Mở cửa du lịch và kỳ vọng phục hồi phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng
Cập nhật lúc: 18/03/2022, 13:30
Cập nhật lúc: 18/03/2022, 13:30
Với việc Chính phủ cho phép mở cửa an toàn đối với ngành du lịch đã mang đến những tín hiệu khả quan cho sự phục hồi của phân khúc bất động sản (BĐS) du lịch - nghỉ dưỡng.
Trải qua 2 năm “đóng băng”, ngành du lịch trong thời gian gần đây đang cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Những nơi hút khách du lịch Tết Nguyên đán vừa qua, không thể không nhắc tới các “thủ phủ” Sa Pa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Thanh Hóa, Tây Ninh.
Riêng Phú Quốc đón 79.000 khách, công suất phòng đạt 71,3%. Ngoài bãi biển nắng ấm cùng ẩm thực trứ danh, phải kể tới các điểm hút khách “mới toanh” ở phía Nam đảo, như Sun Signature Gallery tại Thị trấn Địa Trung Hải, siêu phẩm trò chơi tàu lượn siêu tốc bằng gỗ lần đầu tiên tại Việt Nam thuộc phân khu chủ đề Exotica Village trên đảo Hòn Thơm do Sun Group giới thiệu.
Từ mùng 2-8 Tết, lượng khách đến Hòn Thơm tăng trên 200% so với cùng kỳ năm trước. Các resort nổi tiếng New World Phu Quoc Resort, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay tại Bãi Kem, hay Premier Village Phu Quoc Resort ở Mũi Ông Đội đều “cháy phòng”.
Nhiều nhất phải kể đến Tây Ninh với 595.000 lượt khách. Ngược ra phía Bắc, Quảng Ninh đón gần 300.000 khách, tăng 3 lần so với cùng kỳ. Công suất khách sạn 4-5 sao đạt 80-90%, trong đó Premier Village Ha Long Bay tại Bãi Cháy “full” phòng đặt từ trước Tết.
Sa Pa, Lào Cai, đón hơn 85.000 lượt khách, hơn 1 nửa trong số đó đã trải nghiệm Sun World Fansipan Legend, đem đến lượng khách tăng hơn 330% so với cùng kỳ năm 2021 cho KDL. Đà Nẵng cũng ghi nhận gần 36.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ. Các khách sạn, rerort tại Đà Nẵng như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Novotel Premier Han River đạt công suất ấn tượng.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 năm nay tăng 169,6% so với cùng kỳ năm trước do Chính phủ đang thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch, nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 49.200 lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ, trong đó khách đến bằng đường hàng không chiếm 87,8% lượng khách quốc tế. Năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu phục vụ 65 triệu lượt khách bao gồm 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu khoảng 440.000 tỷ đồng.
Số liệu trên là tin vui không chỉ cho riêng ngành du lịch, mà còn mở ra cơ hội phục hồi của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề suốt 2 năm dịch bệnh Covid-19 kéo dài vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, tín hiệu vui từ dòng khách du lịch vừa qua sẽ tạo đà cho thị trường địa ốc phát triển, cộng thêm những “lực đẩy” khác như gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 đồng.
Dấu ấn khởi sắc của các điểm đến hàng đầu cho thấy, du lịch “ngủ đông” chỉ là tạm thời. Ngay khi “bình thường mới”, những nơi được đầu tư du lịch bài bản, chuyên nghiệp đang trở thành thỏi “nam châm” hút khách.
Khi thị trường du lịch khởi sắc thổi bừng sinh khí mới cho thị trường địa ốc. Trong đó phân khúc BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ bật tăng mạnh mẽ. Hội môi giới BĐS Việt Nam đánh giá, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ là điểm sáng hấp dẫn đầu tư năm 2022, với vai trò tiên phong trong thúc đẩy đô thị hoá.
Giới chuyên gia cho rằng, các sản phẩm quy hoạch bài bản, đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn về môi trường du lịch, nghỉ dưỡng, được đầu tư tốt về hạ tầng, vị trí giao thông thuận lợi và được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín sẽ có tỷ lệ hấp thụ tốt.
BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng được ví như “hổ mọc thêm cánh” trong năm Nhâm Dần nhờ “bệ phóng” từ chủ trương mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc của Chính phủ, gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, sửa đổi nhiều bộ luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thị trường phát triển bền vững.
Về lâu dài, du lịch vẫn là kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, nên BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng được coi là “mỏ vàng”. Dự kiến, đến 2025-2030, Việt Nam sẽ đón trên 50 triệu khách quốc tế và gần 200 triệu lượt khách nội địa.
Thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam cho thấy, đến 2020 mới có 216 dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng với chưa đầy 100.000 condotel; villa, biệt thự nghỉ dưỡng chỉ gần 30.000 căn; Dòng shophouse mới đạt hơn 15.600 sản phẩm... Đây là con số khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu. Giá BĐS du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam cũng đang thấp hơn nhiều so với thế giới.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết thêm, BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ “nóng” trong năm 2022, phân tích: “Thị trường BĐS gắn với du lịch dưỡng bắt đầu xuất hiện nhiều tổ hợp du lịch quy mô lớn, chức năng đa dạng, thay cho những dự án nhỏ lẻ, đơn độc. Những đại đô thị du lịch chất lượng rất cao, thu hút đông đảo nhà đầu tư đang là hướng đi mới, là sự cơ cấu lại của phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng”.
Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng phân khúc BĐS du lịch - nghỉ dưỡng vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, cần bổ sung quy định đối với công tác quản lý Nhà nước, trong Luật Kinh doanh BĐS 2014 tích hợp chặt chẽ giữa hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS, BĐS du lịch với vấn đề bảo vệ môi trường. Xây dựng tiêu chí, sản phẩm BĐS du lịch xanh; xác lập cơ chế đồng bộ, thống nhất về chính sách ưu đãi, khuyến khích chủ đầu tư kinh doanh tạo lập sản phẩm BĐS du lịch xanh hoặc lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS du lịch.
Ngoài ra, cũng cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch năm 2014 nhằm bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ, góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS du lịch thông suốt, cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia phân khúc thị trường BĐS du lịch.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/mo-cua-du-lich-va-ky-vong-phuc-hoi-phan-khuc-bds-du-lich-20201231000005707.html
06:30, 24/11/2021
06:00, 18/06/2020
16:33, 21/11/2019