19/01/2025 | 15:24 GMT+7, Hà Nội

Mía đường có “sợ” hội nhập?

Cập nhật lúc: 16/08/2019, 06:00

Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp mía đường xin được hoãn Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) do công nghệ lạc hậu, không được đầu tư bài bản nên phát triển ì ạch, khó cạnh tranh.

Tuy nhiên, câu chuyện “sợ” hội nhập của ngành mía đường lại nằm cả ở những yếu tố khác.

Chạy đua cùng công nghệ

Nếu như trước đây, hàng loạt nhà máy đường hoạt động cầm chừng do công nghệ cũ kỹ lạc hậu, chất lượng đường khó cạnh tranh thì sau thời gian cổ phần hóa, trước yêu cầu phải đổi mới nâng cao chất lượng, các cổ đông của nhiều doanh nghiệp đường có tiềm lực lớn trong nước đã mạnh dạn rót hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào mua sắm máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại để phát triển nhà máy. Năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm đường vì thế được nâng cao, nhiều sản phẩm của các nhà máy được đánh giá có chất lượng ngang bằng thậm chí hơn với nhiều nước trong khu vực.

Nếu không có chính sách đầu tư và biện pháp tháo gỡ thì ngành mía đường sẽ lâm vào khủng hoảng (Ảnh minh họa).

Nếu không có chính sách đầu tư và biện pháp tháo gỡ thì ngành mía đường sẽ lâm vào khủng hoảng (Ảnh minh họa).

Những năm gần đây, ngành đường đã xuất hiện nhiều cái tên khá nổi về việc “bạo chi” để đổi mới công nghệ. Điển hình như Công ty CP Mía đường Sơn La, để nâng cao năng suất cũng như chất lượng đường, sau cổ phần hóa, doanh nghiệp này đã đầu tư 1.000 tỷ đồng để thay dây chuyền theo công nghệ mới với nhiều thiết bị hiện đại của các quốc gia như Nhật Bản, Đức, Ấn Độ.

Nhằm tìm một hướng đi mới trong bối cảnh thị trường nhiều thay đổi, cạnh tranh ngày càng cao, Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa cũng đã chi đến 700 tỷ đồng đầu tư rất nhiều trang thiết bị hiện đại gồm máy ép thế hệ mới, công nghệ bốc hơi màng rơi…

Cũng nằm trong số các công ty phát triển mạnh mẽ sau cổ phần, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) cũng đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ. Riêng hai năm 2014 và 2015, doanh nghiệp này đã đầu tư 300 tỷ đồng để mua mới các thiết bị công nghệ cho nhà máy.

Còn nhiều áp lực

Tuy nhiên, một thực tế không mấy sáng sủa đang diễn ra với ngành mía đường khi theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dự kiến trong niên vụ mía 2019 - 2020, thị trường cả nước có hơn 2,2 triệu tấn đường. Trong đó lượng đường sản xuất hơn được 1,5 triệu tấn, tồn kho hơn 600.000 tấn, nhập khẩu theo cam kết với WTO dự kiến 94.000 tấn. Đó là chưa kể một lượng lớn đường nhập lậu mà không thể tính được con số chính xác đang ngày đêm tràn vào nước ta. Theo đánh giá của Công ty CP Mía đường Sơn La, trước thị trường đường như hiện nay, nếu Hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực, đường nhập lậu lại có cơ hội “hợp thức hóa” thì tình hình sẽ khó kiểm soát, giá đường sẽ giảm mạnh; điều này đồng nghĩa với việc nhà máy vô cùng khó khăn.

Chia sẻ về những khó khăn của ngành đường nói chung, ông Subbaiah - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cũng cho biết: Mặc dù đến đầu năm sau Hiệp định ATIGA có hiệu lực nhưng đến nay chúng tôi cũng chưa rõ chính sách hội nhập cụ thể cho ngành mía đường ra sao. Hiện tại đường lậu đã tràn vào Việt Nam với một số lượng rất lớn. Và khi hội nhập chính thức thì lượng đường tràn vào càng lớn và giá đường sẽ phải giảm xuống 15 - 20% . Khi giá đường xuống thấp thì giá thu mua mía của người nông dân chắc chắn sẽ giảm. Và người nông dân một khi không có lãi họ sẽ chuyển sang trồng cây khác. Không còn cây mía thì nhà máy lấy đâu nguyên liệu sản xuất, tương lai sẽ rất khó khăn.

Trên thực tế, chúng ta có thể thấy và ghi nhận những cố gắng thực sự của nhiều doanh nghiệp mía đường trong việc thay đổi để thích ứng với hội nhập. Thế nhưng, chính những khó khăn nội tại như đường lậu giá rẻ tràn ngập thị trường khiến đường trong nước phải chấp nhận “thua trên sân nhà”, lượng đường tồn kho theo đó sẽ tăng lên hàng năm. Doanh nghiệp khốn đốn không có tiền để mua mía cho bà con với giá như trước, giá mía giảm người nông dân không thể chung thủy với cây mía như hàng chục năm qua mà phải chuyển sang cây trồng khác. Vậy là một vòng luẩn quẩn cứ bủa vây lấy ngành mía đường.

Nhiều chuyên gia nhận định, để chấm dứt được cái vòng luẩn quẩn của ngành mía đường thì không thể chỉ tìm lời giải cho vấn đề của nông dân hay doanh nghiệp mía đường mà nó ở tầm cao hơn đó chính là vấn đề của chính sách. Ngành mía đường đang thực sự từng bước đi vào bờ vực nếu không có những chính sách và sự hỗ trợ kịp thời thì chắc chắn trong tương lai rất gần doanh nghiệp mía đường sẽ rơi xuống vực thẳm của phá sản, người nông dân sẽ lâm vào cảnh khốn cùng của thất nghiệp, đói nghèo.

Nguồn: https://congluan.vn/mia-duong-co-so-hoi-nhap-post66553.html