21/11/2024 | 16:42 GMT+7, Hà Nội

Logistics và bài toán nâng cao giá trị nông sản Việt Nam

Cập nhật lúc: 13/12/2019, 10:39

Sức sản xuất hàng hóa nông sản của nông nghiệp Việt Nam đang lớn mạnh hơn rất nhiều so với những năm trước đây nhưng năm nào bài toán “được mùa mất giá” cũng chưa có lời giải thỏa đáng.

Thực tế này xảy ra có nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân chủ quan của ngành sản xuất nông sản như sản xuất manh mún, kỷ luật sản xuất lỏng lẻo thì còn những nguyên nhân khách quan khác như sản phẩm làm ra có lúc phải đi “cửa sau” vào một số siêu thị với nhiều chi phí còn bất hợp lý. Hàng hóa nông sản Việt Nam giá trị gia tăng còn thấp khi được tiêu thụ, sức cạnh tranh còn yếu, ngay ở thị trường nội địa chứ chưa nói tới xuất khẩu. Ngoài những nguyên nhân kể trên thì còn một nguyên nhân nữa, đó là sự yếu kém của ngành logistic, chưa phát triển lên được sau nhiều năm đổi mới.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

PV: Thưa ông, ngày nay, sức sản xuất hàng hóa nông sản của nông nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Tuy nhiên, năm nào bài toán “được mùa mất giá” cũng chưa có lời giải thỏa đáng. Vậy nguyên nhân do đâu dẫn tới tình trạng này và nó liên quan như thế nào tới ngành logistics?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Như chúng ta đã biết, vấn đề nổi lên nhất chính là hạ tầng giao thông bao gồm các yếu tố như đường xá, thiết bị vận tải của các loại hình vận chuyển như đường bộ, đường sông, đường sắt, đường biển còn rất lạc hậu. Hệ thống kho bãi và các trung tâm logistic vùng chưa được thiết lập, các chuỗi cung ứng lạnh cho vận chuyển hàng hóa chuyên dùng hầu như chưa có gì. Cả nước không có những chợ đầu mối nông sản thực phẩm và những trung tâm giao dịch hàng hóa mang tầm cỡ khu vực.

Nói đến hạ tầng thì cũng phải nói tới những yếu kém của hạ tầng mềm của ngành logistic Việt Nam như: Vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, việc sử dụng các robot thay thế con người còn rất hạn chế, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để giải bài toán về dữ liệu chưa được đầy đủ, sử dụng Internet vạn vật để giải bài toán tối ưu hóa tồn kho hàng hóa dựa trên điện toán đám mây chưa làm được bao nhiêu…

Chuyên gia kinh tế, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

Vấn đề thứ hai là kết nối, trước hết là kết nối giữa các vùng miền. Ví dụ, khu vực Đồng bằng Sông Cửu long là nơi xuất khẩu gạo, thủy hải sản tươi sống, rau củ quả lớn nhất của cả nước, song các sản vật của các tỉnh trong vùng lại không xuất được trực tiếp tại các cảng, các trung tâm logistic ở các địa phương mà hầu như phải tăng chi phí vận tải do phải vận chuyển đoạn đường rất xa đến TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu hoặc phục vụ cho tiêu dùng nội địa.

Kết nối trong khu vực ASEAN còn ách tắc bởi các tuyến đường vận chuyển trong nội khối chưa được kết nối hoàn chỉnh. Hành lang kinh tế Đông Tây là một ví dụ điển hình. Hiện nay, hành lang này vẫn bị chia cắt bằng các Hiệp định song phương mà chưa thành sự kết nối của các Hiệp định đa phương. Vận tải xuyên biên giới cũng chưa được thiết lập nhiều bởi container hàng từ nước này sang nước khác vẫn phải bốc hàng chuyển xe ở biên giới sang nước thứ hai. Trong khi, hàng nông nản phải đi thẳng một mạch qua các nước từ khâu đầu tới khâu cuối.

Về nguồn nhân lực logistic, đội ngũ cán bộ công nhân viên, công nhân trong các dây chuyền vận hành còn chưa chuyên nghiệp, trình độ sử dụng các phương tiện hiện đại còn bất cập. Đặc biệt là tính độc lập và trí sáng tạo còn hạn chế, làm ảnh hưởng tới năng suất và hiệu quả công việc. Chi phí logistic ở Việt Nam còn cao, quy trình vận hành bị kéo dài một cách vô lý như thời gian làm các thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu hàng hóa, các thủ tục hành chính ở kho, cảng bến bãi còn rườm rà, phức tạp, thậm chí còn tiêu cực, vẫn chưa được cải tiến và gỡ bỏ một cách cơ bản.

