18/01/2025 | 10:08 GMT+7, Hà Nội

Lường trước các loại tội phạm để chủ động biện pháp, đối sách thích đáng

Cập nhật lúc: 20/04/2020, 20:48

Hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 sẽ còn kéo dài, kể cả khi chúng ta kiềm chế được. Khó khăn về kinh tế, thiếu công ăn việc làm sẽ kéo theo sự xuất hiện của các loại tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm liên quan đến...

Hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 sẽ còn kéo dài, kể cả khi chúng ta kiềm chế được. Khó khăn về kinh tế, thiếu công ăn việc làm sẽ kéo theo sự xuất hiện của các loại tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm liên quan đến xâm phạm sở hữu, sử dụng công nghệ cao và tội phạm “mạng” gia tăng hoạt động.

Để đảm bảo an ninh trật tự đợt cao điểm phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, lực lượng Cảnh sát cơ động Công an Hà Nội đã lên kế hoạch và tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Ảnh: Lam Thanh

Không thể phủ nhận do dịch bệnh Covid-19, các loại tội phạm thuộc nhóm xâm phạm sở hữu đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, bởi những nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) - Bộ Công an và chỉ huy Cảnh sát hình sự thuộc Công an Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ, những hệ lụy đến từ dịch bệnh Covid-19, có thể sẽ trở thành nguyên nhân khiến các loại tội phạm này gia tăng sau mùa dịch Covid-19.

Nhiều đơn vị đã ra quân thực hiện cao điểm phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19

Cảnh sát hình sự ứng trực 24/24h

Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, ngoài các vụ phạm pháp hình sự được điều tra khám phá nhanh, thì hiệu quả đấu tranh trấn áp tội phạm cũng rất cao.

Đơn cử như từ khi dịch bùng phát trở lại (6-3-2020), riêng Cục CSHS đã phối hợp với công an các đơn vị địa phương điều tra khám phá hàng chục chuyên án phạm pháp hình sự các loại. Cục CSHS đã bắt giữ 10 đối tượng truy nã, trong đó có 3 đối tượng truy nã là người nước ngoài, đặc biệt có đối tượng truy nã đặc biệt nghiêm trọng, có bản án tù chung thân. 

Ngoài ra, Cục CSHS đã phối hợp với Công an các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh điều tra những vụ án liên quan đến mua bán, sản xuất khẩu trang kém chất lượng. 

Tại Công an Hà Nội, trong những ngày phòng chống dịch bệnh, Đội 6, Phòng Cảnh sát hình sự CATP đã bắt giữ ổ nhóm trộm cắp chuyên nghiệp, gây ra 16 vụ đột nhập các cửa hàng tiện ích, cửa hàng cầm đồ, siêu thị điện máy... trên địa bàn thành phố gây án. 

Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội nhìn nhận, ở thời điểm này, dịch bệnh bùng phát, toàn bộ lực lượng công an, quân đội và cả hệ thống chính trị đang căng mình chống dịch, thì tần suất lực lượng chức năng xuất hiện ngoài mặt đường cũng như ở các địa bàn trọng điểm về ANTT rất nhiều, khiến tội phạm không dám hoạt động. Cùng với đó, do đang cách ly xã hội, việc các đối tượng phạm tội di chuyển cũng khó khăn, dễ bị phát hiện, bắt giữ...

Ngoài ra, tội phạm xâm phạm sở hữu, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản đa số thực hiện lén lút, bí mật, trong khi đó, hiện đang ở thời điểm giãn cách xã hội, người dân ở nhà nên việc trộm cắp tài sản không dễ. Tại các cơ sở công cộng như đình chùa, trung tâm thương mại cũng hạn chế mở cửa, nên các đối tượng khó trà trộn để trộm cắp tài sản. 

Chia sẻ về khó khăn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong mùa dịch bệnh, chỉ huy Cục CSHS cho rằng, công tác điều tra vụ án, đấu tranh các chuyên án đối với tội phạm hình sự không bao giờ dễ dàng, tuy nhiên trong bối cảnh tình hình dịch bệnh bùng phát thì công tác phòng chống tội phạm hình sự, cũng như đấu tranh chuyên án của lực lượng CSHS cũng gặp một số khó khăn nhất định. 

