18/01/2025 | 19:58 GMT+7, Hà Nội

Lộ loạt sai phạm nghiêm trọng tại các dự án trong vùng lõi di sản vịnh Hạ Long

Cập nhật lúc: 18/12/2020, 08:17

Mới đây, cơ quan chức năng đã “bêu tên" nhiều sai phạm khi xây dựng các dự án trong vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long giai đoạn 2015 – 2019. Nguyên nhân được cho là do cơ quan chức năng chưa chủ động thực hiện được giao.

2 dự án sai phạm kéo dài 2 thập kỷ trong vùng lõi Vịnh Hạ Long 

Thanh tra tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành kết luận thanh tra tại hai dự án gồm: Khu bảo tồn động thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim do Công ty TNHH MTV Soi Sim làm chủ đầu tư (trước đó chủ đầu tư là Công ty cổ phần dịch vụ Vịnh Hạ Long) và Nuôi cấy, chế tác, kinh doanh ngọc trai trên Vịnh Hạ Long do Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long làm chủ đầu tư.

Không những “tùy tiện” giao môi trường rừng, khu vực biển cho doanh nghiệp tại vùng lõi Vịnh Hạ Long, hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý tại đây cũng bị Cơ quan thanh tra chỉ rõ. Tại các kết luận thanh tra này, cơ quan thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình thực hiện dự án. Đáng nói, những sai sót này, có vai trò của UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng nhiều Sở như Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long...

Vịnh Hạ Long không những được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, mà còn được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Thế nhưng mới đây, dư luận hết sức bất ngờ bởi hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý bị “điểm mặt, chỉ tên”. 

Theo đó, kết luận của Cơ quan Thanh tra tỉnh Quảng Ninh mới đây đã chỉ rõ, dự án Nuôi cấy, chế tác, kinh doanh ngọc trai trên Vịnh Hạ Long tính đến thời điểm thanh tra đã 22 năm không có đánh giá tác động môi trường. Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc này là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Được biết, dự án Nuôi cấy, chế tác, kinh doanh ngọc trai trên Vịnh Hạ Long do Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long làm chủ đầu tư. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh giao 24,3ha diện tích khu vực biển cho Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long tiếp tục thực hiện dự án khi chưa thực hiện chấm dứt việc cho Công ty Cổ phần xuất khẩu thủy sản II thuê đất mặt nước, chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 53 Luật Đất đai 2013.

Cơ sở nuôi cấy và chế tác ngọc trai nằm giữa Vịnh Hạ Long. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Tại thời điểm thanh tra, dự án nói trên triển khai từ năm 1998 nhưng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường không đúng quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Nghiêm trọng hơn, Cơ quan Thanh tra cũng xác định, Sở TN&MT còn tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh vượt quyền Bộ TN&MT, tùy tiện giao khu vực biển cho Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long thực hiện dự án trong vùng Vịnh Hạ Long nhưng nằm ngoài khu vực biển 3 hải lý, không đúng quy định tại Điều 10, Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ.

Nguyên nhân sai phạm do cơ quan chức năng chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao

Tại Dự án Khu bảo tồn động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim (giai đoạn 2015-2019), Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho biết ngày 03/11/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản số 6190 giao Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (đơn vị quản lý Vịnh Hạ Long) ký hợp đồng cho Công ty cổ phần Du lịch Vịnh Hạ Long thuê môi trường rừng trên đảo Soi Sim để thực hiện dự án; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) hướng dẫn Ban Quản lý Vịnh Hạ Long ký hợp đồng thuê môi trường rừng.

Ngày 22/08/2015, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã ký Hợp đồng, cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Vịnh Hạ Long thuê 147.173m2 trên đảo Soi Sim, thời hạn 50 năm, trên cơ sở thực hiện hướng dẫn và chỉ đạo của các đơn vị. Tuy nhiên, quá trình thanh tra phát hiện với 147.173m2 đất tại khu vực đảo Soi Sim, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chưa được UBND tỉnh Quảng Ninh giao đất, giao khu vực biển, giao rừng, cho thuê rừng theo quy định; UBND tỉnh Quảng Ninh không uỷ quyền cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thực hiện việc giao mặt bằng.

Thanh tra tỉnh chỉ ra nhiều sai sót tại dự án xây dựng khu bảo tồn giữa vùng lõi di sản vịnh Hạ Long.

Do vậy, việc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thực hiện cho thuê môi trường rừng và bàn giao mặt bằng cho Công ty cổ phần dịch vụ Vịnh Hạ Long theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh và hướng dẫn của Sở NN&PTNT là không đúng thẩm quyền, chưa đúng quy định tại Điều 8, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2020.

Việc Sở NN&PTNT có văn bản hướng dẫn Ban Quản lý Vịnh Hạ Long ký hợp đồng thuê môi trường rừng với chủ đầu tư trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 6190/UBND-QLĐĐ1 ngày 03/11/2014, dù biết nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh chưa đảm bảo đúng quy định là chưa làm hết trách nhiệm của cơ quan tham mưu.

Nguyên nhân chủ quan được Thanh tra tỉnh Quảng Ninh chỉ ra là các cơ quan chức năng gồm UBND TP Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Sở TN&MT chưa chủ động thực hiện toàn diện chức năng nhiệm vụ được giao, chưa thu thập, cập nhật hồ sơ liên quan đến bản đồ đường mép nước thấp nhất trung bình nhiều năm, vùng biển cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm một khoảng 03 hải lý để tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh.

Khi được tập huấn và nhận được các hồ sơ, tài liệu liên quan đến bản đồ đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm, vùng biển cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm, Sở TN&MT chưa kịp tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ TN&MT để giao khu vực biển ngoài 03 hải lý cho Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long theo quy định.

Thanh tra tỉnh kiến nghị Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi và hủy bỏ văn bản 6190 ngày 03/11/2014 về việc thực hiện Dự án Khu bảo tồn động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim. Cùng đó, kiến nghị thu hồi và hủy bỏ quyết định 4119 về việc giao quyền sử dụng khu vực biển cho Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long.

Liên quan đến việc bảo tồn vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long trước các sai phạm, Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từng trả lời báo chí, cần phải sớm và dứt khoát ngăn chặn vì vẻ đẹp của vịnh Hạ Long được thừa nhận về cảnh quan thiên nhiên nên vốn kỵ những xây dựng làm phá hủy cảnh quan. Đây là một di sản địa chất của thế giới là một cấu trúc địa chất điển hình thế giới. Với 2 tính chất di sản như vậy về cảnh quan thiên nhiên và địa chất thì chúng ta phải có cách thức bảo vệ để không làm nhòa đi yếu tố chủ đạo của nó là thiên nhiên.

“Tất cả việc xây dựng kể cả theo quy hoạch, mà quy hoạch không hợp lý với chuyện bảo vệ di sản thì cần phải xem xét lại. Và việc xây dựng trái quy hoạch, sai phép trong vùng lõi di sản vịnh Hạ Long thì cần phải ngăn chặn sớm nhất. Không thể phân cấp xong là hết trách nhiệm, đã phân cấp trách nhiệm còn nặng hơn vì mình phải chứng minh rằng việc phân cấp này là hợp lý. Tổ chức được nhận trách nhiệm theo phân cấp phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình” – GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.