19/01/2025 | 07:28 GMT+7, Hà Nội

Long đong nghề trồng hoa Tết

Cập nhật lúc: 11/01/2019, 16:44

Đã là một thứ nghề kinh doanh thì chuyện may rủi vốn là cái lẽ thường tình, với nghề kinh doanh hoa và cây cảnh Tết cũng vậy. Cả năm dồn lại có mấy ngày, được bạc tỷ hay trắng tay chỉ là một khoảnh khắc nếu không muốn nói đến chuyện điêu đứng. Xem chừng cái nghề trồng hoa và cây cảnh làm đẹp cho đời, cho mỗi mùa Xuân với người dân làng hoa quả cũng lắm gian truân.

Nghề lắm công phu

Trồng hoa tết, một nghề vất vả và chứa đựng nhiều rủi ro
 

Nguyên thủy, Hà Nội vốn có ba làng trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng là Nhật Tân, Quảng Bá và Ngọc Hà. Riêng với làng hoa Ngọc Hà - một làng trồng hoa sớm nhất và có tiếng nhất thì nghề trồng hoa hầu như không còn nữa. Nhật Tân thì vừa bị lấy đất trồng đào, trồng hoa để làm nhà, diện tích trồng hoa và cây cảnh của Hà Nội hiện tại chỉ còn “trông chờ” vào Quảng Bá và những vùng đất còn lại như Tây Tựu, Mê Linh, Phúc Thọ…. Kéo theo vùng trồng hoa và diện tích nhỏ lẻ này hiện tại có cả chục nghìn hộ dân đang lam lũ đánh vật với từng luống đất, gánh gio, thùng phân để kiếm sống bằng nghề trồng hoa. Trồng hoa và cây cảnh để kiếm sống đã trở thành nghề tay phải của hầu hết dân ở đây. Vui, buồn, sướng, khổ của cái nghề trồng hoa đã in đậm trong tâm trí họ.

Nghề trồng hoa, kinh doanh cây cảnh của các làng hoa trên khởi phát mạnh mẽ vào những năm 1980 và đầu những năm 1990 của thế kỷ 20. Cơ chế thị trường mở ra làm bản lề để đóng lại những dĩ vãng buồn vui thời bao cấp, bộ mặt của Hà Nội chuyển biến mãnh mẽ. Đi cùng với những những nhà cao tầng, những chiếc xe đời nọ đời kia và cả những bộ váy áo được thay đổi mẫu mã liên tục của các cô gái là sự tất bật của nghề trồng hoa, đặc biệt là hoa Tết.

Nghề trồng hoa, cây cảnh Tết hiện nay đa dạng với đủ các loại hình kể cả những mánh mung và chưa bao giờ lại bùng phát như những năm gần đây. Ngoài đào, quất – những cây đón Tết truyền thống còn đủ các loại hoa và cây cảnh khác. Từ cúc, layơn, thược dược, tuy líp đến cả các loại hoa quý phái khác chỉ có ở đất nước “mặt trời mọc” (Nhật Bản) như trà cũng có mặt ở các vùng hoa. Mùa nào thứ ấy, nhu cầu của thị trường ngày Tết cần thứ gì các vùng hoa đều có thứ ấy.

Trồng hoa bán Tết là mục đích được xác định hàng đầu của người dân ở các vùng trồng hoa vì hoa bán ngày Tết bao giờ cũng đắt gấp 4-5 lần, thậm chí là hàng chục hoa ngày thường. Thế nhưng một vấn đề bao giờ cũng có hai mặt của nó. Để có khoản thu siêu lợi nhuận trên, cái nghề trồng hoa Tết cũng gặp rất nhiều gian truân. Từ việc đoán định thị hiếu về hoa Tết trong mỗi năm để mà gieo trồng loại hoa nào cho có lợi đến việc chăm sóc, hãm cây cho hoa nở đúng ngày cũng là cả một bài toán làm cho người trồng hoa phải đau đầu.

Bây giờ thị hiếu của người chơi hoa vào dịp Tết không còn bó hẹp trong những loài hoa cổ điển truyền thống như quất, đào hay hồng nữa. Người chơi hoa Tết ngày nay chạy theo một thị hiếu rất vô nguyên tắc. Năm trước vào ngày tết hoa phăng có giá là thế nhưng năm nay loại hoa được giá có thể không phải là hoa phăng nữa mà là một loại hoa nào đó. Để chọn cho mình một loại hoa bán có giá nhất người trồng hoa chỉ còn dựa vào linh cảm rất chủ quan của mình. Nắm bắt, đoán định được thị hiếu để đi vào trồng một loại hoa nào cho ngày Tết sao cho thu lợi nhuận cao nhất cũng là cả một khó khăn với người trồng hoa.

