25/12/2024 | 20:37 GMT+7, Hà Nội

Kỳ lân và những ý nghĩa và vai trò của loại linh vật cao quý này

Cập nhật lúc: 10/09/2016, 02:28

Trong tứ linh, kỳ lân được coi là biểu tượng của sự trường thọ và hạnh phúc lớn lao.

Kỳ lân là một trong bốn linh vật cao quý: Long, Lân, Quy, Phụng.

Lân là con cái, còn con đực gọi là Kỳ, gọi chung là Kỳ Lân.

Kỳ lân là một con vật có đầu nửa Rồng nửa Thú, nó chỉ có một sừng, do nó không húc ai bao giờ nên chiếc sừng này được xem là hiện thân của Từ Tâm.

Nhưng phần lớn hình ảnh Lân được khắc họa là có sừng của loài Nai, tai Chó, trán Lạc Đà, mắt Quỷ, mũi Sư Tử, miệng rất rộng, có thân Ngựa, chân Hươu, đuôi Bò.

Đôi khi nó lại có hình dáng của một con hưu xạ, với chiếc đuôi Bò, trán Sói, móng Ngựa, da có đủ 5 màu: đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, đặc biệt dưới bụng có màu vàng đặc trưng...

Cũng có khi con vật này xuất hiện dưới hình dáng có mình của một con Hoẵng, có vảy cá trải dài khắp thân…

Nhưng cho dù con Lân có xuất hiện với hình dạng như thế nào đi nữa thì trong tín ngưỡng dân gian phương Đông, Kỳ Lân cũng là con vật báo hiệu điềm lành sắp đến, là biểu tượng cho sự nguy nga đường bệ, sự trường thọ và niềm hạnh phúc lớn lao.

Kỳ lân mang trong mình tất cả những phẩm chất đặc trưng của một con vật nhân từ, khi di chuyển nó tránh giẫm lên các loại côn trùng và cỏ mềm dưới chân mình.

Biểu tượng của điềm lành

Không chỉ là biểu tượng của hạnh phúc, sức khỏe mà kỳ lân còn là biểu tượng của điềm lành.

Theo truyền thuyết, kỳ lân có tánh linh, khi có vua chúa, thánh nhân ra cứu đời thì Kỳ lân sẽ xuất hiện báo trước điềm lành, sắp có thái bình thịnh vượng.

Ở Trung Quốc, Lân được sử dụng như con vật linh thiêng bảo vệ cho các công trình kiến trúc, dinh thự, lăng mộ…

HÌnh ảnh kỳ lân được dùng để trang trí trên các bức bình phong của chùa, đền, miếu… nhiều lúc nó lại chuyên chở trên lưng các bức cổ đồ hình bát quái… với ý niệm thể hiện sự may mắn luôn song hành cùng chữ nghĩa, đạo lý trong cuộc sống, đó là sự bảo trợ cần thiết mang tính linh thiêng.