22/11/2024 | 02:47 GMT+7, Hà Nội

Mô hình cũ đã hết thời, đâu là động lực tăng trưởng cho BĐS du lịch kiểu mới?

Cập nhật lúc: 20/11/2019, 17:30

Thị trường bất động sản du lịch truyền thống có dấu hiệu giảm nhiệt, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2020, các chủ đầu tư tại Việt Nam đã linh động phát triển nhiều xu hướng mới, mô hình mới.

Kinh tế chia sẻ là động lực mới cho ngành du lịch

Kinh tế chia sẻ là một trong những mô hình mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam và dần khẳng định sự tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế. Không nằm ngoài dòng xoáy tác động này, ngành du lịch Việt Nam cũng chuyển động phù hợp xu thế.

Tại Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến: Những xu hướng mới của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức chiều 19/11, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, thế giới nói về kinh tế chia sẻ hàng chục năm nay, thậm chí nó đã trở thành xu hướng khẳng định về mặt lợi ích, tiện lợi, có triển vọng. Tại Việt Nam, cụ thể hơn là với ngành du lịch, kinh tế chia sẻ không phải khái niệm quá mới bởi chúng ta đã có các sản phẩm homestay, đầu tiên là ở các điểm du lịch ở nhỏ lẻ ở vùng xa, sau đó ngày càng nhiều ở các thành phố du lịch. Ban đầu, nó là kinh tế chia sẻ dạng tự quản lý. Tới giai đoạn hiện nay, chúng ta nói nhiều hơn về về kinh tế chia sẻ dưới dạng uỷ thác quản lý.

Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến: Những xu hướng mới của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam,

"Trước hết, phương thức uỷ thác quản lý bất động sản du lịch là cực kỳ tốt. Bởi nó là sự cộng hưởng của tất cả các tư cách: chủ dự án (người xây dựng quần thể); nhà đầu tư (người mua các căn phòng trong đó); lợi ích của các khách trải nghiệm. Người chủ sở hữu cũng có thể trở thành khách trải nghiệm căn phòng đó hoặc của căn phòng khác. Cho thấy sự cộng hưởng đa chiều các lợi ích. Nói rộng hơn, hình thức này đem lại lợi ích cho cả nhà nước, nhà đầu tư, chủ sở hữu dự án và  khách hàng cuối cùng.

Lợi ích đầu tiên là giúp tiết kiệm vốn đầu tư. Chủ dự án tiết kiệm được vốn vì mời gọi được người mua vào. Nhà đầu tư cũng bớt đi phần tiền vì được bảo vệ tài chính, hơn nữa còn được cam kết về lợi nhuận trong một khoảng thời gian nhất định. Với mức độ 5 - 7% thì sau 10 năm là hoàn vốn. Nhà đầu tư cũng được giảm thiểu chi phí bảo dưỡng. Ngoài ra còn giảm thiểu được chi phí vận hành, khấu hao do dự án được vận hành, quản lý bởi đội ngũ chuyên nghiệp. Đây là điều rất có lợi về mặt đầu tư.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế

Lợi ích thứ hai là sự cộng hưởng tiện ích của các chuỗi dự án bất động sản du lịch. Nếu mua nguyên một căn phòng, căn hộ riêng lẻ thì giá trị nhận được là nhỏ nhưng nếu mua trong một tổ hợp lớn thì với sự cộng hưởng đó, nhà đầu tư rất có lợi khi được hưởng các tiện ích chung. Nếu nhà đầu tư bán hết mà không nhận uỷ thác thì họ cũng không được hưởng lợi lớn bởi họ chỉ có hạ tầng hoặc nếu chỉ mua để ở và không làm gì thì cũng “chết”. Rõ ràng, khi các bất động sản du lịch cộng hưởng với nhau và được uỷ thác, cộng hưởng các lợi ích thì đương nhiên sản phẩm đó tăng lợi ích rất tốt.

Thứ ba là mô hình này làm tăng trải nghiệm cho nhà đầu tư, họ có thể trải nghiệm 15 ngày trong dự án của mình hay ở nơi khác trong một quần thể.

Điểm nữa là tăng cơ hội đa dạng hóa cho các nhà đầu tư. Bởi khi đầu tư chỗ này một phần vốn thì họ có thêm vốn để đầu tư chỗ khác. Hơn nữa, sản phẩm bất động sản luôn luôn đa dạng và thay đổi, giúp nhà đầu tư có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn. Cuối cùng là có thể nhận được lợi ích từ các công cụ đòn bẩy do chủ dự án đưa ra.

