19/01/2025 | 01:24 GMT+7, Hà Nội

Mua bán trái phép hóa đơn, hàng loạt các bị cáo vướng vòng lao lý

Cập nhật lúc: 20/12/2018, 11:00

Ngày 19/12, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử với 9 bị cáo về tội Mua bán trái phép hóa đơn, theo quy định tại Điều 203, BLHS năm 2015.

Theo cáo trạng truy tố, cuối năm 2017, Nguyễn Thị Đào (SN 1982, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) và Nguyễn Thị Đào (SN 1985, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) đã tới cơ quan công an đầu thú và khai nhận hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.

Tiếp đến, các đối tượng Bùi Văn Hồ (SN 1991), ở huyện Nghĩa Hưng, Nam Định; Nguyễn Văn Thuấn (SN 1995), trú huyện Thuận Thành, Bắc Ninh; Bùi Ngọc Trực (SN 1997), cũng ở huyện Nghĩa Hưng, Nam Định; Lê Hiền Trang (SN 1988, trú phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) cũng lần lượt ra đầu thú, khai nhận về hành vi phạm tội của mình.

Mua bán trái phép hóa đơn, hàng loạt các bị cáo vướng vòng lao lý

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử ngày hôm nay

Từ lời khai về việc mua bán hóa đơn của các đối tượng nên trên, cơ quan công an đã nhanh chóng khám xét nơi ở, đồng thời thu giữ tiền, tài liệu, phiếu thu, hợp đồng, quyển hóa đơn GTGT… của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Trong quá trình điều tra, Nguyễn Thị Đào (SN 1982) khai nhận, trước đó đối tượng thỏa thuận mua lại các doanh nghiệp từ Nguyễn Thị Đào (SN 1985) để sử dụng chúng vào việc mua bán trái phép hóa đơn nhằm thu lời bất chính.

Các đối tượng thống nhất, Đào (SN 1985) chịu trách nhiệm hoàn tất mọi thủ tục mua bán các công ty đã thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả, rồi bàn giao toàn bộ hồ sơ, đăng ký kinh doanh, con dấu, hóa đơn cho Đào (SN 1982), chỉ trong một thời gian ngắn, 2 đối tượng cùng mang tên Đào đã mua bán 16 công ty.

Khi đã có các tài liệu, giấy tờ của những công ty mua lại, Đào (SN 1982) thuê Nguyễn Văn Thuấn (em chồng mình) và Bùi Vân Hồ làm thủ tục mở tài khoản tại ngân hàng, phát hành séc, đăng ký mẫu chữ ký với tư cách nhân viên công ty.

Khi các doanh nghiệp có nhu cầu hóa đơn đầu vào có thể trực tiếp, thông qua môi giới hoặc gọi điện cho Đào (SN 1982) để lấy hóa đơn. Mỗi khi nhận được yêu cầu từ khách, Đào (SN 1982) đã chỉ đạo Nguyễn Văn Trực viết hóa đơn, đóng dấu lên liên 2 hóa đơn và giả chữ ký tên giám đốc của các doanh nghiệp tương ứng.

Lập xong hóa đơn, chứng từ khống, Đào (SN 1982) giao cho Thuấn và Hồ đi giao hóa đơn cho khách ở nhiều địa điểm khác nhau. Hình thức giao chứng từ tài chính được ổ nhóm này áp dụng là với hóa đơn ghi số tiền thanh toán dưới 20 triệu đồng thì Thuấn và Hồ giao cho khách và nhận tiền mặt. Còn với hóa đơn có giá trị trên 20 triệu đồng (theo quy định phải thanh toán chuyển khoản) thì các đối tượng thực hiện theo 2 cách.

Cách thứ nhất là doanh nghiệp mua hóa đơn ủy nhiệm chi vào tài khoản công ty xuất hóa đơn để hợp thức việc thanh toán tiền hàng. Sau đó, Trực sẽ ký séc và cho người đi rút tiền, trừ tiền mua hóa đơn, số còn lại sẽ trả lại tiền cho khách hoặc khách hàng viết sẵn giấy giới thiệu, ủy nhiệm chi vào tài khoản công ty mua hóa đơn để Đào (SN 1982) cho người đi chuyển tiền qua ngân hàng.

Cách thứ 2 là Thuấn, Trang sẽ mang tiền đến trực tiếp ngân hàng theo yêu cầu của khách mua hóa đơn và đưa cho họ để họ nộp tiền vào tài khoản công ty mua hóa đơn. Sau đó, bên mua hóa đơn ủy nhiệm chi chuyển tiền vào tài khoản của công ty xuất hóa đơn coi như thanh toán tiền hàng. Tiếp đến, Trực ký séc rút số tiền này ra, còn tiền mua hóa đơn, khách hàng sẽ giao tiền mặt cho Thuấn hoặc Trang.

Theo khai nhận Đào (SN 1982), giá bán hóa đơn nếu giá trị thanh toán dưới 20 triệu đồng là 200 nghìn đồng/tờ và từ 20 triệu đồng trở lên sẽ được bán với giá 0,5% tiền hàng trước thuế ghi trên hóa đơn.

Tham gia đường dây mua bán hóa đơn, các đối tượng giúp sức cho Đào (SN 1982) được trả công 6 triệu đồng/tháng. Riêng Trang được trả 300.000 đồng/lần đi giao dịch tại ngân hàng và 50.000 đồng đối với mỗi lần giao hóa đơn cho khách.

Để tránh cơ quan thuế phát hiện, hàng tháng, hàng quý, Đào (SN 1982) và đồng bọn vẫn làm và nộp đầy đủ các báo cáo thuế “bậy” đối với 16 công ty “ma” chuyên sử dụng vào việc mua bán hóa đơn tài chính.

Cơ quan tố tụng xác định, tổng số tiền Đào (SN 1982) thu lời bất chính là 488,5 triệu đồng. Số tiền này bị cáo khai đã nộp vào tài khoản các công ty “ma” để giao dịch phục vụ việc bán hóa đơn và nằm trong số tiền 1,8 tỷ đồng mà cơ quan điều tra thu giữ.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an không phát hiện có cán bộ thuế và cán bộ ngân hàng nào tiếp tay, hay bao che cho hành vi phạm tội của ổ nhóm mua bán hóa đơn GTGT do Nguyễn Thị Đào cầm đầu.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn làm rõ các đối tượng gồm: Trần Thị Hương (SN 1987) ở quận Bắc Từ Liêm; Nguyễn Thu Nga (SN 1983) ở quận Hai Bà Trưng và Kiều Thị Phương (SN 1981) ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã giúp sức cho Đào (SN 1982) trong việc mua bán hóa đơn gía trị gia tăng.

Khép lại phiên tòa, HĐXX TAND TP. Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Thị Đào (SN 1982) 36 tháng tù, Nguyễn Thị Đào (SN 1985) lĩnh án 24 tháng tù treo cùng về tội Mua bán trái phép hóa đơn. Cùng tội danh, Lê Hiền Trang cũng bị áp dụng 30 tháng tù.

Các bị cáo còn lại, lần lượt bị tuyên phạt từ 12 tháng tù - 30 tháng tù (đều được hưởng án treo).