18/01/2025 | 19:56 GMT+7, Hà Nội

Hóa đơn điện tử: Mọi giao dịch sẽ được minh bạch hóa

Cập nhật lúc: 26/10/2017, 00:18

Hóa đơn điện tử (HĐĐT) đang được đánh giá là đem lại một sự thuận lợi rất lớn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế, nhưng để hóa đơn điện tử nhanh chóng đi vào cuộc sống cần có giải pháp.

3 loại hóa đơn điện tử

HĐĐT được xem là sẽ tạo ra cú hích lớn trong cải cách hành chính thuế, giúp DN cải thiện môi trường kinh doanh và lành mạnh hóa nền tài chính nước nhà. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, việc chuyển đổi này chưa gặt hái nhiều thành công như mong đợi và phía trước vẫn còn nhiều thách thức, bởi vẫn có không ít doanh nghiệp “ngại” minh bạch tìm cách “chậm” triển khai, nhiều khách hàng vẫn ngại sự thay đổi…

Hóa đơn điện tử: Mọi giao dịch sẽ được minh bạch hóa

Để hóa đơn điện tử đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng

Chia sẻ tại tọa đàm: “Đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống”, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, HĐĐT manh nha hình thành và được triển khai vài ba năm gần đây. Trên cơ sở Nghị định 51 và sau đó là Nghị định 04 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 51 thì Bộ Tài chính đã có những quy định về HĐĐT trong đó có Thông tư 32 năm 2011.

Theo ông Trí, nếu như đến hết năm 2016 mới có khoảng 700 – 800 DN sử dụng HĐĐT thì đến hết tháng 6/2017, đã có khoảng 2.700 DN với 300 triệu HĐĐT được ghi nhận.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay xu hướng áp dụng HĐĐT diễn ra rất mạnh mẽ, những công ty, tập đoàn lớn thì đã áp dụng tiên phong. Việc áp dụng HĐĐT tuy giá trị không lớn nhưng tạo thành thói quen.

Theo đại diện của Tổng cục Thuế, hiện có có 3 loại HĐĐT. Loại thứ nhất là hệ thống hóa đơn tự xây dựng của các DN, thứ hai là HĐĐT sử dụng qua tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ HĐĐT, thứ ba là HĐĐT có xác thực của cơ quan thuế.

Với hóa đơn xác thực, khi có nhu cầu, DN kết nối với cơ quan thuế thực hiện lập hóa đơn và cơ quan thuế sẽ xác thực cấp HĐĐT với mã xác thực. Với hai nhóm hóa đơn còn lại, trong Nghị định cũng sẽ đặt ra vấn đề định kì hoặc tùy theo tính chất có thể hằng ngày thậm chí online tùy theo công việc.

Các DN đang vận hành HĐĐT tiếp tục vận hành, các DN hiện nay đang dùng hóa đơn giấy thì tùy theo mức độ có thể xây dựng hoặc có thể thông qua tổ chức trung gian. Còn với DN thuộc diện phải mua hóa đơn của cơ quan thuế, DN mới thành lập thì phải dùng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế.

Vẫn còn băn khoăn

Với HĐĐT, khi mọi giao dịch được minh bạch hóa sẽ giảm thất thu ngân sách, giúp môi trường kinh doanh bình đẳng, khi cơ quan thuế có đầy đủ dữ liệu thì có thể phân tích biết được những lĩnh vực có nguy cơ thất thu thuế cao và tiến hành các hoạt động giám sát, điều rất là khó với hóa đơn giấy hiện tại.

Áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giảm được rất nhiều nhân lực, chi phí quản lý cho ngành thuế như trong các khâu phải cử người đi xác minh hóa đơn. Đối với DN thì lợi ích là giảm rủi ro về hóa đơn giả và những trục trặc về thủ tục thuế mà trước đây không kiểm soát được.

Lợi ích của việc sử dụng HDĐT rất lớn, nhưng hiện doanh nghiệp cũng còn nhiều băn khoăn với việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT. Ông Đậu Anh Tuấn cho biết VCCI đã ghi nhận nhiều ý kiến lo ngại của doanh nghiệp. Đó là mức độ áp dụng công nghệ thông tin, liệu có phù hợp không? Kết quả điều tra ghi nhận, DN đánh giá một trong những hạn chế áp dụng thuế, kê khai thuế áp dụng qua mạng là tình trạng cuối kỳ thường nghẽn, tạo ra khó khăn nhất định có thể gây thiệt hại cho DN.

Các DN cũng lo ngại kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau, giữa cơ quan thuế, thị trường, hải quan, nhận hàng, đây là yêu cầu rất quan trọng, nếu hệ thống kết nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước không tốt, phân mảnh, DN sẽ thiệt hại trực tiếp đầu tiên.

Bên cạnh đó, DN băn khoăn về chi phí. Với DN doanh thu ít thì việc việc trả chi phí cao hằng năm cho tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng đến hóa đơn sẽ tạo gánh nặng . Ngoài ra, là về lộ trình, theo phương án dự thảo Nghị định đang đưa ra, từ 1/1/2018 áp dụng ngay với DN lớn. Do đó, vấn đề đặt ra la có nên giãn lộ trình, thực hiện từng bước với quan điểm thận trọng…

Trước những băn khoăn của DN, đại diện Tổng cục Thuế cho biết trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, ngành thuế đã ghi nhận rất nhiều băn khoăn, lo ngại của DN. Thực tế thời gian qua, ngành thuế đã triển khai rất nhiều hoạt động liên quan đến việc áp dụng công nghệ thông tin, từ đăng ký, kê khai, đến mới đây nhất là hoàn thuế điện tử và lộ trình tiếp theo là HĐĐT.

“Khi triển khai, chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu vấn đề liệu hạ tầng viễn thông, cơ sở vật chất, trang thiết bị có đáp ứng được không thì mới có thể triển khai được”, ông Trí khẳng định. Tuy nhiên, để áp dụng HĐĐT cần sự vào cuộc tích cực đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Sử dụng HĐĐT, tiết kiệm cả nghìn tỷ đồng

Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn và với số lượng 2,5 tỷ hóa đơn/năm thì chi phí mỗi năm bỏ ra lên đến 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng hóa đơn điện tử, số tiền mà doanh nghiệp có thể tiết kiệm được tới trên 1.000 tỷ đồng/năm.