nên bổ sung nước:

Hãy uống nước cách giờ ngủ hai tiếng đồng hồ. Ảnh minh họa

Hãy uống nước cách giờ ngủ hai tiếng đồng hồ. Ảnh minh họa

Trước khi đi ngủ

Mùa đông, bạn nên tránh uống nước trước giờ ngủ vì hai lý do. Thứ nhất, thói quen này có thể khiến bạn phải thức dậy đi vệ sinh, từ đó gián đoạn thời gian và chất lượng giấc ngủ. Thứ hai, so với ban ngày, thận làm việc chậm hơn vào buổi đêm nên bạn dễ bị sưng mặt hoặc tay chân lúc thức dậy. Tốt nhất, hãy uống nước cách giờ ngủ hai tiếng đồng hồ.

Giữa buổi tập nặng

Khi tập luyện nặng, nhiệt độ cơ thể tăng cao, tạo ra cảm giác nóng nực. Tuy nhiên, đừng vội uống nhiều nước để làm mát bởi bạn sẽ đứng trước nguy cơ rối loạn cân bằng điện giải với các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt. Bên cạnh đó còn gây nguy hiểm cho người mắc bệnh tim.

Các chuyên gia khuyến cáo người tập luyện nên uống nước trước 1-2 giờ trước luyện tập, uống 450-600 ml; 15 phút trước khi tập, uống 250-300 ml; trong lúc luyện tập, uống khoảng 250 ml mỗi 15 phút.

Khi nước tiểu mất màu

Nước tiểu đậm màu chứng tỏ cơ thể thiếu nước nhưng nếu hoàn toàn trong suốt, không màu thì cho thấy cơ thể đang thừa nước. Đây là biểu hiện cần đặc biệt lưu ý bởi thừa nước làm giảm nồng độ natri, từ đó dẫn tới hàng loạt vấn đề sức khỏe trong đó có đau tim.

Khi ăn đồ cay

Cảm giác nóng rát khi ăn đồ cay do phân tử tên capsaicin gây ra. Do cùng tính chất phân cực, nước không giúp giảm cay mà ngược lại còn khiến capsaicin phát tán khắp miệng và ống dẫn thức ăn, kết quả tình trạng còn tồi tệ hơn. Để bớt khó chịu, bạn hãy chọn uống sữa là chất lỏng ít phân cực hơn nước.

Trong bữa ăn

Uống nước trong bữa ăn tốt hay hại sức khỏe vẫn là điều nhiều người tranh cãi. Tuy nhiên, bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản nên tuyệt đối tránh thói quen này.

M.H (th)