Nhiều năm nay, cả nước đã tổ chức nhiều cuộc kết nối tiêu thụ nông sản giữa các vùng miền, các tỉnh thành phố, đồng thời tổ chức nhiều chuỗi sản xuất phân phối bán lẻ song hiệu quả vẫn còn thấp, một phần là do những yếu kém của ngành logistic. Ngoài ra, logistic Việt Nam còn thiếu tính chia sẻ. Doanh nghiệp logistic tuy nhiều nhưng không mạnh so với các doanh nghiệp nước ngoài do thiếu sự phối hợp để giảm bớt những lãng phí trong dự trữ, vận chuyển, sơ chế và tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

PV: Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới nông sản Việt chưa có sức bật cao là do ngành logistics còn nhiều yếu kém. Vậy biểu hiện cụ thể của sự yếu kém đó như thế nào thưa ông?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Chính từ những nguyên nhân trên làm cho hàng hóa nông sản trong chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu gánh chi phí cao, có tỷ lệ hư hao mất mát lớn. Từ đó làm tăng giá cả hàng hóa nông sản của Việt Nam lên một mức vô lý, năng lực cạnh tranh về giá bị suy giảm.

Số liệu thống kê cho thấy, có đến 70% xe vận tải không có hàng khi di chuyển. Tính ra chưa đến 15% số lượng doanh nghiệp logistic sử dụng các phần mềm quản trị và điều hành doanh nghiệp như WMS, TMS. Còn hầu hết các doanh nghiệp khác chủ yếu thao tác thủ công hoặc bằng excel. Một số doanh nghiệp Việt Nam còn thật sự chưa tin tưởng lẫn nhau, do vậy chúng ta đã yếu lại thiếu liên kết chia sẻ thì ngày càng yếu thêm.

Hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất đi 185 nước và vùng lãnh thổ nhưng vẫn còn nặng và không đi được xa, chi phí tốn kém. Chi phí logistic chiếm tới 29,5% đối với ngành hàng rau quả và 30% đối với ngành hàng gạo trong lĩnh vực xuất khẩu. Mức chi phí logistic của Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và cao gấp 3 lần so với Singapore.

Một ví dụ cụ thể, xuất khẩu một cân thanh long giá bán được là 7 USD nhưng chi phí logistic mất 3,5 USD - tương đương 50% giá trị. Với chi phí cao như vậy, thanh long nước ta cũng như các mặt hàng nông sản khác khó có thể cạnh tranh với các hàng hóa tương tự của Thái Lan và các nước khác cũng xuất khẩu đi các nước.

Vừa qua, Chính phủ đã có những định hướng cho ngành Logistic từ 2020 đến 2025, đó là cần quan tâm phát triển các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, logistic. Chính phủ đã thể hiện quyết tâm này bằng các Quyết định 200QĐ/TTG năm 2017, Nghị định 163/2017ND/CP, chỉ thị số 21/CTTTG năm 2018 bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban chỉ đạo Quốc gia về cơ chế một cửa của khối ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại phát triển.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm chi phí logistic từ 20% xuống 16% tỷ trọng GDP và ngành logistic sẽ đóng góp 8 - 10% GDP thay vì như hiện nay mới đạt 4 - 5%.

Nâng cao logistics là một trong những giải pháp giúp nông sản Việt cạnh tranh được với các nước. 

PV: Thưa ông, để giải quyết tình trạng trên và để nâng cao giá trị, sức tiêu thụ của nông sản Việt thì ngành logistics cần có những giải pháp tháo gỡ nào?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Logistic là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản, do đó phải tìm cách giảm chi phí, cần cải tổ đổi mới xung quanh các trụ cột, thúc đẩy để tạo thêm những thuận lợi hóa trong thương mại. Logistic nước ta đi chậm hơn các nước khác do đó cần phải phát triển nhanh hơn, mạnh hơn nhằm đuổi kịp các nước trong khu vực và thế giới, cần đơn giản hóa thủ tục thông quan, xây dựng các trung tâm logistic mang tính cạnh tranh.

Về lâu dài, Nhà nước phải tạo quỹ đất để phát triển hạ tầng logistic, giảm bớt các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm thiểu những trục trặc trong quá trình vận chuyển hàng hóa dẫn tới bị chậm hoặc tăng chi phí lên cao, đồng thời làm lỡ thời cơ kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đồng thời, phải làm cho nông sản trong nước đi xa hơn, nhanh hơn, tăng giá trị gia tăng cho nông sản Việt. Cần lưu ý logistic là một ngành nếu đầu tư phải có một nguồn vốn rất lớn, ví dụ tạo lập một chuỗi cung ứng lạnh hoàn chỉnh, hoặc thiết lập một trung tâm giao dịch hàng hóa nông sản, sàn giao dịch nông sản nằm trong hệ thống các chợ đầu mối của quốc gia thì cần phải có những nguồn kinh phí hàng trăm triệu đô la mới có thể tạo lập một hệ thống hiện đại, bài bản, đạt tiêu chuẩn vùng và quốc tế.

Chính vì vậy, ngoài việc xã hội hóa công tác đầu tư hạ tầng cho hệ thống logistic bằng vốn của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì còn rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách và những vốn mồi ban đầu cho sự phát triển một cách nhanh và bền vững.

Cần đầu tư cho việc đào tạo và đào tạo lại nghiệp vụ logistic cho cán bộ công chức công nhân trong ngành, coi đó là yếu tố quan trọng góp phần phát triển ngành logistic nói chung.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.