19/01/2025 | 01:26 GMT+7, Hà Nội

Lý do nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng sử dụng hóa đơn điện tử

Cập nhật lúc: 01/11/2018, 20:10

Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/11, hóa đơn điện tử sẽ bắt đầu được triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, nhiều đơn vị kinh doanh vẫn còn băn khoăn về quy định mới.

Băn khoăn về quy định dùng hóa đơn điện tử

Theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT,) khi bán hàng hay cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử theo định dạng chuẩn dữ liệu do Bộ tài chính quy định, ghi đầy đủ nội dung, không phân biệt giá trị từng lần giao dịch.

Theo đó, dù có hay không có mã xác thực của cơ quan thuế thì đơn vị bán hàng phải lập HĐĐT để giao cho người mua. HĐĐT gồm hóa đơn giá trị gia tăng (VAT), hóa đơn bán hàng tem điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử, vé điện tử,...

Nghị định áp dụng với những đơn vị kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông lâm nghiệp, thủy sản phải dùng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Và đối với những hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

 HĐĐT là điểm mới nhằm giảm bớt áp lực cho các đơn vị kinh doanh và cơ quan thuế

 HĐĐT là điểm mới nhằm giảm bớt áp lực cho các đơn vị kinh doanh và cơ quan thuế

Thời hạn chuyển đổi sẽ được diễn ra trong vòng 24 tháng, tính từ ngày 1/11/2018 đến hết ngày 1/11/2020.

Quy định là vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về HĐĐT, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ đã quen dùng hóa đơn giấy.

Bà Nguyễn Kiều Trang, giám đốc Công ty Cổ phần XNK Bình An, cảm thấy khó khăn khi áp dụng quy định mới này, nhất là đối với thủ tục với cơ quan quản lý; sử dụng các phần mềm quản lý hiện có của doanh nghiệp, tính bảo mật ra sao, triển khai trên quy mô lớn có gặp khó khăn gì không…

Cũng theo bà Trang, do là quy định mới nên họ sẽ tìm hiểu chắc chắn rồi mới chuyển đổi. “Mặc dù quy định mới sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng về thu chi, số thuế minh bạch, nhưng do còn nhiều vướng mắc nên chúng tôi sẽ vẫn dùng hóa đơn tự in rồi chuyển đổi dần dần đến năm sau. Tôi nghĩ, nhiều đơn vị cũng sẽ như vậy”, bà Trang nói.

Tương tự, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng VN Hoàng Sơn thắc mắc: Khi lưu chứng từ, người thực hiện chuyển đổi có cần giấy ủy quyền để được ký vào vị trí của người chuyển đổi hay không? Đối với đơn vị mua hàng vẫn đang sử dụng hoá đơn bán hàng theo mẫu tự in thì cách lưu trữ HĐĐT của người bán hàng như thế nào cho đúng luật? Có cần phải in hoá đơn chuyển đổi rồi người bán ký tên và đóng dấu của công ty ra bản giấy hay không?

Nếu đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa rõ về quy định mới này thì có đơn vị trung gian hỗ trợ hay không? Rồi quản lý, lưu trữ như thế nào để không bị mất, thất lạc, tránh trường hợp không còn mã để truy cập?

Anh Trần Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị HT Việt Nam cho rằng, việc quản lý giữ liệu là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với một doanh nghiệp, nhất là những giấy tờ liên quan đến thuế. Do vậy mà anh cũng rất lo lắng về vấn đề bảo mật. “Nếu chuyển sang HĐĐT mà lại bị mất dữ liệu thì các doanh nghiệp phải làm thế nào? Khi đó chúng tôi chỉ biết khóc không ra nước mắt, có khi còn liên quan đến câu chuyện pháp luật, tước giấy phép kinh doanh… nếu không giải trình được với thuế những thứ họ cần”.

Mặc dù còn nhiều thắc mắc về vấn đề sử dụng HĐĐT, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều ủng hộ hình thức này. Vì từ đây, thu chi của các doanh nghiệp sẽ minh bạch hơn, chấp hành nghĩa vụ nộp thuế đúng quy định hơn; tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Đồng thời giảm bớt những cuộc thanh tra, kiểm tra của cán bộ thuế gây phiền hà, tốn kém cho người kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước.

Sử dụng hóa đơn điện tử gây rắc rối cho đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ?

Quy định mới này chưa bắt buộc áp dụng rộng rãi, vì vậy đại đa số các doanh nghiệp vẫn chọn sử dụng hóa đơn giấy. Việc sử dụng hoá đơn giấy phổ biến theo hình thức đặt in, tự in và không chịu sự kiểm soát của các bên có liên quan, nhất là cơ quan thuế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng còn dè dặt khi chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT, vì họ thấy rắc rối, trong khi cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và nhân viên còn hạn chế, nhất là đối với những đơn vị vẫn hoạt động theo lối “nông nghiệp”.

Thực tế, những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, vùng sâu vùng xa hay kinh doanh trong dịch vụ, như vui chơi giải trí, nhà hàng, cửa hàng ăn uống, quán bar… thường giao dịch thanh toán bằng tiền mặt…lại càng không chú trọng nhiều đến việc chuyển đổi HĐĐT, nên họ rất thờ ơ với quy định này.

  

 Nhiều cơ sở kinh doanh quen thanh toán bằng tiền mặt nên ngại chuyển sang HĐĐT  

 Nhiều cơ sở kinh doanh quen thanh toán bằng tiền mặt nên ngại chuyển sang HĐĐT  

Chị Minh, chủ nhà hàng Minh Long (Phú Thọ) cho rằng, lượng khách đến ăn uống cần hóa đơn đỏ rất ít, nên chị không thấy cần thiết phải chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT. “Cả năm tôi xuất có vài chục tờ hóa đơn, trong khi trình độ nhân viên có hạn. Thu ngân và kế toán cũng là gia đình tự làm, vậy thì chuyển sang cách mới sẽ chỉ thêm rắc rối mà thôi”, chị Minh nói.

Cũng như nhà hàng của chị Minh, cơ sở kinh doanh karaoke của anh Tiến (Phú Thọ), tỉ lệ khách muốn thanh toán và lấy hóa đơn giấy chiếm tỉ lệ rất nhỏ. “Đi hát hò thì có mấy ai muốn lấy hóa đơn đỏ làm gì. Khách hàng không muốn lấy thì tôi chuyển sang sử dụng HĐĐT làm gì cho rắc rối và mất thời gian. Có khi còn mất cả khách nữa ấy chứ”, anh Tiến chia sẻ.

Có những trường hợp, người mua hàng hay người sử dụng dịch vụ muốn có hóa đơn thì phải chịu thêm phí. Điều này cũng gây nhiều khó khăn cho những đơn vị quản lý thuế.

Khách không muốn lấy hóa đơn, trong khi các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lại muốn có thêm cơ hội giảm bớt tiền thuế, trốn thuế là hai trong số nhiều lý do khiến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chưa muốn chuyển sang dùng HĐĐT. Cho dù, quy định mới này là thay đổi là tất yếu giữa bối cảnh thời cuộc và thị trường vận động không ngừng, doanh nghiệp đứng trước áp lực phải nhanh nhạy nắm bắt xu hướng để không tụt hậu khi công nghệ thời 4.0 thay đổi như vũ bão.