Để giảm bớt khó khăn, lực lượng CSHS đã có kế hoạch chia ca làm việc, đảm bảo 24/24h đều có mặt CBCS tại địa bàn. Khi vụ án xảy ra, lực lượng CSHS tập trung điều tra vụ án ngay lập tức. Ngoài đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng CSHS toàn quốc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, trước hết là phòng ngừa cho chính CBCS, người dân và các đối tượng phạm tội nếu phát hiện, bắt giữ...

Những trường hợp vi phạm đều được các chiến sĩ xử lý, tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ

Cảnh báo gia tăng tội phạm  

Tính đến thời điểm này (17h ngày 19-4), Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã qua 72 giờ không xuất hiện người bệnh dương tính với Covid-19. Các biện pháp phòng chống dịch đã nhanh chóng được triển khai. Nhiều người mong đợi hết quãng thời gian giãn cách xã hội tại các địa phương có nguy cơ cao và dịch bệnh sẽ được khống chế thành công tại Việt Nam. 

“Nhưng hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 sẽ còn kéo dài, kể cả khi chúng ta kiềm chế được. Khó khăn về kinh tế, thiếu công ăn việc làm sẽ kéo theo sự xuất hiện của các loại tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm liên quan đến xâm phạm sở hữu, sử dụng công nghệ cao và tội phạm “mạng” gia tăng hoạt động. Không loại trừ những loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như giết người cướp tài sản, cũng sẽ xuất hiện trở lại sau dịch” - Cục trưởng Cục CSHS đánh giá.

Đồng quan điểm với lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự, Đại tá Nguyễn Bình cho rằng, ở thời điểm dịch bệnh đang diễn ra, tổng thể chung tình hình tội phạm giảm, nhưng lại phát sinh hệ lụy của kinh tế suy thoái bị ảnh hưởng và hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19 đối với đời sống nhân dân sẽ khó khăn, kinh tế kém phát triển dẫn đến hoạt động tội phạm xâm phạm sở hữu như: trộm cắp tài sản, cướp - cướp giật tài sản, cưỡng đoạt và lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... 

Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội cho rằng, trong thời điểm người dân đang thực hiện giãn cách xã hội, liên quan đến giao lưu, hoạt động thương mại trên không gian mạng phát triển. Cùng với đó, tội phạm cũng lợi dụng “mạng” để hoạt động lừa đảo. Một số đối tượng ở nhà rỗi rãi, không có việc làm đã phát sinh tệ nạn xã hội - đánh bạc trên “mạng” và kéo theo đó là sự xuất hiện một số đối tượng sử dụng tiền giả để thanh toán sau khi thua bạc trên “mạng”. 

Ngày 6-4 vừa qua, Bộ Công an đã ra Công điện gửi các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó yêu cầu tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các phương án bảo đảm an ninh, trật tự theo các cấp độ của dịch bệnh Covid-19 đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt; Tăng cường các mặt công tác phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra tình hình phức tạp, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Dịch bệnh Covid-19 đang dần được khống chế. Nhằm hạn chế tối đa những hệ lụy do dịch Covid-19 gây ra, người dân cần nâng cao cảnh giác, tự quản, tự phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng “mạng” và không cung cấp thông tin cá nhân, nhất là những thông tin mang tính bí mật như tài khoản ngân hàng, mật khẩu để tội phạm lợi dụng. Phát hiện hành vi, cử chỉ hoạt động có dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến việc quyên góp phòng chống dịch, môi giới, chèo kéo mua bán các trang thiết bị y tế phòng dịch bệnh, trước hết không tham gia và báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất, hoặc chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng thông qua số điện thoại 113, hay số điện thoại đường dây nóng của Cục CSHS - Bộ Công an: 069.2348.056.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà (Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an)