24/11/2024 | 21:18 GMT+7, Hà Nội

Lễ cúng ông Táo về trời: phong tục, lễ vật và văn khấn

Cập nhật lúc: 31/01/2016, 10:00

Theo tục xưa, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, người Việt lại sắp mâm lễ vật tiễn Táo quân cưỡi cá chép về trời để báo cáo tình hình hạ giới trong năm qua với Ngọc Hoàng.

Theo tục xưa, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, người Việt lại sắp mâm lễ vật tiễn Táo quân cưỡi cá chép về trời để báo cáo tình hình hạ giới trong năm qua với Ngọc Hoàng. Sau khi báo cáo, đến đêm Giao thừa, Táo quân lại trở về trần gian để trông coi việc bếp lửa của mỗi nhà.

1. Phong tục tiễn ông Công, ông Táo về trời

Lễ cúng ông Công, ông Táo là phong tục cổ truyền rất quan trọng đối với các gia đình Việt. Ngoài việc chuẩn bị mâm cỗ thật chu đáo và tươm tất, các gia đình phải sửa soạn bát hương sạch sẽ để làm lễ.

Chính vì vậy, lễ “quan soái”, hay còn gọi là sửa bát hương thường được các gia đình kết hợp trong cùng ngày lễ tiễn ông Táo.

Cũng như lễ tiễn ông Táo, lễ “quan soái” chỉ được tiến hành duy nhất 1 lần trong năm vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Lễ này được làm trước lễ tiễn ông Công, ông Táo.

Mọi người sẽ lau bát hương, giữ lại 3 chân hương đẹp nhất và lau chùi sạch sẽ trước khi cắm lại vào bát hương.

Khi tiến hành lễ “quan soái”, nhà nhà sẽ chuẩn bị bộ lễ cúng ông Công, ông Táo. Tục cúng lễ này nhất thiết phải được tiến hành trước giờ Ngọ vì nếu quá giờ cá đã bay lên chầu trời và việc cúng lễ sẽ không còn linh nghiệm. 

Lễ Quan soái hay hay còn gọi là sửa bát hương

Bát hương (nhang) là một vật linh thiêng dùng thờ cúng trong gia đình, là biểu hiện tâm linh trên ban thờ của mỗi gia đình. Đó là nơi con cháu hướng về tổ tiên, các vị thần linh cầu mong sự bình an, tỏ lòng hiếu thuận.

Việc lau dọn bát hương, ban thờ gia tiên là việc nên làm vì đó là nơi thắp hương cho tổ tiên cần được làm sạch không chỉ mang ý nghĩa về mặt tín ngưỡng mà nó còn ảnh hưởng đến vấn đề sức khoẻ của chính chúng ta vì đó cũng là một phần trong môi trường sống hàng ngày của các thành viên trong gia đình.

Trước khi tiến hành, nên thắp hương để “xin phép” ông bà tổ tiên. Đây là quan niệm thể hiện sự tôn trọng, kính hiếu với gia tiên kể cả khi họ đã mất. Đó là truyền thống tốt đẹp, nên duy trì.

Sau đó, tuỳ từng vật dụng thờ tự mà chúng ta có những cách vệ sinh, lau rửa phù hợp sao cho được sạch sẽ nhất. Nếu bát hương cần bỏ bớt chân hương và tàn tro thì có thể bỏ đi để tiện cho việc thắp hương những lần sau.

Một điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải làm việc này một cách thành tâm, nghiêm túc để thể hiện lòng thành kính với người trên để làm gương cho con cháu.

Theo quan niệm cổ truyền, đây là việc của đàn ông trong nhà. Thực tế, ai cũng có thể bốc được bát hương, song đích thân gia chủ bốc là tốt nhất. Đó phải là người thành tâm và chân tay sạch sẽ.

Trong lễ Quan soái người ta thường dùng nước thơm để lau bàn thờ và các vật phẩm trên ban thờ.

Quy trình chung bốc bát hương

1. Lau rửa sạch bát hương bằng nước muối rượu gừng có pha chút nước hoa hay thả vào mấy cánh hoa hồng cho thơm. Nước đã dùng đổ ra trước sân hay vẩy chung quanh nhà, không đổ xuống cống.

