19/01/2025 | 16:09 GMT+7, Hà Nội

Kỳ 3 - Phú Thọ: Ô nhiễm môi trường hàng chục năm, vẫn chờ xác minh nguồn nước thải

Cập nhật lúc: 07/07/2019, 20:12

Người dân cho rằng môi trường bị ô nhiễm nặng bởi hoạt động của Tổng Công ty Giấy Việt Nam. Thế nhưng, việc xác minh nguồn chất thải đã có hàng chục năm nay vẫn không có kết quả?

Ngày 03/7/2019, liên quan đến sự việc người dân thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) cho rằng Tổng Công ty giấy Việt Nam xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phóng viên (pv) đã có buổi làm việc với Cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Phú Thọ.

Ông Nguyễn Minh An, Chi cục Phó Cục Bảo vệ Môi trường cho biết: “Trong thời gian chờ chuẩn bị báo cáo cho các lãnh đạo Sở, đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển nội dung các bài viết của phóng viên để huyện xác minh. Tuy nhiên do rất nhiều nguồn thải nên UBND huyện Phù Ninh vẫn đang xác minh. Nếu như xác định nguồn thải là của Tổng Công ty Giấy Việt Nam, thuộc đối tượng DTM thì chúng tôi sẽ báo cáo lại với Bộ TNMT.”

Ô nhiễm tại hồ vôi ngay sát Tổng Công ty Giấy Việt Nam

Theo phản ánh của những hộ dân sinh sống xung quanh Tổng Công ty Giấy Việt Nam, đã mấy chục năm người dân phải sống với mùi hôi thối bốc ra từ nhà máy, từ những con mương, hồ nước có ống xả xối thẳng xuống. Đặc biệt, những mùi này càng nặng hơn khi đến mùa mưa. Rất nhiều gia đình tại đây đã phải thay thế những ô cửa sổ có khe gió bằng cửa kính bít kín hoàn toàn, để ngăn thứ mùi khó chịu này bay vào nhà.

Đặc biệt, 2 vị trí có thể thấy rõ sự ô nhiễm nhất là tại hồ vôi và cửa cống nằm tại mương nước ngay sau khu vực xử lý chất thải của Tổng Công ty Giấy Việt Nam. Cả 2 vị trí này đều xảy ra hiện tượng bốc mùi hôi thối khó chịu, nước đổi màu và chẳng có sinh vật nào sống nổi. 

Chi cục Phó Cục Bảo vệ Môi trường Nguyễn Minh An tại buổi làm việc

Chi cục Phó Cục Bảo vệ Môi trường cho hay, trong năm 2019 sẽ có lịch kiểm tra của Bộ TNMT với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm của Tổng Công ty Giấy Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra cụ thể là khi nào thì ông không nắm rõ. Khi pv đề nghị được cung cấp báo cáo, biên bản kiểm tra gần nhất đối với Tổng Công ty Giấy thì ông An lại “không nhớ” từ bao giờ nên không thể cung cấp.

Đối với quá trình xác minh nguồn thải được Bộ TNMT chỉ đạo, ông An trả lời: “Theo đường dây nóng thì có hòm thư, Bộ TNMT cũng chỉ gửi qua hòm thư đã đăng ký theo quy chế đường dây nóng. Chúng tôi đã chuyển yêu cầu của Bộ xuống cho huyện, xác minh trong vòng 24h xem có sự việc đó hay không, nếu như có nhưng chưa xác minh được nguồn thải thì tiếp tục báo cáo.

Tại buổi làm việc, pv đã hỏi ông An về việc Sở TNMT tỉnh Phú Thọ có nhận được phản ánh của người dân hay cơ quan quản lý địa phương liên quan đến ô nhiễm quanh khu vực Tổng Công ty Giấy từ năm 2018 đến nay hay không? Ông An chỉ trả lời chung chung: “Có một số thông tin liên quan đến môi trường xung quanh nhà máy thì Huyện đã chủ động giải quyết. Trong trường hợp các đối tượng liên quan đến thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp do Sở cấp phép thì Sở sẽ xuống kiểm tra, của Bộ thì Bộ sẽ xuống.

Chất thải ngấm xuống đất, khiến cây cối của người dân chẳng thể sống nổi

Tình trạng ô nhiễm đã kéo dài rất lâu, bà con nhân dân sinh sống tại Thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh mòn mỏi chờ một phán quyết công bằng, đưa kẻ gây ô nhiễm ra trước pháp luật. Thế nhưng, với câu trả lời được cung cấp bởi Chi cục Phó Cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Phú Thọ, thì việc xác minh vẫn đang được giao cho Huyện Phù Ninh, nhưng lại không thể đưa ra một ngày cụ thể để đưa ra kết quả ai là chủ nhân của nguồn xả thải?

Trước đó, Chánh Văn phòng UBND huyện Phù Ninh xác nhận: “Người dân có phản ánh, cũng có nhiều báo chí vào làm việc. Tuy nhiên đường xả thải đó chưa thể xác minh là của đơn vị nào do còn chung với Công ty Đông Á và Công ty CP Giấy Việt Châu... Chúng tôi ở UBND tít tận đây cũng còn ngửi thấy mùi hôi theo hướng gió.”

Ông Nguyễn Minh Phú - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Châu cho biết: “Cuối năm 2018 và sang tháng 2 năm 2019, có hiện tượng lúa và cá chết, kể cả cỏ ven bờ mương bị xém. Chúng tôi đã lấy mẫu nước xuống nhờ Trung tâm quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường thẩm định và có thông báo là lượng axit vượt quá mức an toàn. Tuy nhiên địa phương không thể khẳng định là nguồn thải từ Công ty nào, trách nhiệm điều tra là của cảnh sát môi trường, chúng tôi chỉ có thể báo cáo... Từ tháng 3 năm 2019 chúng tôi đã báo cáo hết lên UBND huyện Phù Ninh, Sở TNMT tỉnh nhưng chưa có câu trả lời thực tế.

Phải chăng đang có sự đùn đẩy trách nhiệm từ Sở TNMT tỉnh Phú Thọ sang cho UBND huyện Phù Ninh, khi mà UBND thị trấn Phong Châu đã từng báo cáo lên Sở và chờ đợi sự hỗ trợ điều tra cũng như hướng dẫn của Sở? Việc cả một thị trấn chịu mùi hôi thối suốt 30 năm mà cho đến nay vẫn chưa thể tìm ra nguồn xả thải xem chừng có phần... phi lý? Chỉ biết rằng, thời điểm hiện tại và có lẽ còn lâu nữa, người dân thị trấn Phong Châu chỉ biết kêu trời, cắn răng chịu đựng mà sống chung với ô nhiễm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.