18/01/2025 | 19:24 GMT+7, Hà Nội

Kỳ 1: Một cơ thể mất nước nghiêm trọng!

Cập nhật lúc: 28/02/2020, 09:55

Một dự án xây dựng không thể thiếu môi trường pháp lý, tựa như vai trò của nước trong một cơ thể sống. Nước phải sạch, phải tinh khiết thì cơ thể mới khỏe mạnh.

Hôm 25/2 vừa rồi, UBND quận Ba Đình lại tiếp tục thông tin về việc xử lý, tháo dỡ các bộ phận xây dựng sai phép tại công trình tòa nhà 8B Lê Trực. Nếu cứ mỗi tháng một lần vấn đề này được đưa ra công khai thì đây chính là một tín hiệu tốt cho thấy, UBND TP. Hà Nội đang nỗ lực xử lý dứt điểm vụ việc nhức nhối này.

Một câu hỏi đã được đặt ra từ nhiều năm: Tại sao một công trình sừng sững như thế, có những sai phạm được cho rằng nghiêm trọng như thế mà lại tồn tại lâu như vậy? Chính quyền thành phố liệu thiếu quyền lực chăng, không phải. Liệu có những “lợi ích nhóm” lớn đến mức độ khuynh đảo pháp luật chăng, đến nay cũng không thấy có phát hiện gì. Liệu việc thực thi pháp luật của người dân có vấn đề, đang bị nhiễm virus “nhờn phép nước” chăng, có thể có nhưng không nghiêm trọng đến mức pháp luật bất lực đến cả nửa thập kỷ...

Theo dõi vụ việc này nhiều năm, tôi có một sự liên tưởng khá thú vị, đó là tòa nhà 8B Lê Trực đang như một cơ thể bị mất nước nghiêm trọng. Mà “nước” ở đây chính là kỷ cương phép nước trong lĩnh vực xây dựng bị thất thoát trong quá trình thực hiện dự án này.

Một dự án xây dựng không thể thiếu môi trường pháp lý, tựa như vai trò của nước trong một cơ thể sống. Nước phải sạch, phải tinh khiết thì cơ thể mới khỏe mạnh. Còn nếu một dự án không minh bạch và chuẩn chỉ về pháp lý thì không bao giờ có thể mong muốn tồn tại lâu dài.

Nay, Hà Nội đang muốn xử lý triệt để vụ việc “mất nước này”, và như vậy, cần phải phân tích cho ngọn ngành về nguyên nhân để cấp cho nó một nguồn nước lành mạnh.

Đúng ra, tòa nhà 8B Lê Trực được sinh ra là một cơ thể rất bình thường và lành mạnh. Từ một doanh nghiệp quốc doanh được cổ phần hóa, theo chủ trương của thành phố, đưa xưởng sản xuất ra khỏi trung tâm thành phố. Sau đó, ở đây được phép xây khu thương mại và nhà ở cao tầng. Đến đây, không có gì sai và không có gì phải bàn cãi.

Việc thất thoát kỷ cương phép nước đầu tiên tại công trình này cần xem xét, đó là Quyết định số 2452/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã ký ngày 05/12/2008 về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường tỷ lệ 1/500 tại lô đất này. Theo đó, chiều cao công trình không vượt quá 70m và số tầng không quá 20 tầng.

Cho đến nay, khi UBND TP. Hà Nội quyết liệt “cắt” chiều cao của tòa nhà xuống còn 53m và 18 tầng thì cũng đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa Quyết định số 2452/QĐ-UBND kia và mặc nhiên coi đó là một văn bản xâm phạm kỷ cương phép nước trong lĩnh vực xây dựng.

Có thể coi đây là một sự kiện gây cho tòa nhà 8B Lê Trực lâm vào một hoàn cảnh “mất nước” nghiêm trọng, hoàn toàn “vô pháp vô thiên”, lún sâu vào hành vi xây dựng “trái phép” mà không hề hay biết.

Tiếp theo là 2 “đòn” nữa liên quan đến kỷ cương phép nước khiến tòa nhà “mất nước” sâu hơn, đó là ngày 16/3/2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản số 499/QHKT-P3 về việc Chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng, phương án thiết kế sơ bộ kiến trúc dự án tại số 8B phố Lê Trực. Theo đó, tổng diện tích khu đất 5.683,5m2 (trong đó, 1.941,82m2 đất để mở đường của thành phố; 3.741,68m2 là đất dự án). Tại văn bản này xác định: “Khối cao tầng có khối đế 5 tầng, khối tháp 17 tầng (tính cả chiều cao khối đế) và 2 tầng kỹ thuật, 3 tầng hầm”. Tổng chiều cao công trình là 69,1m (tính từ độ cao sàn tầng 1 đến đỉnh mái).

Tiếp nữa, ngày 7/4/2009, Sở Xây dựng Hà Nội ra Văn bản số 2154/SXD-TĐ thông báo Kết quả thẩm định thiết kế cơ sở. Theo đó, Sở đã xác định tất cả các văn bản nêu trên là phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó là một số khuyến nghị có tính kỹ thuật nhằm lưu ý và yêu cầu chủ đầu tư cần thực hiện trong quá trình triển khai dự án.

Toàn những văn bản “tày trời” như thế mà nay bị coi là vô hiệu thì dự án nào có thể tránh khỏi hoạn nạn?

Người dân nhiều lần căng băng rôn mong muốn lấy lại nhà tại 8B Lê Trực sau 5 năm chờ đợi

Trở lại thông tin mới đây từ UBND quận Ba Đình, hiện có 3 phương án xử lý tòa nhà 8B Lê Trực được đưa ra. Theo đó, phương án 1, UBND quận Ba Đình đề xuất với Bộ Tư lệnh Thủ đô giới thiệu đơn vị công binh tháo dỡ. Căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ và khả năng sẽ có xem xét cụ thể, thì yêu cầu Bộ Tư lệnh Công binh hỗ trợ.

Phương án 2, UBND quận Ba Đình đề xuất Bộ Xây dựng giới thiệu đơn vị đủ năng lực tháo dỡ hạng mục vi phạm.

Phương án 3 là các sở, ngành hữu quan phối hợp với quận Ba Đình đề xuất cụ thể việc tháo dỡ công trình vi phạm. Trong khi tháo dỡ và sau tháo dỡ, có thể mời tư vấn nước ngoài tham gia tháo dỡ.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, UBND quận Ba Đình đang muốn cứu tòa nhà 8B Lê Trực ra khỏi tình trạng “mất nước”, làm trong sạch tính pháp lý để cho tòa nhà thoát khỏi những tai tiếng mà nó đã phải oằn mình gánh chịu trong suốt thời gian qua.

Kỳ sau: Rất nguy hiểm khi “giải khát bằng nước biển”!