Làm sao để phát triến trí thông minh cảm xúc trong bạn? (P1: Khai thác Cảm xúc của Bạn)
Cập nhật lúc: 08/03/2019, 22:06
Cập nhật lúc: 08/03/2019, 22:06
1. Ghi lại những phản ứng cảm xúc của bạn trước các sự việc trong ngày
Thật dễ dàng bỏ qua những cảm giác của mình về trải nghiệm trong ngày để đến hôm sau. Nhưng dành thời gian công nhận những gì bạn cảm thấy về các trải nghiệm là thiết yếu để cải thiện EQ. Nếu bạn bỏ qua cảm giác của mình, bạn đang bỏ qua những thông tin quan trọng có ảnh hưởng lớn tới cách tư duy và hành vi. Hãy bắt đầu chú ý tới cảm giác của bạn và kết nối chúng với các trải nghiệm.
Ví dụ, bạn đang ở công ty và bị ngắt lời trong cuộc họp. Cảm xúc nào sẽ trỗi dậy khi việc này xảy ra? Mặt khác, bạn cảm thấy thế nào khi được khen ngợi vì làm tốt công việc? Bắt đầu thực hành gọi tên cảm xúc như buồn bã, xấu hổ, vui sướng, thỏa mãn, hoặc bất kỳ một cảm giác nào sẽ khiến EQ của bạn tăng ngay.
Tập khai thác cảm xúc của bạn vào những thời điểm nhất định trong ngày. Cảm xúc đầu tiên của bạn khi ngủ dậy là gì? Cảm xúc cuối cùng trước khi đi ngủ?
Ảnh minh họa |
2. Chú ý tới cơ thể
Thay vì bỏ qua những biểu hiện thể chất của cảm xúc, hãy bắt đầu lắng nghe chúng. Tâm trí và cơ thể chúng ta không tách biệt; chúng có tác động qua lại khá sâu. Bạn có thể làm tăng EQ bằng việc tìm hiểu xem những tín hiệu cơ thể dẫn dắt bạn tới cảm xúc bạn đang cảm nhận thế nào.
Ví dụ:
Căng thẳng có thể giống như co thắt ở bụng, quặn ngực, hay thở gấp.
Buồn bã có thể giống như ngủ dậy với tứ chi nặng trịch nhấc không nổi.
Vui sướng hay khoái lạc có thể giống như đàn bướm, dạ dày, tim đập gấp hay năng lượng tăng lên.
3. Quan sát cảm xúc và hành vi liên kết với nhau như thế nào
Khi bạn cảm nhận những cảm xúc mạnh mẽ, bạn phản ứng thế nào? Hãy ý thức rõ về phản xạ bản năng của bạn đối với những tình huống hàng ngày, thay vì phản ứng không suy nghĩ. Bạn càng hiểu điều gì đã kích động những cơn bốc đồng của mình, EQ của bạn càng cao, và bạn sẽ có thể sử dụng những điều đã biết để thực sự thay đổi hành vi của mình trong tương lai. Dưới đây là một số ví dụ về hành vi và những gì ẩn giấu đằng sau chúng:
Cảm thấy xấu hổ hay bất an có thể khiến bạn rút lui khỏi đối thoại và ngắt kết nối.
Cảm thấy giận dữ có thể khiến bạn lớn tiếng hoặc giận dữ bỏ ngoắt đi.
Cảm thấy quá tải có thể khiến bạn hoảng loạn và không còn biết mình đang làm gì, hoặc bật khóc.
4. Tránh phán xét cảm xúc của bản thân
Tất cả những cảm xúc bạn có đều có giá trị, ngay cả những cảm xúc tiêu cực. Nếu bạn phán xét cảm xúc của mình, bạn sẽ ức chế khả năng cảm nhận đầy đủ, khiến việc sử dụng cảm xúc của bạn theo hướng tích cực trở nên khó khăn hơn. Hãy nghĩ về nó như sau: mọi cảm xúc bạn có là một đoạn thông tin hữu ích liên quan đến điều gì đó đang xảy ra trong thế giới của bạn. Nếu không có thông tin này, bạn sẽ không biết làm thế nào để phản ứng đầy đủ. Đó là lý do tại sao khả năng cảm nhận cảm xúc lại là một dạng trí thông minh.
Ban đầu khá khó khăn, nhưng hãy thực hành để những cảm xúc tiêu cực nổi lên và liên kết nó với những gì đang xảy ra. Ví dụ, nếu bạn thấy cay cú ghen tị, cảm xúc đó đang cho bạn biết điều gì về tình hình?
Trải nghiệm đầy đủ những cảm xúc tích cực. Hãy kết nối niềm vui hay sự thỏa mãn với những gì xung quanh bạn để bạn có thể biết được làm cách nào cảm nhận nó thường xuyên hơn.
5. Hãy chú ý đến những cơ chế trong cảm xúc của bạn
Đây là một cách để biết thật nhiều về cảm giác của chính mình và chúng liên kết với trải nghiệm của bạn như thế nào. Khi bạn có cảm xúc mạnh, hãy hỏi bản thân lần cuối cùng bạn cảm thấy như vậy là khi nào. Điều gì đã xảy đến trước, trong và sau đó?
Khi bạn thấy được cơ chế, bạn có thể kiểm soát tốt hơn hành vi của mình. Hãy quan sát bạn đã xử lý một tình huống nhất định trước đây thế nào, và lần sau bạn muốn xử lý nó ra sao.
Ghi chép lại những phản ứng cảm xúc của bạn, hoặc bạn cảm thấy thế nào từ ngày này qua ngày khác, để bạn có thể thấy rõ bạn có xu hướng phản ứng thế nào.
6. Thực hành quyết định cách hành xử
Bạn không thể kiểm soát cảm xúc của mình nhưng bạn có thể quyết định phản ứng với chúng như thế nào. Nếu bạn có vấn đề với việc chỉ trích trong cơn giận hay đóng sập bản thân với bên ngoài khi bị tổn thương, hãy nghĩ về cách phản ứng mà bạn muốn thay thế. Thay vì để cảm xúc lấn át, hãy quyết định lần sau bạn sẽ phản ứng ra sao khi cảm giác của bạn trở nên dữ dội.
Khi một điều tiêu cực xảy đến trong cuộc sống của bạn, hãy dành chút thời gian để cảm nhận cảm xúc của mình. Một số người miêu tả có một đợt sóng buồn bã hay giận dữ xô lấp họ. Một khi cơn sóng này qua đi, hãy ra quyết định bạn muốn hành xử thế nào. Hãy quyết định đối thoại với cảm xúc của mình thay vì đè nén chúng, hay đứng dậy và cố gắng thay vì bỏ dở giữa chừng.
Đừng tìm tới những thói quen mang tính chạy trốn. Không dễ cho phép những cảm giác tồi tệ nổi lên trọn vẹn, và nhiều người muốn nhấn chìm chúng bằng cách uống như hũ chìm, xem ti vi quá nhiều, hay chuyển qua các thói quen làm tê liệt nỗi đau. Khi bạn làm điều này đủ nhiều, EQ của bạn sẽ chịu trận.
Nhân Mã
11:00, 05/03/2019
22:01, 04/03/2019
10:23, 25/02/2019