Thị hiếu trêu người

Quất - Một trong những cây đón Tết truyền thống của người miền Bắc
 

Nói về nghề trồng hoa Tết, Hùng Đại – một người trồng hoa truyền thống hiện ở bãi Tứ Liên cho biết: Kinh doanh hoa Tết bây giờ không phải là một chuyện bình thường. Chỉ cần một tính toán sai lầm là bán nhà để mà trả nợ ngay. Cái khó nhất của người trồng hoa bây giờ là thị hiếu của người tiêu dùng. Nghề trồng hoa vất vả lắm! Tháng giêng, tháng Hai, ruộng chưa ráo sương muối đã phải lục đục ra đồng để giâm cây, làm đất. Gieo hoa gì, trồng cây gì để đón lõng là cả một việc không nhỏ. Ngay cả cái anh đào – cây cảnh Tết truyền thống cũng thay đổi mẫu mã luôn xoành xoạch.

Năm 2015, đào Tết chuộng nhất là thế Long Giáng. Sang năm 2016 cũng là cây đào nhưng chuộng nhất là Long Thăng. Vào năm 2017 thì họ lại chuộng thế đảo địa huyền chi. Chỉ nói riêng với đào Tết mỗi năm đã một thế, một dáng. Cây trồng xuống rồi, đoán định dáng vẻ thế nào thì đặt hom giống, tỉa cành, tuốt lá như thế, khó thay đổi được dáng dấp lắm. Tính dáng này, loại hoa này vào dịp Tết là ăn nhưng đùng một cái, ba tháng cuối năm thị hiếu người tiêu dùng lại quay ngoắt 180 độ như cách tính là ôm nhau ngồi khóc ngay. Kinh doanh hoa, cây Tết bây giờ giầu thì giầu thật nhưng khốn đốn cũng chỉ trong gang tấc.

Ngoài dáng cây, thế cây và một loại hoa cho ngày Tết thì chuyện khí hậu cũng quan trọng vô cùng. Vào những năm chuyển giao thế kỷ này, thời tiết luôn chuyển biến bất thường cũng là một trong nghìn lẻ những cái cớ để đem đến cho người trồng hoa những gian nan. Bây giờ một năm không chỉ cố định bằng 4 mùa mà có khi có tới 5- 6 mùa. Cây hoa lại là cây nhậy cảm với thời tiết, một sự chuyển đổi bất thường rất nhỏ của thời tiết với người trồng hoa là đồng nghĩa với chuyện bạc tỷ đổ xuống sông. Cây lúa, cây ngô có thể chín sớm, chín muộn đến vài tuần thì chẳng sao chứ cây hoa chỉ cần nở sớm hay muộn 3- 4 ngày là điêu đứng ngay.

Hải Hoàng nhà ở sát chân cầu Thăng Long năm ngoái cũng được một phen xanh mặt vì hoa. Với số vốn bỏ ra ngót hơn 500 triệu cùng 5 quân sư có thâm niên về nghề trồng hoa cùng gần chục lao động làm công nhật Hoàng đã thuê gần 1 mẫu đất để kinh doanh hoa Tết. Theo cách tính sơ đẳng của Hoàng thì có rẻ rúm mùa hoa năm ấy trừ các khoản hắn cũng đổi cho gia đình được con xe hơi đời mới. “Mưu việc tại nhân, thành việc tại thiên”, năm ấy càng về cuối năm, nắng càng dữ. Nhiệt độ từ 13 độ bất chợt tăng lên 22 rồi 25 độ. Huy động cả già, trẻ, gái, trai sớm chiều bơm nước cùng nghìn lẻ những kinh nghiệm khác mà các chuyên gia hiến kế để hãm cây nhưng vẫn không cưỡng được ý trời.

Ruộng hoa của nhà Hoàng cùng các hộ cứ thế mà khoe hương, khoe sắc khi cái Tết còn cách xa đến cả tuần trời. Hoa cười, người khóc; hoa đã nở không cắt bán thì nó cũng héo. Thế là lại tất bật vợ chồng con cái sớm hôm cắt hoa chất lên xe đem rải chợ cho những ai có ý định đón xuân sớm mua. Vụ hoa ấy, số tiền đã đổ xuống sông. Năm nay gặp lại Hoàng, vụ thua lỗ của hoa Tết năm ngoái vẫn chưa nguôi ngoai trên khuôn mặt…

Một mùa Xuân nữa lại đang về và đang gieo thêm những hy vọng về thu nhập cho người dân các làng chuyên canh về hoa Tết. Hy vọng rằng năm nay thời tiết không đỏng đảnh, thị hiếu người tiêu dùng ổn định để đem lại những niềm vui cho người dân đang theo nghề tại nơi đây.

Phương Nguyên