Mời người nước ngoài mua nhà Việt Nam sao cấm người Việt Nam mua nhà nước ngoài?
Cập nhật lúc: 20/05/2018, 23:01
Cập nhật lúc: 20/05/2018, 23:01
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group cho rằng, việc cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là một trong những chính sách được mong chờ rất lâu, hiện thực hoá từ Nghị quyết của Quốc hội và đã có nhiều đổi mới.
Nghị quyết này đã mở ra nhiều kỳ vọng cho nhiều doanh nghiệp bất động sản, sàn giao dịch bởi sẽ có một lượng vốn lớn đổ vào bất động sản. Tuy nhiên, từ Nghị quyết đến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành mất rất nhiều thời gian.
Theo ông Hưng, từ năm 2016, khi Luật nhà ở có hiệu lực, trong đó bổ sung quy định người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam, đã bỏ đi rất nhiều rào cản.
Nếu trước đây chỉ có 6 đối tượng được mua nhà thì bây giờ không có giới hạn nào cả chỉ còn một quy định duy nhất đó là chỉ cần không phải là đối tượng cấm nhập cảnh thì đều được mua nhà tại Việt Nam.
"Năm 2017 có khoảng 2.000 giao dịch là người nước ngoài mua nhà, trong đó có khoảng 10% đã được nhận nhà và làm thủ tục.
4 tháng đầu năm 2018, con số này cũng đã đạt khoảng 2.000 giao dịch, bằng cả năm 2017. Như vậy đã có sự tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên con số này so với thị trường thì vẫn còn rất nhỏ bé. Ngoài ra, các thị trường Úc, châu Âu, Bồ Đào Nha và Đảo Síp cũng đang cạnh tranh thu hút nguồn vốn đầu tư từ Việt Nam", ông Hưng nhìn nhận.
"Theo kinh nghiệm thực tế của CEN Group, khi đã mở văn phòng giao dịch tại Hàn Quốc, Úc, châu Âu, chúng tôi đều nhận được câu hỏi mà chưa có câu trả lời thích đáng, đó là “những hiệu quả đầu tư, vấn đề sở hữu, chuyển nhượng và chuyển tiền ra nước ngoài sau khi kết thúc giao dịch là như thế nào?”.
Với những người có nhu cầu mua nhà ở để ở thì đó là những người đang sống và làm việc ở Việt Nam. Tuy nhiên trong khoảng thời gian 5 năm họ không có nhu cầu để mua thì giờ đây, mặc dù quy định có mở, thì họ cũng không có nhu cầu để mua. Vì vậy đối tượng quan tâm tới quy định này sẽ là các nhà đầu tư ở nước ngoài coi đây là một cơ hội đầu tư.
Lợi nhuận tại Việt Nam vào khoảng 7 - 8%, thậm chí đầu tư condotel có thể lên tới 10% tuy nhiên đi vay lãi suất đã rơi vào khoảng 10 – 10,5%. Như vậy, thị trường chúng ta đầu tư âm. Không hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
“Theo đó, họ muốn biết chuyển tiền vào và ra như thế nào? Tuy nhiên, ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại đang kháng tố quá trình xác nhận này”, ông Hưng nói và cho biết, quyền sở hữu đang hạn chế 50 năm, điều này đang là điều e ngại đối với nhà đầu tư bởi họ muốn biết sau khi chuyển nhượng có được gia hạn hay không?
Đối với việc người Việt chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà cũng gặp phải một số vướng mắc. Theo Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group, thực sự chúng ta không đồng thuận lắm khi muốn nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại Việt Nam nhưng lại cấm không cho người Việt Nam ra nước ngoài mua nhà.
Thống kê từ Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) cho biết, từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt đã chi ra hơn 3 tỷ USD để mua nhà ở nước ngoài, con số này còn cao hơn cả người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.
Theo ông Hưng, qua khảo sát ở một số công ty đang triển khai dịch vụ tư vấn và môi giới, cho thấy mỗi năm chắc chắn có hơn 1000 giao dịch. Điều đó cũng đủ cho thấy xu hướng người Việt mua nhà ở Mỹ và ở nước ngoài ngày càng tăng lên.
Luật pháp Việt Nam không cấm người dân mua tài sản ở nước ngoài, tuy nhiên, vấn đề chuyển tiền ra nước ngoài lại có hạn chế, luật hiện hành chưa cho phép người dân chuyển tiền ra nước ngoài với mục đích mua nhà. Do vậy, thị trường đã xuất hiện nhiều "chiêu" lách luật, tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
Ngoài ra, theo ông Hưng, mặc dù thị trường đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hay cho người Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đã được khởi sắc, nhưng môi trường đầu tư chưa thực sự bình đẳng.
“Quay trở lại Việt Nam, nếu Việt Nam không đề ra được điểm hấp dẫn nào đối với nhà đầu tư thì sẽ rất khó thu hút khách hàng ngoại.
Ví dụ nếu nhà đầu tư "rót tiền" vào Mỹ, Úc, thì họ mong muốn được hưởng phúc lợi xã hội của chương trình định cư, sau đó mới nghĩ đến lợi nhuận. Vì ở các nước đó tỷ trọng lợi nhuận thấp hơn thị trường Việt Nam, tuy nhiên họ vẫn có lợi nhuận ở mức 4 - 5%, bởi lãi suất cho vay chỉ dừng ở mức 3 - 4%, như vậy họ vẫn có lãi.
Trong khi đó, lợi nhuận tại Việt Nam vào khoảng 7 - 8%, thậm chí đầu tư condotel có thể lên tới 10% tuy nhiên đi vay lãi suất đã rơi vào khoảng 10 – 10,5%.
Như vậy, thị trường chúng ta đầu tư âm. Không hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trừ khi nhà đầu tư vay được ở nước ngoài và đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp này ngân hàng yêu cầu tài sản thế chấp và các nguồn đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam”, ông Hưng phân tích.
Hiện nay, CEN Group đang làm việc với một số ngân hàng mà quốc tế, có chi nhánh tại nhiều nước để họ chấp nhận phương án, ví dụ họ có ngân hàng tại Singapore và chấp nhận tài sản thế chấp ở Singapore đồng thời được vay tiền đầu tư tại Việt Nam. Đây là giải pháp đầu tiên.
Ngoài ra, CEN Group còn thành lập quỹ đầu tư. “Thông qua các quỹ đầu tư thành viên, chúng tôi sẽ bán được cổ phần, chương trình tại các nước có nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam. Các quỹ đó thông qua quỹ thành viên sẽ đưa được tiền vào Việt Nam. Đây là một hình thức gián tiếp để thu hút nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam”, ông Hưng cho biết.
11:44, 13/04/2018
10:15, 09/04/2018
19:00, 21/03/2018
07:40, 31/08/2017
02:27, 08/03/2017