20/01/2025 | 00:03 GMT+7, Hà Nội

Mùa lạnh, chăm sóc sức khoẻ thế nào cho đúng cách

Cập nhật lúc: 06/12/2020, 15:35

Thông thường là các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, ho, viêm họng, sổ mũi,... Chăm sóc sức khỏe đúng cách khi trời lạnh sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh lây nhiễm, chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt.

Thời tiết lạnh, một số nơi nhiệt độ còn giảm sâu đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người, nhất là những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai,...

Dễ ốm mùa đông

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, những virus phổ biến gây cảm lạnh ở người sinh trưởng và phát triển tốt hơn trong môi trường mát mẻ. Điều này đồng nghĩa với việc vào mùa đông, các loại vi khuẩn, virus gây bệnh có xu hướng chọn mũi thay vì sinh sống trong đường ruột ấm và ẩm ướt.

Thêm vào đó, không khí lạnh cũng khiến hệ miễn dịch của cơ thể sản xuất ít tế bào bạch cầu hơn, khiến cho các vi khuẩn, virus có thể “tự do” hơn trong việc xâm nhập cơ thể. Nhiệt độ lạnh hơn cũng khiến cho các phản ứng miễn dịch trở nên chậm chạp hơn, đồng thời khiến cơ thể nhạy cảm.

Vì vậy, chủ động bảo vệ sức khỏe, giữ ấm cơ thể để tăng cường sức đề kháng, chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời tiết.

Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ

Thực phẩm chính là nguồn cung cấp năng lượng cần thiết để giữ ấm cơ thể trong mùa đông. Do đó, muốn giữ ấm cơ thể tốt nhất thì nên ăn đủ bữa và nạp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.

Lượng thực phẩm cung cấp sẽ giúp cho quá trình đốt cháy calo được diễn ra thuận lợi, tạo điều kiện sinh nhiệt liên tục cho cơ thể. Bên cạnh đó, thức ăn còn cung cấp năng lượng cần thiết thông qua lượng đường được hấp thụ, tăng khả năng giữ ấm trong điều kiện thời tiết lạnh. Đặc biệt, một số món ăn từ các loại gia vị như gừng, tỏi... cũng giúp giữ ấm cơ thể rất tốt. Các món ăn nên ăn khi còn nóng, vừa giúp làm ấm cơ thể hơn, vừa giúp bảo vệ hệ thống miễn dịch.

Uống thật nhiều nước

Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng cơ thể cần ít nước hơn trong những tháng mùa đông. Sự thật là dù nhiệt độ cao hay thấp, kể cả bạn không toát mồ hôi và không cảm thấy khát nước, thì cơ thể bạn cũng luôn cần nước. Vì vai trò của nước trong cơ thể không thay đổi trong cả mùa đông và mùa hè: vận chuyển chất dinh dưỡng và ôxy đến các tế bào, loại bỏ chất thải, tạo điều kiện cho cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng, bảo vệ các cơ quan quan trọng, làm ẩm, làm dịu da và mắt, đảm bảo duy trì huyết áp bình thường. Nước cũng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, giúp bảo vệ chống lại sự kiệt sức do nhiệt độ quá nóng trong những tháng hè, cũng như vào mùa đông nước rất cần thiết để đảm bảo giúp cơ thể chống lại cái lạnh.

Mùa lạnh cần cung cấp dinh dưỡng nhiều hơn để phòng chống rét.

Nên uống từ 6 - 8 ly nước mỗi ngày để giữ nước và luôn luôn giữ cho cơ thể được ấm. Điều này sẽ có lợi ích lớn trong việc tránh cho cơ thể bị giảm nhiệt độ, khiến chúng ta dễ mắc các bệnh hô hấp như ho, sổ mũi hoặc cảm lạnh, nặng hơn là viêm phế quản, viêm phổi.

Duy trì tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày

Khi thời tiết lạnh, cơ thể thường ít vận động hơn, rất khó để duy trì tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Tuy nhiên, việc luyện tập thể dục thể thao giúp cơ thể giải phóng một lượng endorphin - một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng, và giảm đau.

Lợi ích của việc tập thể dục hàng ngày là không thể phủ nhận. Hãy đặt mục tiêu thực hiện ít nhất 150 phút tập thể dục mỗi tuần trong mùa đông để tăng cường nguồn năng lực tích cực cho cơ thể, đẩy lùi mọi bệnh tật.

Lưu ý, nên uống nước trước, trong và sau khi tập luyện dù bạn không cảm thấy khát. Khi nhiệt độ giảm đột ngột, các mạch máu co lại khiến máu không thể lưu thông tốt, do đó, bàn tay, bàn chân, mũi và thậm chí tai cũng có thể thấy lạnh.

Bổ sung đầy đủ vitamin

Mùa đông với đặc trưng là ngày ngắn đêm dài nên cơ thể thường ít tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp, điều này làm giảm lượng vitamin D trong cơ thể. Đây là một chất thiết yếu có vai trò quan trọng trong việc giữ cho hệ thống miễn dịch và khả năng miễn dịch thích ứng của chúng ta hoạt động tốt. Cả hai hệ miễn dịch này đều rất cần thiết và đều cần mức vitamin D đầy đủ để hoạt động.Vì vậy, thiếu hụt vitamin D có thể khiến các tế bào miễn dịch không thể phản ứng một cách thích hợp, làm chúng ta dễ bị nhiễm trùng hơn.

Ngoài ra, vitamin D rất cần thiết cho việc biến đổi thực phẩm thành năng lượng nên nếu thiếu vitamin này, cơ thể sẽ không hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn và kết quả là dẫn đến thiếu năng lượng, gây mệt mỏi.