19/01/2025 | 10:27 GMT+7, Hà Nội

Mở nhiều sân bay, khách vẫn chịu cảnh “đường ngắn, giá cao”

Cập nhật lúc: 11/10/2018, 14:00

Nhiều địa phương đã kiến nghị xây mới, nâng cấp các sân bay cũ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cùng đó, hàng loạt đường bay mới sẽ được đưa vào khai thác. Sắp tới, người dân sẽ được hưởng lợi hay phải tiếp tục chịu cảnh “đường bay ngắn, giá cao”?

  Đường bay ngắn, máy bay nhỏ, giá cao đang khiến hành khách phải chịu thiệt thòi. Ảnh: TL

Đường bay ngắn, máy bay nhỏ, giá cao đang khiến hành khách phải chịu thiệt thòi. Ảnh: TL

Nhiều tỉnh đề nghị xây sân bay

Tháng 7, UBND tỉnh Lào Cai đề xuất xây dựng sân bay dân dụng kết hợp quân sự tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên (sân bay Sa Pa) với tổng vốn đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng. Giai đoạn 1 dự án đến năm 2020 sẽ đầu tư 4.750 tỷ đồng xây dựng sân bay công suất 560.000 hành khách và 600 tấn hàng mỗi năm với hai vị trí đỗ tàu bay, có thể khai thác các loại tàu bay A320, A321 và tương đương. Giai đoạn 2 đến năm 2030 sẽ đầu tư thêm 1.030 tỷ đồng nâng cấp để đạt công suất 1,5 triệu hành khách và 2.880 tấn hàng hóa mỗi năm.

Tỉnh Lào Cai đề xuất hai phương án đầu tư: Một là, đề nghị Bộ GTVT xây dựng toàn bộ cảng hàng không bằng vốn ngân sách nhà nước hay các nguồn vốn xã hội hóa. Hai là, tỉnh Lào Cai là chủ đầu tư huy động vốn theo hình thức xã hội hóa. Về vấn đề này, ngày 7/8, làm việc với UBND tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, ông ủng hộ dự án xây dựng cảng hàng không Sa Pa. Bộ GTVT đề nghị giao dự án này cho tỉnh Lào Cai thực hiện, áp dụng mô hình xã hội hóa giống cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh). Bộ GTVT sẽ phối hợp để kêu gọi các nhà đầu tư. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, dự án sân bay Sa Pa đã có quy hoạch, trên cơ sở tham mưu của Bộ, Chính phủ sẽ quyết định thời điểm xây dựng và quy mô sân bay phù hợp.

Trước đó, tháng 4, tại buổi làm việc với Bộ GTVT, UBND tỉnh Điện Biên đã kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành ưu tiên bổ sung danh mục dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Điện Biên với tổng vốn 2.146 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Theo tỉnh Điện Biên, trước mắt, cần ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ để đảm bảo giai đoạn đến năm 2020 khai thác được máy bay A320/321 và tương đương trở lên. Sau đó, đến tháng 8, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng với phương án giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Việc mở rộng cảng hàng không nhằm nâng cao năng lực vận tải, giúp Điện Biên thu hút nguồn lực, phát huy tiềm năng đặc biệt về du lịch. Theo Bộ GTVT, đến năm 2020, dự kiến Cảng hàng không Điện Biên có công suất khoảng 300.000 hành khách và 500 tấn hàng hóa mỗi năm.

Sẽ có thêm nhiều cảng hàng không, đường bay mới

Theo Bộ GTVT, ngoài sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) sắp đi vào hoạt động và đầu tư, sân bay Long Thành (Đồng Nai), từ nay đến sau năm 2020, Việt Nam sẽ xem xét, xây dựng 5 cảng hàng không mới gồm Phan Thiết, Sơn La, Sa Pa, Quảng Trị và Lai Châu. Ngoài các sân bay thì các đường bay mới đi trong nước và quốc tế cũng sẽ được mở. Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đơn vị này đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục để tháng 11 đưa vào khai thác đường bay quốc tế từ Cộng hòa liên bang Nga đến Phú Yên. Mỗi tuần, tại cảng hàng không Tuy Hòa có 25 chuyến bay trên 2 tuyến Tuy Hòa - Tân Sơn Nhất và Tuy Hòa - Nội Bài. Trong đó, Vietnam Airlines khai thác 4 chuyến, Vietjet Air 14 chuyến, Jetstar 7 chuyến. Dự kiến trong năm 2018, tổng lượt khách qua cảng hàng không này đạt 430.000 lượt. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết, dự kiến trong năm 2020, Phú Yên sẽ phục vụ hơn 600.000 lượt khách qua cảng hàng không trong khi năng lực phục vụ của cảng Tuy Hòa chỉ ở mức 550.000 khách mỗi năm.

Ngoài đường bay nêu trên, ngày 10/10, Hãng hàng không Vietjet cho biết, đơn vị này đã đồng loạt khai trương thương mại 3 đường bay từ Việt Nam đến Nhật Bản. Số đường bay này góp phần tăng trưởng du lịch, kinh tế và giao thương giữa hai nước và trong khu vực. Theo kế hoạch, Vietjet sẽ khai thác 3 đường bay giữa Nhật Bản và Việt Nam liên tục trong 3 tháng tới, bao gồm đường bay Hà Nội - Osaka từ ngày 8/11, đường bay TPHCM - Osaka từ ngày 14/12 và đường bay Hà Nội -Tokyo từ ngày 11/1. Các đường bay đều được khai thác thường lệ mỗi ngày. Khách hàng có thể đặt giữ chỗ, mua vé 3 đường bay giữa Việt Nam - Nhật Bản của Vietjet trên website của hãng. Việc các hãng hàng không mở thêm nhiều đường bay thẳng sẽ góp phần giúp hành khách trong nước và quốc tế tiết kiệm được chi phí do đỡ phải bay nhiều chặng. Tuy nhiên, đối với các đường bay trong nước, việc mở thêm đường bay ngắn khiến người dân vừa mừng vừa lo.

Thực tế tại sân bay Điện Biên vừa qua cho thấy, tình trạng đường ngắn, giá cao, hủy nhiều chuyến là nguyên nhân khiến UBND tỉnh này phải gửi văn bản tới Chính phủ. Trong văn bản này, UBND tỉnh Điện Biên cho biết, do độc quyền về khai thác phục vụ kinh tế của ngành, có thời điểm, một tuần, đơn vị khai thác hủy liên tiếp 3 chuyến bay đến Điện Biên. Cùng đó, giá vé tuyến bay Điện Biên - Hà Nội trong một giờ là trên 1,985 triệu đồng/lượt/người, cao nhất khu vực và đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực khó khăn nhất đất nước là Điện Biên. Đường ngắn, giá cao cũng là tình trạng chung trên một số đường bay như Hà Nội – Vinh (Nghệ An), Hà Nội – Đà Nẵng, TP HCM – Phú Quốc, TP HCM – Côn Đảo… Đây là bài toán đang thách thức các nhà kinh doanh hàng không trong nước và cơ quan quản lý chuyên ngành.

Minh Anh