2. Dùng tro đốt bằng rơm nếp (hay trấu), không nên cho cát vì cát nặng.

3. Rửa tay sạch sẽ, lần lượt bốc bát hương. Nên bốc lần lượt từng nắm cốt vào bát. Bốc xong để riêng từng vị trí, tránh nhầm lẫn. Nếu sợ nhầm, có thể viết giấy dán bên ngoài, đến khi đưa lên ban thờ cần bỏ ra.

4. Đặt bát hương lên ban thờ. Bát hương thần linh ở giữa, bát hương bà cô ở tay trái từ trong nhìn ra, bát hương gia tiên bên tay phải.

5. Sắm lễ

Lễ gồm có hoa tươi, quả tươi, nước sạch bày lên bàn thờ. Tất cả đặt ở phía trước hay bên cạnh bát hương.

6. Đọc kinh và thắp hương

Xem thêm: Hướng dẫn cách lau dọn bàn thờ đúng phong thủy mang lại may mắn cho năm mới

2. Mâm lễ vật cúng ông Táo

Theo người Việt Nam quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp.

Các đồ lễ cúng ông Táo theo tục lệ cần có:

Lễ vật cúng ông công ông táo

Lễ vật cúng ông công ông táo

- 1 bộ mũ ông Công 3 cỗ (3 cái): 2 mũ ông và 1 mũ bà. Mũ ông có 2 cánh chuồn và mũ bà không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyết màu sắc sặc sỡ.

Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành.

- Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng).

Cá chép để ông táo về trời

Cá chép để ông táo về trời

- Lễ mặn gồm: xôi, gà, trầu cau. Theo tục lệ xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!

- Hương: mỗi bát phải đúng một nén để ứng với câu “Một nén hương thơm thấm đủ cửu trùng”.

Tùy theo mỗi vùng miền, lễ vật cúng Táo quân cũng có những điểm khác biệt. Chẳng hạn, ở miền Bắc lễ cúng ông Táo nhất thiết phải có cá chép sống hoặc có thể thay bằng cá chép giấy.

Trong khi đó, ở miền Trung, mọi người thường cúng một con ngựa giấy có yên, cương đầy đủ. Riêng ở miền Nam chỉ cúng mũ, áo và đôi hia giấy. Những đồ lễ này tất cả sẽ được đốt đi để bay theo ông Táo về trời trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp.

Về mâm lễ vật, tùy gia cảnh của mỗi nhà có thể làm mâm lễ mặn với xôi, gà, chân giò luộc, măng kho, thịt kho… hoặc làm mâm lễ chay với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc… Ngoài ra hương, đèn, nến, lọ hoa tươi, mâm ngũ quả tươi… là những lễ vật không thể thiếu.

Một mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo thường thấy nhất là

  • 1 đĩa gạo
  • 1 đĩa muối
  • 1 đĩa hoa quả
  • 1 quả bưởi
  • 1 lọ hoa cúc
  • 1 lọ hoa đào nhỏ
  • 1 quả cau, lá trầu
  • 3 chén rượu
  • 1 tập giấy tiền, vàng mã
  • 1 ấm trà sen
  • 1 bát canh mọc
  • 1 bát canh măng
  • 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống)
  • 1 đĩa chè kho
  • 1 đĩa giò
  • 1 đĩa xào thập cẩm
  • 1 đĩa xôi gấc
  • 5 lạng thịt vai luộc
  • 1 con gà ngậm hoa hồng hoặc hoa cúc

Mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo

Mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo

Sau khi bày mâm lễ vật, tiến hành thắp hương và khấn vái theo văn khấn. Sau khi hương tàn, tiếp tục thắp thêm một tuần hương và lễ tạ trước khi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để đưa ông Táo về trời.

Mâm lễ vật chủ yếu là lòng thành, vì thế nếu gia đình không có điều kiện, có thể giản lược bớt miễn sao đủ 3 đồ lễ và mỗi bát hương phải đủ một nén.

Lưu ý: Cúng ông Táo phải đặt trong bếp, khi cúng phải bật bếp lên cho cháy rực, mâm cỗ đề huề, cả nhà quanh năm no ấm. Có người thì vừa đặt một mâm cúng trong bếp và thêm một mâm khác cúng trên bàn thờ. 

3. Văn khấn ông Táo về trời

Văn khấn ông Táo lên chầu trời

(23 tháng chạp)

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay ngày 23 tháng chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai giá, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Chú ý: Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá trở ông Táo lên chầu trời.

(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)