18/04/2024 | 13:54 GMT+7, Hà Nội

Làng nghề trước thềm Hiệp định EVFTA: Tranh thủ thời cơ, hóa giải thách thức

Cập nhật lúc: 22/05/2020, 16:56

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào tháng 7 năm 2020. Hiệp định được đánh giá sẽ tạo ra những cơ hội lớn đối với các làng nghề có sản phẩm xuất khẩu của Thủ đô.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào tháng 7 năm 2020. Hiệp định được đánh giá sẽ tạo ra những cơ hội lớn đối với các làng nghề có sản phẩm xuất khẩu của Thủ đô. Nhiều doanh nghiệp làng nghề Hà Nội đã chuẩn bị tâm thế đón cơ hội và hóa giải thách thức trong tiến trình hội nhập.

Đặc sắc sản phẩm sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín).

Cơ hội cho các làng nghề

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc. Trong số đó có 308 làng nghề đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận.

Ước tính, khu vực làng nghề của Hà Nội tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động; giá trị sản xuất đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, theo kết quả thống kê, ước tính trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội có trên 7.000 sản phẩm địa phương. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế như: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre giang đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), sơn mài Duyên Thái (huyện Thường Tín)... Ở những làng có nghề, đặc biệt là các làng nghề phát triển, thu nhập bình quân của người dân cao hơn rất nhiều so với các làng thuần nông.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực. Riêng với khu vực làng nghề, các sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng đều nằm trong diện được miễn thuế ngay. Điều này giúp làng nghề đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU mà không có giới hạn về mặt thuế quan và định lượng. Đây sẽ là bệ phóng giúp sản phẩm làng nghề của Hà Nội thâm nhập vào các thị trường khác.

Phân tích vấn đề, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ tìm đến các nước sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nhiều hơn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Hà Nội và cả nước tiếp cận thị trường nhanh hơn, số lượng nhiều hơn.

Không dừng lại ở đó, các nhà nhập khẩu vào Việt Nam sẽ mang theo ý tưởng thiết kế, quy trình sản xuất của nước ngoài để đặt hàng doanh nghiệp trong nước. “Tôi cho rằng, đây là những cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp làng nghề phát triển dòng sản phẩm phù hợp thị trường xuất khẩu”, bà Vinh khẳng định.

Nắm bắt nhanh cơ hội phát triển mới, những ngày sau dịch Covid-19, làng nghề Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) sản xuất nhộn nhịp trở lại với nhiều sản phẩm sơn mài đặc sắc. Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái Đỗ Văn Hùng cho biết, làng nghề Hạ Thái có khoảng 300 hộ sản xuất với khoảng 500 lao động. Người dân Hạ Thái sản xuất hàng nghìn sản phẩm theo nhu cầu mỗi thị trường, trong đó, nhiều sản phẩm được xuất khẩu tới nhiều quốc gia.

Đặc sắc sản phẩm sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín).

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh (ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cho rằng, Hiệp định EVFTA không tác động nhiều đối với xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Bởi, trước khi có Hiệp định này, thuế xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đã “bằng 0”.

Trong khi đó, Việt Nam gần như không nhập khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nước ngoài nên khó ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Hiện nay, doanh nghiệp của gia đình ông Tĩnh vừa duy trì sản xuất để xuất khẩu, vừa cải tiến mẫu mã sản phẩm, đáp ứng chất lượng ngày một cao hơn của thị trường.

Nâng chất lượng để tháo rào cản

Hiệp định EVFTA mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm không ít thách thức. Châu Âu là thị trường kỹ tính, do vậy, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tới thị trường này, yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam không chỉ là chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác… đồng nghĩa với các doanh nghiệp làng nghề phải nỗ lực rất lớn để đáp ứng các yêu cầu của đối tác nhập khẩu.

Từ thực tiễn, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh chia sẻ, muốn vào được thị trường châu Âu, các doanh nghiệp phải đáp ứng được “hàng rào kỹ thuật” rất khắt khe. Ví như, sản phẩm phải có tính văn hóa, không sử dụng lao động trẻ em trong sản xuất, sản phẩm có môi trường lao động tốt, bảo đảm thu nhập và cuộc sống của người lao động (từ bữa ăn đến khu vệ sinh, tiêu chuẩn tiếng ồn, an toàn lao động...).

Bên cạnh đó, làng nghề Hà Nội còn điểm yếu đó là sự liên kết lỏng lẻo, mô hình kinh doanh của các hộ gia đình mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún; cách thức quản lý, công nghệ sản xuất hàng hóa tại các làng nghề Hà Nội còn lạc hậu, bởi vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trong thời gian ngắn là điều rất khó. Tuy khó khăn, song đó là việc lâu dài của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề hướng tới trong chiến lược phát triển bền vững.

Là một trong số các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sản phẩm sơn mài ở Duyên Thái (huyện Thường Tín), ông Đỗ Hùng Chiêu, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và dịch vụ thương mại An Huy chia sẻ, để xuất khẩu, thời gian qua, công ty phải tính toán kỹ lưỡng tỷ lệ chì, sắt, kim loại nặng... trong sơn theo tiêu chuẩn nơi nhập khẩu; sản phẩm phải thân thiện với môi trường, không hại đến môi trường khi hết vòng đời... Do nắm bắt được nhu cầu thị trường nên trong những năm qua, doanh nghiệp vẫn duy trì khá hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu.

Tương tự, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề cũng chú tâm hơn đến tự đổi mới công nghệ, tư duy quản trị doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì... để tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã thay đổi thiết kế theo mùa hoặc từng năm để hợp “gu” thị trường.

Nghề mây tre giang đan ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ).

Tận dụng cơ hội để tạo đột phá cho làng nghề là việc đã được thành phố Hà Nội quan tâm từ nhiều năm qua. Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến khẳng định, từ nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm, đầu tư cho phát triển làng nghề; hỗ trợ phát triển làng nghề. Gần như tất cả các sở, ngành của Hà Nội đã tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phát triển làng nghề.

Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề, đón cơ hội mới từ Hiệp định EVFTA, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong năm 2020, Hà Nội sẽ đào tạo nghề cho 13.100 lao động nông thôn; nâng cao năng lực quản lý cho 2.400 lượt cán bộ quản lý doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, người lao động tại các làng nghề…

Các sở, ngành của Hà Nội cũng tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch, xử lý môi trường, đổi mới công nghệ, kết nối du lịch... tại các làng nghề. Với rất nhiều giải pháp được thành phố Hà Nội và mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề đã và đang triển khai, hy vọng, các làng nghề vượt qua thách thức, hội nhập thành công.