Mô hình ủy thác quản lý đáp ứng nhu cầu thị trường cả về cung cầu trong du lịch, đặt trên các tiền đề là Việt Nam tăng dân số rất nhanh, khách du lịch cũng tăng nhanh, nhu cầu người dân cũng tăng nhanh… từ đó tạo ra lượng cầu lớn, giúp phát triển công nghiệp xây dựng, giúp thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế chia sẻ, kinh tế dịch vụ, kinh tế hội nhập… Theo tôi, mô hình bất động sản du lịch chia sẻ dưới dạng uỷ thác là hình thức có triển vọng tại Việt Nam", TS. Nguyễn Minh Phong phân tích.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế

Chia sẻ quan điểm hoàn toàn ủng hộ các loại hình sản phẩm bất động sản du lịch mới đang được các chủ đầu tư phát triển, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, ngoài việc học cái hay cái tốt, tinh hoa văn hóa thế giới thì các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự sáng tạo, trong những sự sáng tạo đó, ông Ánh kỳ vọng các doanh nghiệp đầu tư lớn lên dần trong các ý tưởng sáng tạo và tăng tính khả thi cho các kế hoạch, dự án mới của mình. Để từ đó không chỉ phát triển ngành bất động sản nói riêng mà còn phát triển chung nền kinh tế quốc gia. 

Cần một chính sách, chiến lược đặc biệt

Cũng tại Toạ đàm, các chuyên gia cùng bàn luận về yếu tố pháp lý, chính sách để trở thành bệ đỡ cho các mô hình bất động sản du lịch mới phát triển.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, phát triển du lịch không chỉ cần các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, cũng không nên quá trông mong vào các doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài mà còn cần huy động sức mạnh của 95,4 triệu người dân. Và quan trọng là cần sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông nhấn mạnh: “Tư duy làm du lịch của chúng ta dường như vẫn còn cũ kỹ. Ngày nay, du lịch liên quan đến 3 thị trường: thị trường bất động sản, thị trường du lịch và thị trường tài chính. Trong đó, vai trò của thị trường du lịch là rất quan trọng. Tổng Cục Du lịch phải nắm được số liệu, dự báo được xu hướng để định hướng phát triển".

Còn theo PGS. TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, phát triển du lịch của chúng ta đã có bước tiến rõ rệt nhưng so với tiềm năng thì còn xa, Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng du lịch.

PGS.TSKH Võ Đại Lược

PGS. TSKH Võ Đại Lược chia sẻ: “Tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam phải có một chính sách, một chiến lược đặc biệt, thu hút khách quốc tế đến với với những di sản, thắng cảnh của chúng ta. Hiện nay, chúng ta đang để không, rất lãng phí. Tôi có kiến nghị rằng, cần phát triển du lịch nghỉ dưỡng với một chuỗi giá trị. Trong đó đi đầu tiên từ danh lam thắng cảnh, đến khai thác, tiếp thị, phục vụ.

Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp kinh doanh bất động sản du lịch và nên mời chuyên gia nước ngoài tham gia cùng. Đồng thời, nên kiến nghị Chính phủ thành lập hội đồng tư vấn về phát triển khai thác những danh thắng hàng đầu của Việt Nam để những nhà tư vấn có thể đề xuất ra những giải pháp. Muốn khai thác thì Chính phủ phải có chiến lược, tầm nhìn, biện pháp cụ thể thì mới có thể khai thác được. Nếu Chính phủ không ra tay thì doanh nghiệp bó tay".

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

Liên quan đến thị trường bất động sản du lịch, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Liên quan đến thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, hiện nay, Bộ Xây dựng đang cùng với các cơ quan chuẩn bị các báo cáo và dự thảo về tiêu chuẩn xây dựng, chỉ tiêu dân số, vấn đề kinh doanh...

Nội dung nữa chúng tôi thấy rất quan trọng là vấn đề phân loại đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nói cách khác, nó liên quan đến vấn đề quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất. Vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới khi sửa đổi Luật Đất đai phải xác định rõ chế độ sử dụng đất với các loại hình mới trong phát triển bất động sản du lịch”.