19/01/2025 | 15:17 GMT+7, Hà Nội

Mua bán hóa đơn giá trị gia tăng bị xử lý như thế nào?

Cập nhật lúc: 10/03/2019, 12:07

Độc giả hỏi: Năm 2015, anh tôi thành lập công ty và bán 14 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống (hóa đơn đã ghi nội dung nhưng không có hàng hóa đi kèm) cho 2 công ty, 1 công ty 9 hóa đơn với tổng số tiền thuế GTGT là 200 triệu, 1 công ty 5 hóa đơn với tổng số tiền thuế là 150 triệu.

Sau đó anh tôi bị bắt và bị khởi tố về tội mua bán hóa đơn theo điều 164a BLHS năm 1999. Tôi muốn hỏi anh tôi có bị truy tố theo khoản 2 điều 164a với tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng hay không? Anh tôi có phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thuế do các đối tượng mua hóa đơn kê khai khấu trừ thuế của Nhà nước không?

mua ban hoa don gia tri gia tang bi xu ly nhu the nao
Hình minh họa.

Trả lời:

Căn cứ pháp lý

Bộ Luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009

Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

Thông tư 10/2013/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn BLHS trong các lĩnh vực thuế, tài chính- kế toán- chứng khoán

Nội dung tư vấn

Do bạn không cung cấp rõ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm của anh trai bạn tuy nhiên có chi tiết rằng anh ấy bị khởi tố theo quy định tại Điều 164a BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Theo quy định tại Điều 164a BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009:

"Điều 164a. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Hóa đơn, chứng từ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

đ) Thu lợi bất chính lớn;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng."

Căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư liên lịch số 10/2013/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC thì:

- Trường hợp số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước đã ghi nội dung để nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn.

- Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên.

Theo đó, hành vi của anh bạn có thể bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 164a BLHS 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Còn nếu căn cứ quy định của BLHS 2015 (đang có hiệu lực) thì hành vi này có thể bị xử lý theo quy định tại khoản 4 Điều 203 BLHS 2015 đối với hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại.

Còn đối với số tiền thuế bị nộp thiếu của công ty mua hóa đơn, bên này phải tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, và anh trai bạn không có nghĩa vụ phải bồi thường.

Hùng Dũng