Kỳ 2 - Phú Thọ: Tổng Công ty Giấy Việt Nam trả lời về nghi vấn ô nhiễm môi trường
Cập nhật lúc: 19/06/2019, 01:01
Cập nhật lúc: 19/06/2019, 01:01
Ngày 15/6 vừa qua, sau những thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường của người dân tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, pv đã làm việc với ông Trần Quốc Vượng, Trưởng phòng truyền thông của Tổng Công ty Giấy Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ngoài ông Trần Quốc Vượng, còn có bà Nguyễn Hồng Thúy, nhân viên phòng kỹ thuật của Tổng Công ty.
Đối với những ý kiến phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường và mùi hôi thối kéo dài hàng chục năm nay, nghi vấn do hoạt động xử lý chất thải của Tổng Công ty Giấy Việt Nam, ông Vượng cho hay từ trước đến nay phía Tổng Công ty chưa từng nhận được bất kỳ đơn thư, phản ánh nào về vấn đề ô nhiễm này. Ông Vượng cũng khẳng định, ngày nào tại Tổng Công ty cũng có bộ phận tiếp dân nhưng không thấy phản ánh.
“Chúng tôi có lãnh đạo Tổng Công ty tham gia HĐND huyện, tham gia HĐND thị trấn. Tất cả các kỳ họp Hội đồng nhân dân thì đều có Thành viên Hội đồng thành viên của Tổng Công ty tham gia, thế nhưng 2 đồng chí ấy về cũng không thấy có văn bản kiến nghị về Tổng Công ty.”
Theo ông Vượng, giống như việc sản xuất thuốc lá, xà phòng hay cao su phát sinh ra mùi thì mùi hôi thối mà người dân ngửi thấy là thứ mùi nấu bột, có cả hóa chất, kết hợp với độ ẩm không khí... đây là mùi đặc trưng của quá trình sản xuất giấy, và nằm trong mức độ cho phép chứ không phải ô nhiễm không khí.
Bà Thúy cho hay, hiện nay nước thải của Tổng Công ty Giấy Việt Nam có 3 nguồn bao gồm: Nước để rửa cây nguyên liệu gỗ, nước để lắng phần xỉ tro và nước thải chính sau khi xử lý được đổ ra sông Hồng với lưu lượng đến 20.000 m3/ngày.
Liên quan đến 2 địa điểm xả thải được cho là của Tổng Công ty Giấy Việt Nam, đối với khu vực hồ vôi, bà Thúy cho rằng có “khả năng cao” đây là nước rửa nguyên liệu gỗ của Tổng Công ty. Khi được pv đưa ra những hình ảnh về ô nhiễm tại hồ, bà Thúy không có bình luận gì thêm.
Đối với vị trí cửa cống xả thải ra mương Phú Nham, bà Thúy xác nhận đây là phía sau khu vực xử lý chất thải tập trung của Tổng Công ty. Tuy nhiên, theo bà Thúy thì đây chỉ là cống thoát nước mưa. Về việc nước từ cống này có mùi hôi rất mạnh, thậm chí khiến người hít phải choáng váng thì pv cũng không nhận được phản hồi nào từ nhân viên kỹ thuật của Tổng Công ty.
Khi pv đưa ra đề nghị đưa bà Thúy và ông Vượng đến vị trí cống xả này để xác minh có đúng là nguồn thải của Tổng Công ty Giấy Việt Nam không thì bà Thúy cho rằng bà vốn không được giao nhiệm vụ cùng ra hiện trường để xác minh với phóng viên?
Một điểm đặc biệt lưu ý là bà Thúy với tư cách nhân viên kỹ thuật khẳng định chắc chắn tháng nào Tổng Công ty Giấy Việt Nam cũng có quan trắc và kiểm nghiệm nước thải, cả trong khu vực xử lý nước thải trong và bên ngoài ngoài nhà máy, thế nhưng khi được hỏi đến các số liệu định mức an toàn thì bà Thúy lại trả lời là không thể nhớ được.
Kết quả của buổi làm việc trên, thông tin pv nhận được chỉ là những lời nói chung chung và mang tính chất bào chữa. Những sự việc hiện hữu cùng những bất cập đang xảy ra xung quanh nhà máy thì vị đại diện công ty này, ngoài lời nói cũng không có bất cứ văn bản nào để cung cấp cho phóng viên. Thậm chí, việc cùng pv ra hiện trường để xem xét vấn đề được đề cập trong buổi làm việc cũng không.
Câu hỏi đặt ra ở đây, phải chăng Tổng công ty Giấy Việt Nam đang vì lợi ích kinh tế mà coi thường sức khỏe của các hộ dân xung quanh, làm ảnh hưởng đến môi trường sống và cố tình phủ nhận những sai phạm của mình?
Trước đó, trong buổi làm việc với ông Nguyễn Minh Phú - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Châu, pv được biết: “Cuối năm 2018 và sang tháng 2 năm 2019, có hiện tượng lúa và cá chết, kể cả cỏ ven bờ mương bị xém. Chúng tôi đã lấy mẫu nước xuống nhờ Trung tâm quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường thẩm định và có thông báo là lượng axit vượt quá mức an toàn. Tuy nhiên địa phương không thể khẳng định là nguồn thải từ Công ty nào, trách nhiệm điều tra là của cảnh sát môi trường, chúng tôi chỉ có thể báo cáo... Từ tháng 3 năm 2019 chúng tôi đã báo cáo hết lên UBND huyện Phù Ninh, Sở TNMT tỉnh nhưng chưa có câu trả lời thực tế.”
UBND thị trấn Phù Ninh vì người dân phản ánh ô nhiễm môi trường đã phải tự mình lấy nước thải đi kiểm nghiệm, đã báo cáo lên UBND huyện Phù Ninh, thế nhưng theo câu trả lời của Tổng Công ty Giấy Việt Nam thì lại chưa từng thấy người dân nào phản ánh? Hay phải chăng, 2 vị lãnh đạo thuộc Tổng Công ty có mặt trong HĐND thị trấn, HĐND huyện lại “quên mất” những phản ánh này mà không báo cáo?
Được biết, quá trình điều tra của Cảnh sát môi trường tỉnh Phú Thọ về chủ nhân của nguồn nước thải đổ ra mương Phú Nham, ra hồ vôi và một số địa điểm khác cũng đã diễn ra từ tháng 3 năm 2019, thế nhưng cho đến giờ vẫn chưa công bố kết quả. Người dân thị trấn Phong Châu đặt ra câu hỏi: phải chăng các cơ quan chức năng đang “ngoảnh mặt làm ngơ”, bao che cho doanh nghiệp xả thải, vi phạm pháp luật và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các hộ dân xung quanh?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin, làm rõ sự việc nêu trên./.
16:52, 18/06/2019
15:00, 17/06/2019
06:00, 11/06/2019