Lãi suất cho vay ở Việt Nam cao gấp đôi các quốc gia khác
Cập nhật lúc: 16/03/2024, 10:00
Cập nhật lúc: 16/03/2024, 10:00
Sáng ngày 14/3, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra vấn đề, vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm?
“Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì, do quy định, do điều hành, do thận trọng hay do cục bộ?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt ra vấn đề, tình hình cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực đã tốt chưa? Đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm? Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh?
Thủ tướng hỏi tiếp: “Cần có các giải pháp gì tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân? Đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...?”
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, đưa đất nước phát triển, đi lên.
Lý giải nguyên sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp, Ngân hàng Nhà nước cho biết, là nhiều do doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu; tín dụng bất động sản chiếm khoảng 21% tín dụng chung, tín dụng bất động sản tăng/giảm cao thường khiến tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm.
Một nguyên nhân khác là một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đáp ứng điều kiện; nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, các giải pháp tăng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa,... chưa phát huy được nhiều hiệu quả.
Đề cập về chính sách lãi suất và tín dụng tại Hội nghị, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, lãi suất vay của các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh với Việt Nam ở mức 3,5%, nhưng Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện nay có mức vay trung bình khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu.
Ông Trường thông tin thêm, năm 2023, lãi phải trả cho các ngân hàng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng 10% so với năm 2022, trong khi tổng dư nợ giảm 11%.
Theo ông Trường dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả tăng 30%. Và đứng trên các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1, 2/2024 đến giờ phút này cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm 2023.
Ông Trường cho hay, hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Năm 2023 tính chung giá trị tài sản đảm bảo này các khoản vay chỉ khoảng 20%, còn năm nay yêu cầu phải 100% hoặc là áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9.
Đối với nhóm sợi hiện nay nhiều đơn vị đối với ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước thì vay khoảng 7%, ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước thì khoảng 9%. “Đây là về chính sách lãi suất và tín dụng”, ông Trường nói.
Cùng nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group đề xuất, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Chủ tịch Sun Group bày tỏ mong muốn doanh nghiệp sẽ có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.
Theo ông Trường, hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá là lớn (từ 4-5%), doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
Cùng mong muốn, ông Quảng Văn Viết Cương, Phó Giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) đề nghị các ngân hàng có những chính sách mới, có những gói tín dụng mới triển khai để các doanh nghiệp nắm bắt, để từ đó có cơ sở xây dựng và tạo điều kiện kết nối nguồn vốn tín dụng tốt nhất.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/lai-suat-cho-vay-o-viet-nam-cao-gap-doi-cac-quoc-gia-khac-86112.html
10:05, 01/03/2024
10:04, 01/03/2024
10:17, 26/02/2024
16:04, 13/02/2024
09:58, 26/01/2024