22/11/2024 | 15:07 GMT+7, Hà Nội

Lì xì Tết - Văn hóa truyền thống và cuộc sống hiện đại

Cập nhật lúc: 23/01/2020, 10:30

Lì xì là một nét văn hoá đặc trưng vào dịp Tết cổ truyền của người Việt, qua thời gian phong tục này đã có sự thay đổi trong quan điểm của mỗi người.

Lì xì truyền thống để mang may mắn

Năm hết, Tết đến cũng là lúc người thân được đoàn tụ để cùng nhau hưởng một cái Tết trọn vẹn và ấm áp. Và có lẽ điều mong đợi nhất đối với tất cả mọi người luôn là màn lì xì đầu năm mới. Dù là Tết nay hay Tết xưa, tục lệ này vẫn luôn được gìn giữ nhưng ít nhiều ý nghĩa của nó đã trở nên khác đi.

Theo phong tục Tết, mừng tuổi không giới hạn trong ngày mùng 1 mà còn có thể kéo dài sang ngày mùng 2, 3 cho tới mùng 10. Sau khi dậy sớm và diện những bộ quần áo đẹp, người lớn và trẻ con lần lượt ra chúc tết, chúc thọ và biếu lì xì cho ông bà, bố mẹ.

Lì xì còn được mang tặng cho họ hàng, láng giềng và những người quen biết thay cho lời chào, lời chúc sức khỏe và mong một năm mới an lành, phát tài phát lộc.

Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.

Số tiền trong mỗi bao lì xì dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc. Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận.

Ngày xưa mừng tuổi chỉ là tiền hào, tiền xu mang tính chất tượng trưng, tiền càng lẻ càng tốt. Bởi họ quan niệm tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, làm ăn phát đạt trong năm mới.

"Thực dụng" hơn trong thời hiện đại

Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường người ta không còn sử dụng tiền xu, tiền hào và cũng ít sử dụng tiền lẻ để mừng tuổi mà thay vào đó là những đồng bạc xanh, đồng bạc đỏ, thậm chí cả những đồng đô la mệnh giá cao. Thậm chí, một số công ty cũng như gia đình bắt đầu đổi từ kiểu lì xì truyền thống sang lì xì trực tuyến. Thay vì dùng tiền mặt để lì xì, thì nay thông qua ví điện tử hoặc ứng dụng ngân hàng di động, người dùng có thể bấm điện thoại gửi tiền lì xì một cách dễ dàng.

Nếu như ngày xưa việc người lớn lì xì cho trẻ nhỏ nhằm chúc cho bọn trẻ được mọi điều may mắn, người ta không quan tâm đến giá trị của phong bao lì xì thì ngày nay, người lớn xì lì trẻ nhỏ như một “nghĩa vụ hoàn trả”. Không chỉ vậy, lì xì đã trở thành một trong các cách thức “lấy lòng” người khác, không chỉ đơn thuần là để cầu may mắn nữa.

Càng hiện đại, thì giá trị tiền lì xì lại càng tăng?

Khi lì xì người lì xì phải nghĩ đến việc lì xì bao nhiêu tiền thì vừa, người ta lì xì cho con mình bao nhiêu, mình lì xì trả lại bao nhiêu, lì xì con sếp bao nhiêu, lì xì con đồng nghiệp bao nhiêu, lì xì cháu bao nhiêu... Và đến những đứa trẻ cũng hỏi nhau tết này được lì xì bao nhiêu tiền.

Có thể thấy rằng, từ ý nghĩa của đồng tiền lì xì đến cách thức lì xì đều đã khác xưa. Đáng buồn hơn, lối suy nghĩ của người lớn đã thấm sang cả con trẻ, khiến chúng bắt đầu có sự so bì, người này mừng tuổi ít, người kia mừng tuổi nhiều. Tết đến chúng cũng không còn ngây thơ đem những đồng tiền mừng tuổi lẻ để nuôi heo đất, mà chúng đã chuẩn bị sẵn tâm lý “thu hoạch”, “kiếm chác” vào dịp Tết.

Nếu như ngày xưa tiền cơm, tiền áo mới là nỗi lo lớn thì ngày nay phải dành ra một khoản kha khá để mừng tuổi suốt mấy ngày Tết. Có người còn nói vui rằng phong tục này chẳng khác gì đi đổi tiền, đổi đi đổi lại cho gọi là đáp lễ chứ có khi còn không nhớ câu chúc đã trao đi.

Những chiếc bao lì xì gắn kết mọi người với nhau hơn, là lúc được thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng lì xì vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.